An Bình đổi thay nhờ chuyển dịch đúng hướng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/3/2013 | 3:14:02 PM

YBĐT - Nhờ tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đồng thời xác định rõ hướng đi, thế mạnh trong phát triển kinh tế nên thời gian qua, tình hình kinh tế - xã hội của xã An Bình, huyện Văn Yên (Yên Bái) có nhiều khởi sắc.

Với 25ha quế, hàng năm, chỉ tính riêng việc khai thác tỉa cành lá gia đình ông Nguyễn Thế Lâm cũng thu về hơn 100 triệu đồng.
Với 25ha quế, hàng năm, chỉ tính riêng việc khai thác tỉa cành lá gia đình ông Nguyễn Thế Lâm cũng thu về hơn 100 triệu đồng.

Thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân địa phương dần được nâng lên, tạo hiệu ứng tích cực với việc thực hiện xây dựng chương trình nông thôn mới trên địa bàn xã.

Theo chân Phó chủ tịch UBND xã Lê Cao Tấn, chúng tôi đến thăm gia đình ông Ngô Văn Tú, thôn Khe Trang, một trong 4 gia đình tham gia chăn nuôi lợn hàng hóa trên địa bàn xã. Ông Tú cho biết: “Gia đình tôi có 5 khẩu nhưng tất cả chỉ trông chờ vào 4 sào lúa nên cuộc sống luôn khó khăn. Thế rồi vào cuối năm 2009, khi xã vận động gia đình xây dựng mô hình chăn nuôi lợn hàng hóa để nâng cao thu nhập, gia đình tôi đã mạnh dạn vay vốn để mở rộng chăn nuôi. Từ đó đến nay, gia đình thường xuyên duy trì bình quân 80 con lợn thịt và 5 con lợn nái. Tính theo giá thị trường thì mỗi năm cũng thu về được gần 100 triệu đồng”.

Cũng theo ông Tú, ngoài việc sử dụng thức ăn công nghiệp, ông sử dụng thêm các phụ phẩm trồng trọt như ngô, sắn để giảm chi phí đầu tư, do vậy việc chăn nuôi của gia đình ít chịu ảnh hưởng của biến động thị trường. Chính vì thế, thời gian qua, mặc dù nhiều mô hình gặp khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao nhưng với cách làm này, gia đình ông vẫn có lãi. Ngoài gia đình ông Tú, ở An Bình còn có 3 trang trại nuôi lợn thịt quy mô 100 con/lứa, 1 trang trại chăn nuôi lợn nái 30 con, 4 gia trại quy mô nhỏ 50 con lợn thịt.

Tiêu biểu trong số này là gia đình ông Lê Cao Vy, sau nhiều năm gắn bó với nghề chăn nuôi, đến nay gia đình thường xuyên duy trì ổn định 100 con lợn siêu nạc, 20 con lợn nái, 17ha rừng trồng cây các loại và hơn 2 mẫu nuôi thả cá, bình quân cho thu nhập hàng năm trên 200 triệu đồng.

Theo ông Lê Cao Tấn, diện tích lúa nước ít, chỉ có 52ha nên Đảng ủy, chính quyền xã luôn xác định, trồng rừng và chăn nuôi chính là chìa khóa mở hướng thoát nghèo cho người dân. Vì thế, hàng năm, xã vận động, tuyên truyền nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, đẩy mạnh chăn nuôi, chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành để thúc đẩy, kích cầu cho các hộ chăn nuôi.

Cùng với chăn nuôi lợn, trồng rừng cũng là một trong những hướng đi được An Bình chọn để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Gia đình ông Nguyễn Thế Lâm, thôn Khe Dòng là một trong số những hộ đã có thâm niên mấy chục năm gắn bó với nghề trồng rừng và thành quả là giờ đây trong tay vợ chồng ông đã có 25ha quế.

Ông Lâm cho biết: “Trước nhà tôi trồng bạch đàn nhưng không hiệu quả, sau đó trồng thử 1.000 cây quế. Thấy quế có hiệu quả thế là hàng năm nhà tôi lại trồng thêm một ít. Cứ thế đến nay, tổng diện tích quế của gia đình đã lên tới 25ha với đủ lứa từ cây 1 tuổi, 7 tuổi rồi 15 tuổi”. Hiện nay, chỉ tính riêng việc khai thác tỉa cành lá, mỗi năm, ông cũng thu về hơn 100 triệu đồng.

Không dừng lại ở đó, gia đình còn tận dụng diện tích sẵn có nuôi thả thêm con cá, con gà và trồng cây ăn quả để nâng cao thu nhập.

Ở An Bình, ngày càng có nhiều mô hình chăn nuôi lợn hàng hóa cho thu nhập khá.

Ông Nguyễn Trọng Tuynh - Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết: “Hiện nay, toàn bộ 365ha đất rừng trên địa bàn xã đã được phủ xanh bởi các loại cây quế, keo, bồ đề, trong đó có hàng chục mô hình trồng rừng kinh tế và mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, giúp nâng cao thu nhập, mở hướng thoát nghèo và làm giàu cho nhiều hộ gia đình. Đây chính là kết quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi”.

Theo ông, bên cạnh tập trung vào các thế mạnh đó, xã còn vận động người dân duy trì ổn định 520ha sắn, trong đó thực hiện canh tác bền vững 110ha để nâng cao hiệu quả và chống xói mòn, rửa trôi cho đất. Với năng suất ổn định từ 20 - 25 tấn/ha, giá bình quân 1.200 đồng/kg như hiện nay, các nguồn thu từ sắn cũng góp phần đáng kể nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Với sự lựa chọn và chuyển dịch đúng hướng, tình hình kinh tế - xã hội ở An Bình đang có những khởi sắc. Điều này được thể hiện khá rõ qua mức tăng trưởng kinh tế năm 2012 đạt 14,5%, tăng 0,5% so với năm 2011; tổng sản lượng cây có hạt đạt 2.501 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ, nâng bình quân lương thực đầu người lên 555kg; bình quân thu nhập đầu người cũng nâng lên 17,5 triệu đồng...

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến nhưng số hộ nghèo trên toàn xã vẫn còn 159 hộ (chiếm 14,1% theo tiêu chí mới), tập trung chủ yếu tại khu vực thôn Khe Trang, Khe Dòng; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn chậm; các mô hình kinh tế hiệu quả chưa được nhân rộng...

Thời gian tới, An Bình đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế đồng thời tăng cường vận động, tuyên truyền người dân phát huy lợi thế, tăng gia sản xuất để xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hùng Cường

Các tin khác
Lãnh đạo NHCSXH huyện Trạm Tấu thăm mô hình vay vốn tạo việc làm tại thị trấn Trạm Tấu.

YBĐT - Kể từ khi Ngân hàng Chính sách – Xã hội ra đời, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã xác định đây chính là một trong những công cụ quan trọng để thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo của mình.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thu (thôn 2, thị trấn Cổ Phúc) phát triển mô hình trồng hoa từ chương trình cho vay vốn của NHCSXH huyện Trấn Yên.

YBĐT - Mười năm qua, vốn cho vay hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã đầu tư 22/22 xã, thị trấn và 221 thôn, bản từ vùng thấp đến vùng cao, vùng sâu vùng xa, mức cho vay được nâng lên đáp ứng nhu cầu sản xuất của hộ nghèo.

Hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội luôn nhận đuợc sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp của các ban, ngành. Ảnh: Đồng chí Tạ Văn Long trao đổi với các đại biểu dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2013 của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh.

YBĐT - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, từ những năm 1987, Nhà nước ta đã chủ trương phát triển kinh tế theo cơ chế kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và một số bộ ngành vừa họp báo về 2 hội nghị xúc tiến đầu tư cấp quốc gia vào Tây Bắc và Tây Nguyên sẽ được tổ chức vào đầu tháng 4-2013.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục