10 năm thực hiện Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị về tiếp tục chuyển đổi lâm trường quốc doanh thành công ty lâm nghiệp ở Yên Bái

Bài 1: Thực trạng kinh tế lâm trường

  • Cập nhật: Thứ ba, 18/6/2013 | 2:25:31 PM

YBĐT - Việc lâm trường A, lâm trường B được giao quản lý trên dưới vạn héc-ta đất chỉ là hình thức, nói đúng hơn là chỉ có trên diễn đàn vì thực tế, lâm trường nào cố gắng lắm cũng chỉ giữ nổi một vài nghìn héc-ta. Lâm trường quốc doanh làm ăn thua lỗ, nợ nần đầm đìa, đời sống cán bộ, công nhân thấp kém… là bức tranh chủ đạo của tất cả các lâm trường trên địa bàn Yên Bái trước khi thực hiện Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị.

Công nhân Lâm trường Yên Bình (Yên Bình) chăm sóc cây keo giống. (Ảnh: Thanh Miền)
Công nhân Lâm trường Yên Bình (Yên Bình) chăm sóc cây keo giống. (Ảnh: Thanh Miền)

Yên Bái là một tỉnh miền núi đất rộng, người thưa nên kinh tế lâm nghiệp giữ một vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Sự hình thành nghề rừng ở Yên Bái gắn với việc chuyển dân, xây dựng những vùng kinh tế mới và thành lập các lâm trường quốc doanh diễn ra từ thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước với hàng loạt các lâm trường ra đời như Yên Bình, Thác Bà, Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Ngòi Lao…

Việc chuyển đổi mô hình được tiến hành để phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết số 28 ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị về sắp xếp và phát triển nông lâm trường chính là sự chỉ đạo cụ thể và quyết tâm của Đảng với mô hình kinh tế này. Sau 10 năm thực hiện, tình hình sản xuất, kinh doanh của các công ty lâm nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn và cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực hơn.

 

Cho tổ chức và cá nhân thuê đất lâm nghiệp sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: Kiểm tra rừng cao su 1 năm tuổi ở Văn Chấn.

Yên Bái có rất nhiều tiềm năng về phát triển rừng và kinh tế lâm nghiệp. Tổng diện tích rừng toàn tỉnh lên đến 418.000ha, trong đó rừng phòng hộ 135.180ha, rừng đặc dụng 30.890ha, rừng sản xuất 215.930ha; độ che phủ rừng năm 2012 đạt 60%. Đảng bộ tỉnh đã xác định, kinh tế rừng có vị thế quan trọng đồng thời đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nghề rừng phát triển. Trước khi thực hiện Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị, tỉnh Yên Bái có 9 lâm trường được giao quản lý 167.485,4ha đất.

Những người quan tâm đến lĩnh vực lâm nghiệp nói chung và các lâm trường Yên Bái nói riêng đều hiểu, suốt một thời gian dài, một trong những nhiệm vụ chính của các lâm trường quốc doanh là khai thác rừng tự nhiên. Do nhu cầu tái thiết đất nước, chúng ta cần rất nhiều gỗ để xây dựng các nhà máy, xí nghiệp, công sở, bệnh viện… Những chỉ tiêu, kế hoạch khai thác gỗ rừng tự nhiên được trao cho các lâm trường khai thác và hàng vạn, hàng triệu cây gỗ quý đã bị vận chuyển về xuôi.

Có lẽ ngoài chức năng, nhiệm vụ phát triển kinh tế lâm nghiệp, chúng ta còn gắn thêm cho các lâm trường quốc doanh những nhiệm vụ khác như hình thành những khu dân cư, xây dựng vùng kinh tế mới… Thế nên ngoài nhiệm vụ chính, các lâm trường quốc doanh còn phải mở thêm các lớp học mẫu giáo, thành lập các trạm xá để nuôi dạy con em công nhân và chăm sóc sức khỏe cán bộ, công nhân, người dân trong vùng.

Đối với nhiệm vụ trồng rừng, các lâm trường quốc doanh cũng có công rất lớn trong việc đưa những cây trồng mới lên rừng như: trẩu, sở dọc tuyến quốc lộ 70; mỡ, bồ đề ở các lâm trường như Việt Hưng, Ngòi Lao; thông mã vĩ  ở Trạm Tấu và Mù Cang Chải… Đội quân lâm sinh - những người mang lại màu xanh cho rừng luôn phải làm việc nơi rừng thiêng, nước độc và ít có điều kiện nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn so với rất nhiều ngành nghề khác.

Đến nay, vẫn còn hàng chục công nhân Lâm trường Púng Luông là dân tộc Mông đã nghỉ chế độ không biết chữ và rất nhiều người trong đó còn không nói được tiếng phổ thông là một thí dụ để chứng minh cho vấn đề này. Rừng trồng ra không ít nhưng sản xuất không gắn với thị trường hay nói đúng hơn là mọi công việc đều do chỉ tiêu, kế hoạch trên giao nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh rất thấp.

Về công tác quản lý, con số 9 lâm trường quốc doanh được giao quản lý hơn 160.000ha đất, bình quân mỗi lâm trường hơn 1 vạn héc-ta cho thấy, chúng ta đã giao cho người "tý hon" những công cụ khổng lồ. Cơ chế, chính sách còn bó buộc; năng lực nội tại còn hạn chế; sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả… nên công tác quản lý, sử dụng quỹ đất rất lớn nói trên đương nhiên là không thể và tình trạng lấn chiếm, xâm canh, xâm cư… đương nhiên diễn ra.

 

Chất lượng rừng ở Yên Bái rất thấp nên hiệu quả kinh tế không cao.

Việc lâm trường A, lâm trường B được giao quản lý trên dưới vạn héc-ta đất chỉ là hình thức, nói đúng hơn là chỉ có trên diễn đàn vì thực tế, lâm trường nào cố gắng lắm cũng chỉ giữ nổi một vài nghìn héc-ta. Lâm trường quốc doanh làm ăn thua lỗ, nợ nần đầm đìa, đời sống cán bộ, công nhân thấp kém… là bức tranh chủ đạo của tất cả các lâm trường trên địa bàn Yên Bái trước khi thực hiện Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị.

Bắt tay thực hiện Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị, tỉnh Yên Bái đã chuyển đổi, sắp xếp 4 lâm trường quốc doanh thành 4 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên gồm: Yên Bình, Thác Bà, Việt Hưng, Ngòi Lao; 3 lâm trường gồm Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn do sản xuất, kinh doanh thua lỗ, chưa giải quyết được vấn đề tài chính nên chưa tiến hành sắp xếp; Lâm trường Púng Luông và Trạm Tấu chuyển thành ban quản lý rừng phòng hộ. Đánh giá của tỉnh mới đây cho thấy, 10 năm sau chuyển đổi, tổng giá trị tài sản của các lâm trường là 61,2 tỷ đồng, giảm 12,2% so với thời điểm 31/12/2011.

Vốn chủ sở hữu 17,3 tỷ đồng, trong đó 2 lâm trường có mức vốn chủ sở hữu trên 5 tỷ đồng là Lâm trường Văn Chấn và Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Thác Bà; có bốn doanh nghiệp có mức vốn từ 1 tỷ đồng đến dưới 4 tỷ đồng; đặc biệt, Lâm trường Lục Yên đã bị âm vốn chủ sở hữu 8,7 tỷ đồng do thua lỗ kéo dài. Nắm trong tay một khoản vốn (bao gồm cả đất đai và cây rừng) lớn như vậy nhưng tổng doanh thu của các lâm trường năm 2012 chỉ vẻn vẹn có 29,1 tỷ đồng và chỉ có 4 đơn vị làm ăn có lãi.

Đơn vị nhiều nhất là Công ty Việt Hưng lãi 1.445 triệu đồng, hai Công ty Thác Bà và Yên Bình lãi lần lượt là 12 triệu đồng và 9 triệu đồng, trong khi tổng số nợ phải thu của các lâm trường đến ngày 31/12/2012 là 10,04 tỷ đồng; tổng số nợ phải trả là 48,9 tỷ đồng, trong đó vay nợ các ngân hàng là 15,2 tỷ đồng. Đối với hai ban quản lý rừng phòng hộ là Trạm Tấu và Mù Cang Chải, với chức năng và nhiệm vụ mới được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước nên thành tựu không có gì nổi bật ngoài việc phối hợp với chính quyền địa phương và ngành chức năng quản lý, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên thuộc hai huyện phía tây của tỉnh.

Báo cáo tình hình lãnh đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị của Tỉnh ủy Yên Bái đã thẳng thắn nhìn nhận, tình hình sản xuất, kinh doanh của các lâm trường còn hết sức khó khăn; năng lực quản lý còn nhiều yếu kém, công tác quản lý không chặt chẽ, đất đai bị lấn chiếm nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm. Đồng thời, việc sử dụng vốn và tài sản ở một số doanh nghiệp chưa chặt chẽ, số vốn bị chiếm dụng ở mức cao, tài sản bị thiếu hụt, chờ xử lý luôn rất lớn. Đặc biệt là chưa một lâm trường hay doanh nghiệp nào có nhà máy chế biến lâm sản với công nghệ tiên tiến để tạo bước đột phá.

 Lê Phiên

(Kỳ sau đăng tiếp Bài 2: "Bình mới" phải "rượu mới") 

Các tin khác
Công nhân bảo dưỡng cọc sắt bị hoen ghỉ do phơi mưa nắng tại Cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong.

Thông tin này được ông Hoàng Đình Phi, phó ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa) xác nhận ngày 17-6.

Dây chuyền máy móc của Công ty cổ phần Chè Trần Phú nằm chờ nguyên liệu...

YBĐT - Sau nạn chè tầm, chè “bẩn” hoành hành, những tưởng đời sống của người làm chè cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh chè ở Văn Chấn (Yên Bái) sẽ đi vào ổn định nhưng hệ lụy của nó vẫn khiến người làm chè nơi đây thấp thỏm, âu lo…

Đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng đẩy nhanh tiến độ thu hoạch để triển khai gieo cấy lúa hè thu.

YBĐT - Vượt qua những khó khăn về thời tiết, giá giống, giá phân bón và vật tư nông nghiệp leo thang, nhà nông tỉnh Yên Bái đang gặt hái một vụ lúa đông xuân bội thu cả về năng suất lẫn sản lượng.

Khuyến khích nắm giữ VNĐ, hạn chế sự dịch chuyển sang USD.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) , từ tháng 4/2013, tỷ giá USD/VNĐ có xu hướng tăng trở lại, do yếu tố tâm lý và áp lực cầu ngoại tệ xuất hiện khi nhập siêu tăng trở lại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục