Khan hiếm lao động thời vụ

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/6/2013 | 8:38:43 AM

YBĐT - Chẳng cần phải ly hương hay đi làm thuê, mướn nơi đất khách quê người, chỉ cần chăm chỉ chịu khó, không ít lao động nông nhàn khu vực nông thôn hiện nay đã kiếm được khoản thù lao tiền triệu mỗi tháng, chẳng kém gì lương công nhân trong các khu công nghiệp. Ấy thế mà ở nông thôn hiện nay không phải cứ có tiền là đã thuê mướn được lao động làm việc cho mình…

Các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng đang vào mùa sản xuất thu hút lượng lớn lao động thời vụ. Ảnh: Lao động làm việc tại một xưởng bóc gỗ ở xã Lương Thịnh (Trấn Yên).
Các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng đang vào mùa sản xuất thu hút lượng lớn lao động thời vụ. Ảnh: Lao động làm việc tại một xưởng bóc gỗ ở xã Lương Thịnh (Trấn Yên).

Có một thực tế mà không ít địa phương đang phải đối mặt, đó là lao động thời vụ khan hiếm do lao động nông thôn có xu hướng thích đi làm ăn xa đang ngày càng có chiều hướng gia tăng. Phải thừa nhận rằng, lao động nông thôn thời nay không lo thiếu việc làm. Người nông dân không phải quá vất vả sớm hôm lo toan việc đồng áng mà vẫn có hạt thóc ăn quanh năm, bởi việc làm ở nông thôn và nhu cầu sử dụng lao động thời vụ tăng cao.

Nhiều người sẵn sàng thuê mướn lao động làm thay công việc cho mình để tìm kiếm những việc làm cho thu nhập cao hơn. Giá tiền công trả cho lao động thuê mướn ở nông thôn hiện không hề thấp, chí ít cũng 80 - 100 nghìn đồng/ngày; với những công việc nặng nhọc có khi lên tới 150 – 250 nghìn đồng. Cá biệt có những địa phương, ngày công gặt lúa được trả tới 200 nghìn đồng mà vẫn không thuê được người làm… Trong khi lực lượng lao động tại chỗ lại khan hiếm thì ở nhiều địa phương, lao động trong độ tuổi "đầu đội vai vác" rủ nhau rời quê đến các tỉnh, thành phố tìm kiếm việc làm mong có thu nhập cao hơn làm ruộng lại khá phổ biến. Nhu cầu lao động tăng khiến việc thuê khoán lao động thời vụ ở nông thôn trở thành vấn đề nan giải đối với không chỉ hoạt động sản xuất nông nghiệp ở địa phương mà cả hầu hết các cơ sở sản xuất kinh doanh thường xuyên phải sử dụng lao động “ngắn ngày” này.

Khách quan nhìn nhận, sản xuất nông nghiệp bấp bênh, người nông dân hầu như không có lãi hoặc lãi rất ít vì đầu ra cho sản phẩm thiếu tính ổn định và phải chấp nhận nhiều rủi ro.

Tình trạng thiếu lao động mùa vụ đang là thực trạng chung và ngày càng phổ biến ở nhiều địa phương khi một bộ phận thanh niên không còn thiết tha với nghề nông. Nguyên nhân một phần do khi chưa bước vào mùa vụ, lao động không có việc làm nên thường phải đi tìm việc ở các thành phố lớn, tại các khu công nghiệp để có thu nhập ổn định. Có một thực tế nữa là trong những năm qua, sự chuyển dịch lao động trẻ từ nông thôn ra thành thị diễn ra khá nhanh. Tâm lý của không ít lao động trẻ bây giờ không thích cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”.

Bên cạnh đó, môi trường nông thôn khó giữ lao động trẻ còn bởi chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn thấp. Nhiều thanh niên học nghề về quê cũng chẳng biết làm gì hoặc không có vốn để phát triển ngành nghề đã học. Tuy nhiên, bỏ qua vấn đề chất lượng lao động thì không ít cơ sở sản xuất địa phương hiện nay đang phải đối mặt với  thực tế là lao động nông thôn mà đại đa số là nông dân chưa thích nghi được với tác phong  và lối tư duy làm việc công nghiệp, bởi thói quen tự do cá nhân, thích thì làm không thích thì nghỉ.

Theo quan sát thì thời điểm này ở nhiều địa phương trong tỉnh đang vào mùa bóc gỗ. Trong số hàng trăm cơ sở sản xuất chế biến gỗ rừng trồng đang hoạt động tấp nập thì vẫn có không ít cơ sở ngày làm ngày nghỉ, lý do không phải thiếu nguyên liệu đầu vào mà là… thiếu lao động. Theo chủ các cơ sở thì ý thức về giờ giấc làm việc, kỷ luật của phần lớn lao động nông thôn, nhất là lao động thời vụ thuê khoán rất hạn chế. Thói quen tự do cá nhân và cung cách làm việc “tùy tiện” kiểu như cần tiền thì làm đôi ba tháng, khi có tiền lại tùy hứng nghỉ việc cả dăm bảy ngày hay đang làm cho cơ sở này lại sẵn sàng bỏ việc nhảy sang cơ sở khác… ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh khiến nhiều chủ xưởng dở khóc dở cười.

Thực trạng này không chỉ xảy ra với riêng một ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nào mà đang là thực trạng chung đối với hầu hết các cơ sở sử dụng lao động thời vụ. Đáng lo ngại hơn, tình trạng thiếu lao động nông thôn ngay trong chính hoạt động sản xuất nông nghiệp hiện nay cũng đang diễn ra khá phổ biến đặt nhiều địa phương trước trăn trở làm thế nào để giữ chân lao động nông thôn ở lại với quê hương.

Thiết nghĩ, giải bài toán này không chỉ cần sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tổ chức sản xuất, phân bố lao động phù hợp từng ngành nghề, lĩnh vực… mà đòi hỏi phải có những chính sách đồng bộ của Đảng, Nhà nước để lao động trẻ nông thôn “ly nông không ly hương”…

Phạm Minh

Các tin khác
Dự án Samsung mở tổ hợp sản xuất thứ hai tại Thái Nguyên đã giúp tăng vốn FDI vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm

Cục Đầu tư nước ngoài (FIA), Bộ Kế hoạch - đầu tư vừa công bố tình hình vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2013.

6.000 xã dễ bị tổn thương do thiên tai, đặc biệt là các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu tại Việt Nam sẽ được hỗ trợ 5 triệu USD nhằm quản lý rủi ro thảm họa.

Lãnh đạo xã Động Quan đến thăm hộ nghèo Lý Văn Hiển.

YBĐT - Trong những năm qua, công tác xóa đói giảm nghèo ở vùng đất ngọc Lục Yên đã có những chuyển biến. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo của toàn huyện vẫn chiếm khá cao (40,33%). Đặc biệt, trong số đó có nhiều thôn, bản tỷ lệ này chiếm tới 100%. Vậy đâu là nguyên nhân?

Phân tích hồ sơ khai thuế của người nộp thuế tại Cục thuế tỉnh.
(Ảnh: Linh Nhung)

YBĐT - Từ ngày 1/7/2013, cơ sở kinh doanh (KD) đang hoạt động thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư mới cùng tỉnh, thành phố, đang trong giai đoạn đầu tư thì cơ sở KD phải kê khai bù trừ số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho dự án đầu tư mới cùng với việc kê khai thuế GTGT của hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) đang thực hiện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục