Sử dụng phân viên nén dúi sâu: Giảm giá thành, tăng năng suất

  • Cập nhật: Thứ hai, 1/7/2013 | 3:27:16 PM

YBĐT - Là tỉnh miền núi song Yên Bái đã dành nhiều cơ chế, chính sách, dự án đầu tư cho sản xuất nông - lâm nghiệp, nhất là trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đưa các giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất đã tăng mạnh, có nơi đạt 12 - 13 tấn/ha.

Nông dân xã Sơn A (Văn Chấn) bón phân viên nén dúi sâu cho vụ lúa mùa 2013.
Nông dân xã Sơn A (Văn Chấn) bón phân viên nén dúi sâu cho vụ lúa mùa 2013.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, trong sản xuất vẫn còn những hạn chế nhất định, năng suất tăng không đồng đều, có sự chênh lệch lớn giữa vùng thấp với vùng cao và ngay cả giữa các xứ đồng, nhất là một hai năm trở lại đây, năng suất lúa đã có phần chững lại.

Qua thực tế và nghiên cứu của các nhà khoa học cũng như những người tâm huyết với nông nghiệp đã chỉ rõ, một trong những nguyên nhân dẫn đến năng suất chững lại là do nông dân chưa áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất.

 Thực tế cho thấy, địa phương nào, hộ gia đình nào áp dụng, ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật như: sử dụng giống lai tiến bộ có năng suất, chất lượng cao; cấy mạ non với mật độ hợp lý; sử dụng phân viên nén dúi sâu và tăng lượng phân hữu cơ; phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc "4 đúng" (đúng sâu, đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm); áp dụng khung thời vụ theo chỉ đạo của ngành nông nghiệp... thì lúa đều đạt năng suất từ 13 - 14 tấn/ha. Với mức năng suất này, sau khi trừ chi phí, người nông dân thu lãi từ 30% - 35%, nếu sản xuất lúa thuần chất lượng cao có thể đạt trên 40%.

Hiệu quả là vậy nhưng trong việc triển khai sản xuất trên diện rộng tại các xứ đồng, các địa phương vùng cao là rất khó khăn, một phần do nhiều hộ nông dân vẫn không thực sự chú trọng đầu tư thâm canh, một phần do kinh tế còn khó khăn và cũng có không ít hộ chưa được tiếp cận, hiểu biết kỹ thuật thâm canh lúa.

Bên cạnh đó phải nói đến việc chậm chuyển đổi cơ cấu giống lúa, giống có nhiều song về cơ bản vẫn là giống lúa lai Nhị ưu 838. Giống lúa này đã hiện diện hơn 10 năm trên đồng ruộng và dường như ngành nông nghiệp vẫn chưa tìm ra được bộ giống lúa để thay thế dù giống lúa Nhị ưu 838 không phải quá vượt trội. Cùng với đó, việc đầu tư thâm canh chưa được chú trọng, dẫn tới năng suất lúa cũng như chất lượng chưa cao.

Vài ba năm trở lại đây, nhiều hộ gia đình nông dân ở huyện Lục Yên, Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn đã áp dụng và sử dụng phân viên nén dúi sâu (FDP) mang lại hiệu quả khá cao. Sử dụng phân viên nén dúi sâu là một giải pháp tốt trong sản xuất lương thực ở Yên Bái. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong mỗi vụ sản xuất hiện nay, có trên 42.000 hộ nông dân sử dụng phân viên nén dúi sâu với diện tích khoảng 4.000ha. Kết quả cho thấy, năng suất lúa cao hơn so với các hộ sử dụng phân vãi từ 15% - 20%.

Không chỉ vậy, sử dụng phân viên nén làm giảm chi phí đầu tư, đặc biệt trong điều kiện giá vật tư phân bón ngày một tăng cao như hiện nay. Qua thống kê cho thấy, cứ làm 2 sào ruộng sử dụng phân viên nén tăng thu nhập từ 800.000 đồng - 1 triệu đồng/vụ. Sử dụng phân viên nén còn giảm đáng kể nhân công lao động cho cả vụ: giảm công do cấy thưa, công chăm sóc ruộng do chỉ một lần bón phân.

Bà Sầm Thị Giao ở xã Sơn A (Văn Chấn) nói: “Vụ xuân vừa qua, gia đình gieo cấy 5 sào ruộng, toàn bộ diện tích sử dụng bón phân viên nén dúi sâu, năng suất lúa đạt 250kg/sào, tăng 40kg/sào so với vụ trước. Nếu như trước đây sử dụng bón phân vãi, mỗi vụ phải mất hàng chục công để bón phân nhưng nay giảm tới một nửa vì cả vụ chỉ bón có một lần. Không những vậy, do đặc thù đồng ruộng ở miền núi, bón phân vãi có tỷ lệ thất thoát lớn bởi bị trôi nhưng sử dụng phân viên nén dúi sâu thì lại không”.

Sử dụng phân viên nén dúi sâu làm tăng năng suất lúa, giảm chi phí, giảm nhân công là điều không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường phân viên nén rất khan hiếm, không phải lúc nào nông dân cũng mua được và người dân nào cũng biết và sử dụng. Thiết nghĩ, ngành nông nghiệp, các cán bộ khuyến nông viên cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, hướng dẫn người nông dân sử dụng phân viên nén vào sản xuất nhiều hơn.

Ngọc Trúc 

Các tin khác
Giá xăng được điều chỉnh giảm.

Giá xăng trong nước hôm nay (16/5) được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giảm. Mỗi lít xăng RON 95 giảm 410 đồng, giá bán xuống mốc 23.130 đồng/lít.

12.300 lượng vàng miếng SJC đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đấu thầu bán thành công.

Kết quả phiên đấu thầu vàng miếng SJC sáng 16/5, có 11 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng 12.300 lượng vàng.

Hôm nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu vàng lần thứ 7. Ảnh minh họa.

Sáng 16/5, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng lần thứ 7 với giá đặt cọc 87,5 triệu đồng một lượng.

Sản phẩm chè Shan tuyết của HTX Suối Giàng được sản xuất đúng quy trình cho chất lượng cao.

Phát huy lợi thế địa phương, một hợp tác xã đến 90% thành viên là người dân tộc Mông đã biết khai thác, chế biến để vừa nâng cao giá trị sản phẩm Shan tuyết chè cổ thụ vừa nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, trở thành điểm sáng trong khu vực kinh tế tập thể của tỉnh Yên Bái. Đó là Hợp tác xã (HTX) Suối Giàng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục