Nói "không" với chè kém chất lượng

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/7/2013 | 8:58:45 AM

YBĐT - Trong những năm qua, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã có nhiều chủ trương, giải pháp khuyến khích nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng gắn với mục tiêu tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích canh tác, trong đó cây chè được xác định là một trong những loại cây kinh tế mũi nhọn. Với diện tích hơn 2.000ha, cây chè đã góp phần đáng kể vào thu nhập của người dân, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động ở các xã trên địa bàn huyện.

Nông dân xã Bảo Hưng (Trấn Yên) thu hái chè.
Nông dân xã Bảo Hưng (Trấn Yên) thu hái chè.

Mặc dù vậy, mấy năm gần đây, thực trạng sản xuất chè kém chất lượng và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề gây bức xúc dư luận, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, chất lượng sản phẩm chè của Trấn Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung. Điều đó đã làm cho người dân ở một số địa phương sống bằng cây chè rơi vào tình cảnh lao đao vì chè làm ra không bán được, dẫn đến thất thu.

Do nhu cầu tiêu thụ và vì lợi nhuận trước mắt nên việc chế biến chè không đảm bảo vệ sinh này diễn ra từ 2 năm trước đây, các hộ dân chưa được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cơ bản về kỹ thuật, quy trình, các điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến chè. Tại các điểm sao sấy thủ công, có rất nhiều vi phạm trong quá trình sản xuất, chế biến chè như: nơi chế biến ngay cạnh chỗ nuôi nhốt gia súc, gia cầm, nhà vệ sinh, cống rãnh nước thải; chè phơi ở khắp mọi nơi, trực tiếp dưới đất, sân, gần đường giao thông có nhiều bụi bẩn và để gia súc, gia cầm đi lại; sử dụng các loại phụ gia (bột sắn, ngô...) để chế biến chè.

Trước thực trạng đó, từ năm 2011 đến nay, các cấp, các ngành ở Trấn Yên quyết tâm thực hiện những giải pháp quyết liệt nhất để xóa bỏ chè kém chất lượng, lấy lại uy tín cho ngành chè, giúp người dân tiếp tục có thu nhập bền vững từ cây chè.

Trong đó, huyện tập trung vào những giải pháp cụ thể như: chỉ đạo các xã quán triệt người dân và các cơ sở sản xuất, chế biến chè về việc nghiêm cấm các hành vi sản xuất, chế biến chè không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng quy chế về quản lý, kiểm tra các cơ sở, cá nhân chế biến chè; tích cực vận động người dân trồng và chế biến chè ký cam kết sản xuất chè an toàn, không phơi chè ven đường, nơi ô nhiễm, bụi bẩn; không pha trộn phụ gia, tạp chất; đảm bảo an toàn lao động và giữ gìn vệ sinh môi trường.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 16 đơn vị, công ty, hợp tác xã, cơ sở tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh chè (có công suất từ 1 đến 18 tấn chè búp tươi/ngày). Ngoài ra, huyện còn có trên 400 cơ sở chế biến chè thủ công quy mô hộ gia đình. Năm 2012, sản lượng chè búp tươi của Trấn Yên đạt hơn 15.000 tấn; đã chế biến được trên 3.300 tấn chè khô, sản phẩm chè đen chiếm 80%, chè xanh chiếm 20%; tổng giá trị thu nhập từ sản phẩm chè chế biến đạt trên 70 tỷ đồng.

Nhóm hộ sản xuất chè sạch xã Bảo Hưng.

Giải quyết triệt để tình trạng, sản xuất chế biến chè không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, năm 2012, UBND huyện đã quyết định thành lập Tổ kiểm tra liên ngành. Năm 2013, Tổ kiểm tra liên ngành tiếp tục được kiện toàn với sự tham gia của Đội Quản lý thị trường số 3, Công an huyện, Trung tâm Y tế và Phòng nông nghiệp & phát triển nông thôn huyện. Nhiệm vụ của tổ là kiểm tra thị trường sản xuất và kinh doanh chè trên địa bàn.

Trong năm 2012, tổ kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, điểm sao sấy chè thủ công, điểm thu mua chè đã phát hiện, xử lý 5 cơ sở vi phạm (trong đó có 1 cơ sở ở xã Hưng Khánh, 2 cơ sở và 2 doanh nghiệp ở xã Hưng Thịnh) sản xuất, chế biến chè không đảm bảo vệ sinh. Đội đã lập biên bản xử lý, tiêu hủy gần 500kg chè khô; phạt hành chính gần 30 triệu đồng.

Kể từ sau đợt kiểm tra cao điểm tháng 5/2012 đến hết niên vụ 2012, tình trạng sản xuất, kinh doanh, chế biến chè trên địa bàn huyện đã được chấn chỉnh và đi vào nề nếp. Ý thức về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến chè đã có chuyển biến tích cực. Đến nay, tình trạng pha trộn các chất phụ gia để chế biến chè đã không còn.

Duy trì công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh chè đi vào nề nếp, năm 2013, Trấn Yên tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, phổ biến tác hại của việc sản xuất chế biến chè không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với mục đích vừa đảm bảo được năng suất, chất lượng, hiệu quả vừa nâng cao uy tín, đảm bảo sự phát triển bền vững đối với ngành chè của địa phương.

Đặc biệt, UBND huyện đã chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 3 chủ động nắm bắt tình hình hoạt động của các cơ sở chế biến chè; làm tốt công tác tham mưu với UBND huyện, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức triển khai, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm; không để tình trạng sản xuất, chế biến, kinh doanh chè không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tái diễn.

Trong vụ sản xuất chè 2013, Tổ kiểm tra liên ngành của huyện đã kiểm tra nhiều cơ sở thu mua, chế biến chè. Trong tháng 5, tổ đã phát hiện, xử phạt 3 hộ gia đình và 1 doanh nghiệp chế biến chè ở xã Hưng Khánh, Hưng Thịnh, Bảo Hưng, Vân Hội với các vi phạm như: không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; không công bố hợp quy khi sản xuất và đã xử phạt hành chính hơn 15 triệu đồng.

Trong thời gian tới, huyện Trấn Yên tập trung chỉ đạo ngành nông nghiệp tuyên truyền cho người dân trồng, chăm sóc, thu hái chè đúng kỹ thuật; nghiêm cấm các hình thức sản xuất chè không đảm bảo vệ sinh; mở các lớp tập huấn hướng dẫn người dân sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP để hướng dẫn phương thức sản xuất chè sạch, cho hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt, huyện coi trọng việc nỗ lực xây dựng vùng nguyên liệu và sản xuất, chế biến chè ngày một chất lượng, an toàn, trong đó tập trung đầu tư trồng mới, trồng cải tạo thay thế chè già cỗi bằng giống chè mới năng suất, chất lượng cao. Trấn Yên khuyến khích việc đổi mới trang thiết bị chế biến chè tại các cơ sở sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm chè đồng thời tạo điều kiện cho các cơ sở chế biến đăng ký xây dựng thương hiệu chè. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 2 cơ sở đăng ký xây dựng thương hiệu chè Bát Tiên Trấn Yên là: Cơ sở Hợp tác xã 6/12 xã Đào Thịnh và Công ty TNHH Thảo Nhung, xã Bảo Hưng. Sản phẩm chè Bát Tiên bước đầu đã được thị trường chấp nhận.

Thanh Tiến

Các tin khác

YBĐT - Trong 6 tháng đầu năm 2013, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố Yên Bái đạt 692,5 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, đạt 46,1 % kế hoạch năm.

Triển khai ứng dụng quản lý thuế bằng công nghệ thông tin tại Cục Thuế tỉnh. (Ảnh: Linh Nhung)

YBĐT - Sau 5 năm Việt Nam gia nhập WTO, đã phát sinh nhiều thách thức, tác động lớn đến việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành thuế. Phó Cục trưởng Cục Thuế Đoàn Quốc Trường đã có cuộc trao đổi với báo chí về những thuận lợi, khó khăn và kết quả mà ngành thuế đạt được trong quá trình hội nhập quốc tế.

YBĐT - Thu nhập cao gấp 2 đến 3 lần so với trồng lúa, thời gian sinh trưởng ngắn, tốn ít công chăm sóc là những ưu điểm và hiệu quả bước đầu của mô hình sản xuất ngô ngọt trái vụ tại xã Nghĩa Phúc (thị xã Nghĩa Lộ).

YBĐT - Là cây trồng không thể thay thế trong tập đoàn cây công nghiệp ở Yên Bái trong nhiều năm qua, ngành công nghiệp chế biến chè mỗi năm đem lại tổng giá trị trên 400 tỷ đồng, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động địa phương. Thế nhưng cái cung cách làm ăn theo kiểu ăn xổi của nông dân với việc thu hái tận diệt và cách đầu tư chăm bón theo kiểu bóc màu của doanh nghiệp chế biến chè trên địa bàn tỉnh những năm qua chưa thể đưa chè trở thành cây xóa đói giảm nghèo ở Yên Bái...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục