Ngành thuế Yên Bái sau 5 năm hội nhập

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/7/2013 | 2:58:58 PM

YBĐT - Sau 5 năm Việt Nam gia nhập WTO, đã phát sinh nhiều thách thức, tác động lớn đến việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành thuế. Phó Cục trưởng Cục Thuế Đoàn Quốc Trường đã có cuộc trao đổi với báo chí về những thuận lợi, khó khăn và kết quả mà ngành thuế đạt được trong quá trình hội nhập quốc tế.

Triển khai ứng dụng quản lý thuế bằng công nghệ thông tin tại Cục Thuế tỉnh. (Ảnh: Linh Nhung)
Triển khai ứng dụng quản lý thuế bằng công nghệ thông tin tại Cục Thuế tỉnh. (Ảnh: Linh Nhung)

P.V:  Năm 2012 và 5 tháng đầu năm 2013, ngành thuế Yên Bái đã có những đổi mới và đạt được kết quả tiêu biểu gì thưa ông? Ông có thể cho biết những bài học kinh nghiệm rút ra trong quản lý, điều hành?

Ông Đoàn Quốc Trường: Năm 2012, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực thi nhiệm vụ nhưng ngành thuế đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp thu, liên tục đổi mới và triển khai các quy trình quản lý thuế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, tăng cường cải cách thủ tục hành chính thuế, phối hợp triển khai có hiệu quả công tác chống thất thu thuế, nhất là đối với lĩnh vực mà Yên Bái có thế mạnh như: khai thác khoáng sản, chế biến nông, lâm sản, phân cấp mạnh mẽ nguồn thu cho các đơn vị cơ sở, triển khai đề án quản lý hộ kinh doanh, tham mưu cho tỉnh sử dụng hiệu quả tài nguyên đá vôi trắng thải mạt...

Vì vậy, năm 2012, toàn tỉnh thu ngân sách đạt 1.067 tỷ đồng, bằng 125% dự toán Trung ương giao và bằng 106,7% dự toán của tỉnh, tăng 24,2% so với năm 2011. Đây là lần đầu tiên tỉnh Yên Bái thu vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng, đáp ứng nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Năm 2013, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn tiềm ẩn nhưng với sự nỗ lực của công chức thuế và sự cộng đồng trách nhiệm của các cấp, các ngành nên đến hết tháng 5, thu đạt 317 tỷ đồng, bằng 30% dự toán phấn đấu của tỉnh, bằng 35,9% dự toán Bộ Tài chính giao, tăng 43% so với cùng kỳ.

Qua đây, có thể khẳng định ngành thuế đã tranh thủ tốt sự chỉ đạo của tỉnh, sự điều hành của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, sự phối hợp của các cấp, các ngành trong thực hiện tốt nhiệm vụ công tác thuế. Tăng cường quản lý thuế theo chức năng và tạo điều kiện tốt nhất cho người nộp thuế (NNT) tuân thủ pháp luật về thuế.

- Ông có thể đánh giá về những thách thức phát sinh đối với ngành thuế Yên Bái sau 5 năm hội nhập?

Trong điều kiện nền kinh tế có xuất điểm thấp, chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp, hơn 90% doanh nghiệp (DN) đều có quy mô vừa và nhỏ lại đang trong quá trình chuyển đổi, sắp xếp lại, công nghệ lạc hậu, năng lực quản trị và sức cạnh tranh thấp. Hầu hết các DN đều hoạt động bằng vốn vay nên phụ thuộc nhiều vào chính sách tiền tệ, chưa có chiến lược dài hạn, ít quan tâm nghiên cứu thị trường, chưa coi trọng phát triển đổi mới quản trị DN, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, còn thiếu thông tin, thiếu sự gắn bó, liên kết chặt chẽ giữa các DN và sự tín nhiệm trong làm ăn... nên sự phát triển thiếu bền vững. Các DN có vốn đầu tư nước ngoài số lượng ít và chỉ tập trung vào ngành khai thác, chế biến khoáng sản.
Bên cạnh đó, từ năm 2008 đến nay, nền kinh tế lại liên tục chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới nên chưa có dấu hiệu phục hồi. Do đó, Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách giãn, giảm thuế cho DN. Đó là những thách thức lớn đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành thuế.

- Thưa ông, hiệu quả các chương trình cải cách hành chính tác động thế nào đến hoạt động của ngành và đơn vị, DN liên quan?

Những năm qua, ngành thuế Yên Bái đã thực hiện tốt chương trình cải cách, hiện đại hóa ngành thuế đến năm 2010 và tiếp tục triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, đã đặc biệt chú trọng đến công tác cải cách thủ tục hành chính thuế, rà soát, xóa bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn cho NNT theo Đề án 30 của Chính phủ, tăng cường nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và hỗ trợ NNT tại bộ phận “một cửa” và “một cửa liên thông” ở cơ quan thuế các cấp, nhanh chóng giải quyết thủ tục hành chính thuế, giúp NNT giảm bớt thời gian và chi phí đi lại, tổ chức toạ đàm, đối thoại theo từng ngành nghề để tháo gỡ vuớng mắc, hạn chế thấp nhất hành vi vi phạm, phối hợp thực hiện có hiệu quả quy trình hiện đại hoá thu ngân sách nhà nước qua ngân hàng thương mại. Đồng thời, triển khai kịp thời, đúng đối tượng DN đủ điều kiện được hưởng chính sách giãn, giảm, miễn thuế, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh (SXKD) phát triển.

- Để góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh, bền vững và chủ động hội nhập, thời gian tới ngành thuế sẽ tập trung vào mục tiêu gì, thưa ông?

Ngành thuế sẽ tập trung phân tích, đánh giá tình hình SXKD của DN để dự báo các nguồn thu có khả năng tăng trưởng, nhằm quản lý chặt chẽ, bù đắp cho khoản hụt thu do thực hiện miễn, giãn, giảm thuế theo Nghị quyết số 02/NQ-CP và các chính sách giãn, giảm thuế khác, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các ngành tập trung vào công tác đấu giá thu tiền sử dụng đất, công tác giải ngân cho các công trình xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách, các dự án xây dựng đường giao thông nông thôn, giao đất giao rừng... giúp DN có vốn hoạt động; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu phối hợp làm tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế và đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính thuế và công tác tuyên truyền, hỗ trợ, tạo điều kiện để NNT duy trì và phát triển SXKD, nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài cho ngân sách.

Ngành cũng tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xây dựng ngành thuế Yên Bái vững mạnh về mọi mặt và hướng tới các giá trị “Minh bạch, Chuyên nghiệp, Liêm chính, Đổi mới”. Từ đó, tạo nguồn lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Diệu Linh (thực hiện)

Các tin khác

YBĐT - Thu nhập cao gấp 2 đến 3 lần so với trồng lúa, thời gian sinh trưởng ngắn, tốn ít công chăm sóc là những ưu điểm và hiệu quả bước đầu của mô hình sản xuất ngô ngọt trái vụ tại xã Nghĩa Phúc (thị xã Nghĩa Lộ).

YBĐT - Là cây trồng không thể thay thế trong tập đoàn cây công nghiệp ở Yên Bái trong nhiều năm qua, ngành công nghiệp chế biến chè mỗi năm đem lại tổng giá trị trên 400 tỷ đồng, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động địa phương. Thế nhưng cái cung cách làm ăn theo kiểu ăn xổi của nông dân với việc thu hái tận diệt và cách đầu tư chăm bón theo kiểu bóc màu của doanh nghiệp chế biến chè trên địa bàn tỉnh những năm qua chưa thể đưa chè trở thành cây xóa đói giảm nghèo ở Yên Bái...

Ảnh minh họa

Ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm cho biết cho đến hôm nay (2/7), vẫn còn gần 100.000 ô tô chưa nộp phí bảo trì đường bộ dù đã qua thời hạn nộp phí 30/6 do Bộ Tài chính quy định.

Sáng 2-7, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF) phối hợp cùng Liên minh các Hiệp hội Thực phẩm chức năng ASEAN và Công ty Cổ phần Hội chợ và Xúc tiến Thương mại Châu Á tổ chức họp báo giới thiệu về Ngày hội Thực phẩm chức năng Quốc tế tại Việt Nam 2013 (I3F Việt Nam 2013) sẽ diễn ra từ ngày 27 tới ngày 29-9-2013 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Việt Nam (Hà Nội).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục