Nghĩa Phúc sản xuất ngô ngọt trái vụ
- Cập nhật: Thứ ba, 2/7/2013 | 2:54:12 PM
YBĐT - Thu nhập cao gấp 2 đến 3 lần so với trồng lúa, thời gian sinh trưởng ngắn, tốn ít công chăm sóc là những ưu điểm và hiệu quả bước đầu của mô hình sản xuất ngô ngọt trái vụ tại xã Nghĩa Phúc (thị xã Nghĩa Lộ).
Gia đình chị Hà Thị Cương ở thôn Bản Pưn, xã Nghĩa Phúc là hộ đầu tiên trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ mạnh dạn đưa giống ngô ngọt F1 có xuất xứ từ Thái Lan vào sản xuất trái vụ trên đất ruộng kém hiệu quả.
Chị Cương cho biết: "Được tuyên truyền, vận động và qua tìm hiểu các thông tin khác, thấy giống ngô ngọt F1 trái vụ cũng dễ trồng lại cho năng suất cao nên khi được Phòng Kinh tế - Hạ tầng thị xã hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm sóc, gia đình tôi đã chuyển đổi hơn 1.200m2 ruộng kém hiệu quả sang trồng ngô. Qua 75 ngày, từ khi bắt đầu trồng đến khi thu hoạch, cây ngô sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh. Hiện gia đình đang thu hoạch với giá bán bình quân 3.000 đồng/bắp. Qua hạch toán sơ bộ, trừ chi phí đi thì gia đình thu lãi khoảng hơn 2 triệu đồng, tính ra lãi gấp 2 lần trồng lúa".
"Giống ngô ngọt F1 khác các giống ngô lai khác là hiệu quả kinh tế cao hơn. Nếu trồng nhiều có thể phối hợp với các công ty trong nước thu mua để làm nguyên liệu xuất khẩu. Cây ngô ngọt có vị thanh, ngọt, dịu mát, giòn, nhiều chất dinh dưỡng, có thể luộc ăn, chiên giòn và làm nguyên liệu chế biến các món ăn khác", ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phúc khẳng định.
Bà Quản Tuyết Nhung - cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng thị xã Nghĩa Lộ, người trực tiếp "cầm tay chỉ việc" cho gia đình chị Cương trồng thử nghiệm giống ngô này cho biết: "Giống ngô ngọt được gieo trồng trong bầu từ 5 - 7 ngày, cây đạt từ 2 - 3 lá thì đem trồng. Thời gian sinh trưởng của ngô từ 70 - 80 ngày. Cây ngô ngọt có chiều cao từ 2 - 2,2m, vị trí đóng bắp thấp, khả năng chống chịu với sâu bệnh, thời tiết tốt. Đặc biệt, mỗi năm có thể trồng được nhiều vụ, năng suất bình quân đạt 5 - 6 tạ/ha, nếu chăm sóc tốt có thể đạt 6 - 7 tạ/ha, cao gấp 2 - 3 lần trồng lúa. Cây ngô ngọt còn giúp người nông dân làm phân xanh phục vụ các vụ tiếp theo, giảm chi phí các loại phân bón trong quá trình chăm sóc, giải phóng đất nhanh hơn các loại cây trồng khác, lá cây còn có thể làm thức ăn chăn nuôi".
Qua kiểm tra, theo dõi, hạch toán, so sánh của các nhà chuyên môn và hộ gia đình tham gia trồng thử nghiệm, giống ngô lai F1 cho năng suất cao hơn các loại cây trồng khác, phù hợp với đồng đất Nghĩa Phúc.
Để nhân rộng và hỗ trợ người dân phát triển trồng cây ngô ngọt này, thời gian tới, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, người dân xã Nghĩa Phúc nói riêng và các xã, phường nói chung cần cải tạo vườn tạp, đất bãi bồi. Trước mỗi vụ ngô, các phòng chuyên môn thị xã nên mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, bảo vệ, chăm sóc cây ngô ngọt.
Theo đó, người trồng ngô cần bón phân sớm, bón tập trung theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây nhằm nâng cao sức đề kháng sâu bệnh. Đối với chân đất trồng nhiều vụ ngô liên tiếp, cần tiến hành khử trùng đất trước khi sản xuất vụ ngô mới. Để có năng suất cao, cần tránh nguy cơ mất cây, tránh sự phát triển không đồng đều của ruộng ngô.
Cây ngô ngọt mới chỉ dừng lại ở việc tiêu thụ trong thị xã, chủ yếu phục vụ nhỏ lẻ người tiêu dùng mua về ăn chơi. Thêm nữa, bắp ngô ngọt có giá thành cao hơn các loại ngô khác, do đó khó tiêu thụ hơn. Muốn đưa cây ngô ngọt trở thành một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp của thị xã trong các vụ tiếp theo, rất cần sự liên kết và phối hợp chặt chẽ của nhà khoa học - doanh nghiệp - người nông dân. Có như vậy, sản phẩm ngô ngọt làm ra của người nông dân mới có cơ hội phát triển bền vững và thực sự là cây trồng chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao, thay thế một số loại cây trồng kém hiệu quả tại địa phương.
Thùy Hương - Hoàng Luận
Các tin khác
YBĐT - Là cây trồng không thể thay thế trong tập đoàn cây công nghiệp ở Yên Bái trong nhiều năm qua, ngành công nghiệp chế biến chè mỗi năm đem lại tổng giá trị trên 400 tỷ đồng, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động địa phương. Thế nhưng cái cung cách làm ăn theo kiểu ăn xổi của nông dân với việc thu hái tận diệt và cách đầu tư chăm bón theo kiểu bóc màu của doanh nghiệp chế biến chè trên địa bàn tỉnh những năm qua chưa thể đưa chè trở thành cây xóa đói giảm nghèo ở Yên Bái...
Ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm cho biết cho đến hôm nay (2/7), vẫn còn gần 100.000 ô tô chưa nộp phí bảo trì đường bộ dù đã qua thời hạn nộp phí 30/6 do Bộ Tài chính quy định.
Sáng 2-7, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF) phối hợp cùng Liên minh các Hiệp hội Thực phẩm chức năng ASEAN và Công ty Cổ phần Hội chợ và Xúc tiến Thương mại Châu Á tổ chức họp báo giới thiệu về Ngày hội Thực phẩm chức năng Quốc tế tại Việt Nam 2013 (I3F Việt Nam 2013) sẽ diễn ra từ ngày 27 tới ngày 29-9-2013 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Việt Nam (Hà Nội).
YBĐT - Đến thời điểm này, hầu hết diện tích lúa mùa ở huyện Mù Cang Chải đã bén rễ xanh tốt. Dọc theo quốc lộ 32, những thửa ruộng bậc thang từ Nậm Có, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha đến tận Hồ Bốn nối tiếp nhau hứa hẹn vụ mùa bội thu.