Nhiều biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/8/2013 | 2:33:07 PM

YBĐT - Những năm gần đây, một hiện tượng không phải là phổ biến nhưng đang ảnh hưởng không nhỏ tới những giá trị đạo đức tốt đẹp của gia đình đó là bạo lực gia đình (BLGĐ). Tìm hiểu thực trạng tình trạng BLGĐ trên địa bàn huyện Văn Yên, phóng viên (PV) có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Tiến - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện.

Các thí sinh tham gia Hội thi tìm hiểu phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và nông thôn mới xã Yên Phú, năm 2012.
Các thí sinh tham gia Hội thi tìm hiểu phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và nông thôn mới xã Yên Phú, năm 2012.

P.V: Xin ông cho biết thực trạng BLGĐ  trên địa bàn huyện Văn Yên?

Ông Nguyễn Anh Tiến: Văn Yên là huyện miền núi, nghề nghiệp chính của nhân dân chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp kết hợp với một số ngành nghề phụ tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ. Người đàn ông vẫn có tư tưởng là người chủ của các tài sản của gia đình như: nhà cửa, đất đai, phương tiện sản xuất, uy tín đối với gia đình và xã hội.

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện đã ban hành nhiều văn bản triển khai chỉ đạo thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới, phong trào xây dựng gia đình văn hóa v.v… đã giúp nhận thức của nhân dân về xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ được nâng lên, các vụ BLGĐ tuy giảm song vẫn còn tồn tại ở hầu hết các xã, thị trấn. Nạn nhân bị BLGĐ thường là phụ nữ, trẻ em. Người gây bạo lực chủ yếu là nam giới, phần lớn là đánh đập thể xác. 5 năm qua, trên toàn huyện xảy ra 499 vụ BLGĐ. Trong đó: nạn nhân là phụ nữ 350 vụ, chiếm 70%, trẻ em 100 vụ, chiếm 20%, người già 49 vụ, chiếm 10%.

- Ông có suy nghĩ gì về số vụ BLGĐ trong 5 năm qua?

Đối với BLGĐ số lượng các vụ dù cao hay thấp đều là hành vi cố ý của các thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với các thành viên khác trong gia đình. BLGĐ diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau như: đánh đập, hành hạ, gây thương tích cho nạn nhân, cưỡng hiếp, khủng bố tinh thần, cô lập nạn nhân trước các mối quan hệ gia đình cũng như xã hội, bao vây kinh tế, kiểm soát tiền bạc…

Những hành vi BLGĐ gây ra tác động tiêu cực về mặt xã hội, dẫn đến sự bất ổn trong quá trình phát triển của gia đình và xã hội. Các vụ BLGĐ trên địa bàn huyện thời gian qua chiếm tới 70% nạn nhân là phụ nữ đã tác động và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự xây dựng, phát triển mô hình gia đình hạt nhân bền vững của xã hội. BLGĐ đã làm nhiều gia đình tan vỡ để lại những tác động tiêu cực đến sức khỏe về thể chất, tinh thần không chỉ của nạn nhân mà còn cả các thành viên khác trong gia đình.

- Vậy chúng ta đã có giải pháp gì để hạn chế tình trạng này, thưa ông?

Để giảm số vụ BLGĐ mỗi năm từ 15 - 20%, huyện Văn Yên đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của các cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai thực hiện các nội dung Luật Phòng, chống BLGĐ, Chỉ thị 49 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước kết hợp với đẩy mạnh thực hiện các nội dung của cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phòng chống BLGĐ trên địa bàn huyện; giám sát thực hiện pháp luật về phòng chống BLGĐ tại các địa phương, can thiệp, giải quyết kịp thời khi xảy ra BLGĐ, xử lý nghiêm minh những vụ bạo lực nghiêm trọng, các vụ lạm dụng tình dục phụ nữ, trẻ em theo pháp luật…

Hai là, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết xây dựng nâng cao đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, thực hiện nghiêm túc các quy định trong việc cưới, việc tang và lễ hội, tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Ba là, duy trì hiệu quả hoạt động của đường dây nóng, điểm sơ cứu, lánh nạn cho nạn nhân bị BLGĐ ở cấp xã, thị trấn, tư vấn cho nạn nhân bị BLGĐ ở thôn, bản, tổ dân phố.

- Trong quá trình thực hiện các giải pháp phòng chống BLGĐ có khó khăn gì không thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Tiến: Bên cạnh những thuận lợi, công tác phòng chống BLGĐ cũng còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế. Công tác gia đình là lĩnh vực mới, cán bộ từ cấp huyện đến cơ sở còn kiêm nhiệm nhiều việc, chưa nắm rõ các quy định của Luật Phòng chống BLGĐ, việc thực hiện các mô hình điểm hiệu quả chưa cao. Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức về xây dựng gia đình văn hóa còn nhiều hạn chế, chưa xóa bỏ tư tưởng trọng nam, khinh nữ, tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra. Việc phát hiện, thống kê báo cáo về BLGĐ ở cơ sở rất khó khăn vì những người bị bạo lực chưa mạnh dạn trình báo, xử lý các hành vi vi phạm BLGĐ chưa kịp thời, công tác tư vấn, giải quyết mâu thuẫn trong gia đình theo pháp luật còn yếu, sinh hoạt câu lạc bộ và nhóm phòng chống BLGĐ chưa được duy trì thường xuyên, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể còn thiếu đồng bộ...

- Ngoài công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, huyện Văn Yên đã xây dựng đường dây nóng hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ. Vậy hệ thống này đã phát huy hiệu quả như thế nào?

Hiện nay, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã xây dựng đường dây nóng về phòng chống BLGĐ, có 27 điểm sơ cứu, lánh nạn cho nạn nhân bị BLGĐ ở các trạm y tế xã, thị trấn, 528 địa chỉ tin cậy ở thôn, bản, tổ dân phố tư vấn cho nạn nhân bị BLGĐ. Hệ thống đường dây nóng, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng luôn phối hợp tốt với tổ hòa giải, tổ an ninh, tổ tự quản ở cơ sở làm tốt công tác hòa giải các vụ BLGĐ xảy ra ở khu dân cư, hỗ trợ nạn nhân và người có hành vi BLGĐ có những kiến thức về hôn nhân, gia đình, kỹ năng nhìn nhận giải quyết các vấn đề của gia đình, kỹ năng làm chủ bản thân…, giúp các thành viên gia đình hiểu rõ về vị trí, vai trò của gia đình, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thu Nhài (thực hiện)

Các tin khác
Lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành, Ủy ban Kiểm tra Chi hội Luật gia Tòa án nhân dân tỉnh khóa V, nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Chiều 16/5, Chi hội Luật gia Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Yên Bái tổ chức Đại hội Chi hội lần thứ V, nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động thị xã Nghĩa Lộ tặng quà cho công nhân Nhà máy Gạch Quang Thịnh.

Thời gian qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thị xã Nghĩa Lộ đã có nhiều hoạt động hướng về cơ sở, lấy đoàn viên công đoàn làm mục tiêu phát triển, trong đó nổi bật là các hoạt động: đẩy mạnh phát triển tổ chức công đoàn cơ sở (CĐCS); tuyên truyền, giáo dục đoàn viên và quan tâm, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, người lao động (NLĐ).

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh kiểm tra, nắm bắt tình hình hoạt động của Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành.

Tính từ đầu năm đến nay, tỉnh Yên Bái đã có 13/13 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện kiểm tra tài chính đồng cấp, đạt 100% kế hoạch kiểm tra tài chính đồng cấp năm 2024.

HĐND xã Liên Mạc, huyện Mê Linh thông qua Dự thảo Nghị quyết về việc tán thành chủ trương nhập xã Vạn Yên và xã Liên Mạc hồi đầu tháng 4.

Trong hai năm tới, Hà Nội sẽ thực hiện việc sáp nhập 100 đơn vị hành chính cấp xã, phường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục