Nhiều chính sách mới cho giáo viên, học sinh năm học 2013-2014
- Cập nhật: Thứ năm, 29/8/2013 | 7:54:35 AM
Chiều 28-8, Bộ Giáo dục – Đào tạo tổ chức họp báo về công tác chuẩn bị khai giảng năm học 2013-2014.
Thông tin tổng hợp của bộ cho thấy, nhiệm vụ chung của các cấp học trong năm học mới là đưa nội dung các cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Hai không” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” thành hoạt động thường xuyên của ngành.
Tiếp tục thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, nâng cao chất lượng giáo dục phổ cập. Chú trọng vấn đề chất lượng giáo dục ở các cấp học và đối với giáo dục dân tộc, giáo dục vùng khó khăn. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất, chăm sóc sức khỏe và giáo dục bảo vệ môi trường cho học sinh.
Về giáo dục phổ thông, bộ cũng cho biết sẽ đẩy nhanh việc chuẩn bị các điều kiện cụ thể để triển khai đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, phương thức thi, kiểm tra, đánh giá nhằm tạo ra sự chuyển biến tích cực, rõ nét về chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục phổ thông. Triển khai mô hình trường học mới Việt Nam. Tiếp tục chỉ đạo điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản, xây dựng và triển khai dạy học các chủ đề tích hợp liên môn.
Năm học này cũng là năm thực hiện nhiều chính sách mới đối với giáo viên và học sinh vùng khó. Cụ thể như bắt đầu từ ngày 1-9-2013, học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn sẽ được nhận hỗ trợ 15kg gạo/học sinh/tháng. Cũng bắt đầu từ thời điểm này, học sinh trung học phổ thông vùng đặc biệt khó khăn cũng sẽ được hỗ trợ chi phí ăn, ở trong quá trình học tập.
Theo đó các đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ tối đa 9 tháng/năm học, mức hỗ trợ tiền ăn/tháng bằng 40% mức lương tối thiểu chung. Với các em học sinh phải tự lo chỗ ở, mỗi tháng được hỗ trợ tiền nhà ở bằng 10% mức lương tối thiếu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.
Cũng từ năm học mới này, thêm 3 đối tượng được miễn giảm học phí, bao gồm: sinh viên học chuyên ngành Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; HS-SV, học viên các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp ý, giải phẫu bệnh; HS-SV người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.
Bên cạnh đó, bổ sung chính sách đối với giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn (theo Nghị định số 19/2013/NĐ-CP). Theo đó, nếu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đến công tác ở vùng đặc biệt khó khăn có gia đình chuyển đi theo thì được trợ cấp chuyển vùng bằng 12 tháng lương tối thiểu chung cho một hộ (thay cho mức trợ cấp là 6,5 triệu đồng như quy định hiện hành).
Với mức trợ cấp lần đầu thay vì quy định cụ thể mức trợ cấp là 4 triệu đồng thì Nghị định mới quy định mức trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương tối thiểu chung.
Đặc biệt, khi giáo viên hết thời hạn công tác tại vùng đặc biệt khó khăn mà chưa thực hiện được việc luân chuyển, giáo viên vẫn tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút. Theo đánh giá, chính sách này sẽ mang lại sức sống cho giáo dục vùng đặc biệt khó khăn.
Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết, để chuẩn bị cho năm học mới 2013-2014, bộ đã ban hành chỉ thị về nhiệm vụ các cấp học, ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2013-2014, ban hành chỉ thị về việc chấn chỉnh tình trạng dạy học trước chương trình lớp 1. Cùng với đó, chỉ đạo các địa phương hỗ trợ vận động quyên góp giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường…
* Kiểm soát lạm thu và dạy trước chương trình
Bà Nguyễn Thị Hiếu, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, cho biết cùng với chỉ đạo các trường mầm non không được tổ chức cho học sinh tập tô, học chữ, học toán, Thanh tra Bộ GD-ĐT sẽ chủ trì việc chỉ đạo các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện này của các cơ sở để ngăn ngừa việc dạy trước chương trình lớp 1.
Nhấn mạnh hơn về việc này, bà Trần Thị Thắm, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GD-ĐT, khẳng định sẽ xử lý nghiêm đối với các cơ sở giáo dục, giáo viên có biểu hiện ép học sinh lớp 1 phải học trước chương trình. Các trường tiểu học trên cả nước không được phép tổ chức thi tuyển đầu vào lớp 1 với nội dung kiểm tra kiến thức toán, tiếng Việt. Chủ trương của bộ về việc hạn chế cho điểm học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1, cũng là giải pháp để giảm áp lực “học trước lớp 1” đang gây bức xúc cho xã hội hiện nay. Chủ trì cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: “Không chỉ trong nhà trường mà việc tổ chức dạy thêm trước chương trình ngoài nhà trường cũng không được phép”.
Trao đổi về vấn đề lạm thu đầu năm học mới, ông Lê Khánh Tuấn, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ GD-ĐT, cho biết bộ đã xây dựng hệ thống văn bản pháp lý đầy đủ về việc thu phí bắt buộc cũng như tự nguyện trong các nhà trường, quy định về quy trình xã hội hóa trong các nhà trường... “Các nhà trường hiện nay thật sự vẫn khó khăn về tài chính. Cả nước chỉ có 17/63 tỉnh, thành đảm bảo được tỉ lệ 80% kinh phí chi cho lương, 20% chi hoạt động thường xuyên” - ông Tuấn chia sẻ. Việc để quỹ lương chiếm tỉ lệ quá cao trong tổng chi phí cho giáo dục sẽ khiến các cơ sở gặp khó khăn và buộc phải trông đợi vào nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên, theo ông Lê Khánh Tuấn, với thực tế trên, ngoài các quy định chặt chẽ, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo và trực tiếp thanh tra, kiểm tra tình hình lạm thu trong năm học tới để đề nghị các địa phương xử lý sai phạm. “Thực hiện đúng quy định ba công khai ở các cơ sở giáo dục là giải pháp để việc thu chi trong nhà trường được kiểm soát từ nhiều kênh khác nhau” - ông Tuấn nói.
Ông Hoàng Đức Minh, cục trưởng Cục Nhà giáo và quản lý giáo dục - Bộ GD-ĐT, thừa nhận trước năm học 2013-2014, cả nước vẫn còn thiếu 27.000 giáo viên, trong khi ở một số địa phương lại thừa giáo viên. Có nơi thừa ở môn này nhưng thiếu ở môn kia.
Trước mắt bộ chỉ đạo các sở GD-ĐT tăng cường kết hợp với các cơ sở đào tạo sư phạm để đào tạo có địa chỉ, cung cấp giáo viên của cấp học, môn học còn thiếu cũng như “đặt hàng” với các cơ sở đào tạo về yêu cầu chất lượng giáo viên. Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các cơ quan tuyển dụng giáo viên có hộ khẩu tạm trú chứ không chỉ tuyển giáo viên có hộ khẩu thường trú như trước để tăng số lượng giáo viên còn thiếu mà không bỏ phí nguồn nhân lực đã được đào tạo.
Trao đổi thêm với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết năm học 2013-2014 Bộ GD-ĐT tiếp tục đẩy mạnh việc thí điểm mô hình trường học mới và các phương pháp dạy học tích cực nhằm chuyển dần sang hướng giáo dục năng lực, kỹ năng cho học sinh; tiếp tục chỉ đạo điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản, xây dựng các chủ đề tích hợp liên môn ở bậc trung học, giúp học sinh vận dụng kiến thức đã học thông qua thực hành, thí nghiệm, nghiên cứu khoa học...
(Theo SGGP - TTO)
Các tin khác
YBĐT - Ngày 28/8, Trường Tiểu học Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) được huyện Văn Chấn chọn tổ chức lễ khai giảng điểm năm học mới 2013 – 2014.
YBĐT- Năm học 2013 - 2014 đã bắt đầu, nhiều khó khăn, nhiệm vụ đặt ra với công tác giáo dục ở xã Văn Lãng, huyện Yên Bình (Yên Bái).
YBĐT- Đến thời điểm này, Chi Cục phòng, chống tệ nạn xã hội (TNXH) tỉnh Yên Bái đang quản lý có 2.567 hồ sơ đối tượng nghiện ma túy, có 116/180 xã, phường, thị trấn còn người nghiện ma túy, tệ nạn mại dâm còn diễn biến ở một số địa phương.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH) và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.