Chuyển biến về nhận thức trong bảo vệ môi trường sống

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/9/2013 | 2:30:04 PM

YBĐT - Cùng với việc đào 2 hố xử lý rác thải tại hộ gia đình, ngày nào cũng vậy, trong khoảng thời gian từ 16 giờ đến 17 giờ 30, trên khắp nẻo đường một số xã khu vực Đông hồ của huyện Yên Bình (Yên Bái) lại vang lên tiếng những chiếc chổi tre quét rác.

Tổ thu gom rác xã Phúc An vận chuyển rác về nơi quy định.
Tổ thu gom rác xã Phúc An vận chuyển rác về nơi quy định.

Âm thanh đó ở thành phố thì chẳng có gì là lạ nhưng khi nó xuất hiện ở những xã nghèo thì khiến nhiều người ngạc nhiên. Đó là kết quả sự chỉ đạo kiên quyết của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở trong xử  lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn.

Khi ánh nắng gay gắt vừa tắt, chị Nguyễn Thị Hằng, tổ trưởng tổ thu gom rác thải của xã Phúc An và một công nhân nữa lại bắt đầu công việc của mình là quét dọn, thu gom rác thải ở khu vực chợ và dọc tuyến đường trung tâm xã tập kết lên xe đổ về nơi qui định. Chị Hằng chia sẻ: “Tổ thu gom rác có 2 người. Hàng ngày, vào khoảng 16 giờ với 2 chiếc thùng chở rác chuyên dụng, chúng tôi thu gom, vận chuyển khoảng 0,5m3 rác thải, sau đó, vận chuyển đến hố chôn lấp rác tạm thời  nằm dưới chân đồi ở thôn Đồng Tha”.

Phúc An là xã đặc biệt khó khăn của huyện với trên 700 hộ chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, do trình độ nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, thói quét vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi ra đường, xuống hồ, suối khá phổ biến làm ô nhiễm môi trường và gây bức xúc cho người dân khi đi qua địa bàn.

Ông Nguyễn Minh Việt - Bí thư Đảng ủy xã Phúc An cho hay: “Nhiều hộ gia đình ở gần UBND xã còn lấy chân cột điện làm nơi tập kết rác thải. Phúc An đã nhiều lần tổ chức họp bàn với người dân thành lập tổ thu gom rác thải. Kinh phí chi trả cho tổ quét rác này do người dân hưởng lợi trên tuyến đường đóng góp với mức bình quân 10 nghìn đồng/hộ/tháng, riêng các hộ kinh doanh là 25 nghìn đồng/tháng. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên bà con đã đồng tình ủng hộ. Xã cũng đầu tư 12 triệu đồng mua 2 thùng chứa rác chuyên dụng và bảo hộ lao động trang bị cho tổ thu gom rác thải. Đến nay, sau 3 tháng đi vào hoạt động, vấn đề ô nhiễm rác thải ở địa phương đã dần được khắc phục”.

Tại Cảm Nhân, tổ thu gom rác thải của xã gồm 3 người do anh Hà Văn Lan làm tổ trưởng đang vận chuyển rác thải lên xe chở vào hố xử lý rác thải tạm thời của địa phương tại thôn Bạch Thượng. Cảm Nhân cũng vận động 70 hộ dân nằm trên trục đường từ khu vực chợ  đến UBND xã tự nguyện đóng góp mỗi hộ 15 nghìn đồng/tháng để trả công cho tổ thu gom rác thải của anh Lan. Hiện tại, trên 50% số hộ dân ở Cảm Nhân đã đào được hố xử lý rác thải rắn tại hộ gia đình.

Ông Trần Văn Dũng ở thôn Làng Dự chia sẻ: “Trước đây bao nhiêu rác thải sinh hoạt, tôi bảo con cháu đổ tất ra ngoài mép đường và ven hồ. Bây giờ, gia đình đã đào được 2 hố chứa rác ở chân đồi, mọi rác thải sinh hoạt đều được thu gom phân loại cho xuống hố và xử lý theo hướng dẫn. Đối với rác hữu cơ, cứ đổ 0,5 m3 rác thì tôi lại lấp lên đó một lớp đất mỏng khoảng 5 cm. Khi hố đầy rác thì lấp kín đất ủ từ 12 đến 18 tháng khi rác hữu cơ được phân hủy thành mùn tôi lấy ra bón cho cây trồng và hố đó lại tận dụng để chứa rác. Còn với rác vô cơ thì đem phơi khô rồi cho xuống hố đốt hoặc lấp kín đất. Với cách làm này gia đình tôi và bà con hàng xóm đã giữ được vệ sinh  môi trường  sạch sẽ không bị ô nhiễm”.

Rác thải không được thu gom, xử lý, gây ô nhiễm và làm mất cảnh quan là thực trạng khá phổ biến không chỉ ở các xã vùng nông thôn mà ngay cả thị trấn trung tâm huyện lỵ gây bức xúc trong nhân dân. Một mặt do nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, mặt khác, do cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa kiên quyết trong chỉ đạo và xử lý vi phạm.

Tại khu vực thị trấn Yên Bình vẫn xuất hiện những đống rác thải sinh hoạt, khu vực cầu Thác Ông bắc qua sông Chảy thuộc thị trấn Thác Bà với những đống rác thải hàng chục mét khối đắp ụ ở 2 bên chân cầu. Mỗi khi Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà xả lũ, đống rác nào dễ trôi thì đã bị nước cuốn đi, số rác còn lại ứ đọng hết tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác bốc mùi hôi thối mà không được xử lý. Trước thực trạng đó, huyện Yên Bình đã kiên quyết chỉ đạo thị trấn Thác Bà bằng mọi biện pháp kịp thời giải tỏa. Đến nay, việc thu gom xử lý rác thải ở thị trấn Thác Bà đã dần đi vào nề nếp.

Song song với đó, huyện Yên Bình đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo 25 xã, thị trấn phải nghiêm túc thực hiện tốt việc thu gom xử lý rác thải, bảo vệ môi trường. Theo đó, mỗi thôn, tổ thành lập 1 đội tự quản để kiểm tra giám sát việc thu gom, xử lý rác thải tại cụm dân cư, 100% số hộ gia đình trên địa bàn có 2 hố xử lý rác thải, đồng thời ký cam kết với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, đổ rác đúng nơi qui định.

Riêng ở trung tâm huyện và thị trấn Yên Bình, huyện đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch vận chuyển, thu gom rác thải vào bãi rác tập trung; quy định cụ thể thời gian các hộ đổ rác và thu gom vận chuyển rác vào ban đêm không ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân. Huyện đã giao cho Phòng Tài nguyên & Môi trường trực tiếp phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, vận động và đôn đốc bà con nghiêm túc thực hiện, tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của người dân trong bảo vệ môi trường. Đến nay, hầu hết các địa phương trên địa bàn đang tích cực triển khai vận động nhân dân đào hố xử lý rác thải tại gia đình và thành lập các tổ, đội thu gom rác thải công cộng.

Việc thành lập các tổ, đội thu gom rác thải và đào hố xử lý rác thải tại hộ gia đình như Yên Bình đang thực hiện là giải pháp khá hiệu quả trong xử lý rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, Yên Bình cũng gặp phải rất nhiều khó khăn bởi huyện chưa có bãi xử lý rác thải tập trung mà chỉ do các địa phương tự đầu tư để xử lý tạm thời.

Theo bà Phạm Thị Lan Anh - Trưởng phòng Tài Nguyên & Môi trường, huyện phấn đấu đến năm 2016 xây dựng 3 bãi xử lý rác thải tập trung tại 3 xã Cẩm Ân, Vĩnh Kiên và Cảm Nhân. Song để  thực hiện được mục tiêu đó, huyện mong muốn được tỉnh và các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng, công nghệ xử lý rác. Cùng với đó, người dân cần nâng cao ý thức tự giác trong thu gom, xử lý rác thải tại hộ gia đình cũng như cộng đồng. Như vậy, bài toán về rác thải ở Yên Bình mới được giải quyết triệt để và tiêu chí về môi trường theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới được thực hiện thành công.  

 Kiều Mười  

Các tin khác
Mặc đồng phục sẽ tạo cho học sinh tự hào, yêu quý về ngôi trường của mình.

YBĐT - Năm học mới, câu chuyện về đồng phục của các cô, cậu học trò với tiêu chí đơn giản, trang nhã, đảm bảo sự trong sáng, phù hợp với túi tiền vẫn là đề tài được nhiều phụ huynh quan tâm.

Công an xã đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật cho nhân dân.

YBĐT - Với 16 thôn, bản, trên 2.000 hộ, gồm 12 dân tộc cùng sinh sống, những năm qua, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) luôn đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy định của địa phương đến 100% số hộ dân, do vậy, số vụ việc liên quan đến an ninh trật tự (ANTT) hàng năm đều giảm, địa bàn nhiều năm không xảy ra trọng án.

YBĐT - Hưởng ứng phong trào “Phụ nữ học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo”, đông đảo hội viên phụ nữ xã Gia Hội (Văn Chấn) tích cực tham gia.

Bộ GD-ĐT cho biết, ở một số địa phương và nhà trường việc tổ chức mặc đồng phục cho học sinh, sinh viên (HSSV) chưa thực hiện đúng quy định, gây phiền hà, tốn kém cho gia đình HSSV và bức xúc trong dư luận xã hội, nhất là vào dịp đầu năm học mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục