Cắt chế độ 7.000 trường hợp người có công "rởm"
- Cập nhật: Thứ hai, 16/9/2013 | 2:18:33 PM
Liên quan đến cơ chế chính sách với người có công, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, qua thanh tra đã cắt chế độ đối với đối tượng gian lận trên 7.000 trường hợp, thu hồi ngân sách cho Nhà nước trên 75 tỷ đồng.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền
|
Những cơ chế liên quan đến chính sách với người có công luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm. Trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 15/9, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã trao đổi về vấn đề này.
Một trong những vấn đề bất cập nhất hiện nay, đó là nhiều người đã tham gia chiến đấu nhưng bị mất hồ sơ gốc vì nhiều lý do, sau đó lại không tìm được người chứng nhận nên tới nay vẫn chưa được hưởng chế độ gì. Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, Thông tư hướng dẫn liên ngành đã được xây dựng xong. Bộ đang xin ý kiến các bộ, ngành và trong tháng 9 này, Thông tư sẽ được ban hành. Những trường hợp tồn đọng còn lại sẽ được xem xét, giải quyết.
Theo Bộ trưởng, giải pháp theo Dự thảo Thông tư là tổ chức cơ sở lập xác nhận ban đầu là hết sức quan trọng. Trước tiên ngay địa phương, nơi đối tượng người có công cư trú phải lập danh sách và công khai để mọi người xác nhận. Trước đây, người xác nhận chỉ cần là cựu chiến binh thì đến nay, Hội Cựu chiến binh có trách nhiệm xem xét và xác nhận, sau đó chuyển lên cơ quan LĐTBXH huyện, tỉnh. Khi đó, tùy từng đối tượng để xác định, nếu là liệt sĩ thì Bộ LĐTBXH sẽ thẩm định theo quy trình, còn nếu là thương binh sẽ tổ chức giám định mức độ thương tật.
Về việc xác nhận của Hội Cựu chiến binh khi đã mất hồ sơ gốc, Bộ trưởng cho biết, Hội Cựu chiến binh phải xác nhận đối tượng đó có đi bộ đội không, có tham gia kháng chiến không, bởi những năm vừa qua, có trường hợp không tham gia kháng chiến nhưng do gian lận mà vẫn được xác nhận là đối tượng chính sách.
“Chúng tôi nghĩ rằng ít ra Hội Cựu chiến binh sẽ biết đối tượng đó có tham gia kháng chiến hay không, vào thời điểm nào. Thêm vào đónếu trường hợp này là Đảng viên thì cũng có hồ sơ Đảng viên ghi lại rằng trong giai đoạn ấy thì đảng viên đó làm gì. Những hồ sơ đó tuy không phải là hồ sơ gốc theo quy định giải quyết chính sách người có công nhưng lại là hồ sơ gốc của cá nhân họ và chúng ta có điều kiện để xác minh thông tin.” – Bộ trưởng giải thích.
Một thực tế đang xảy ra là hiện nay có tình trạng người chưa đi bộ đội nhưng lại được hưởng lương hưu cựu chiến binh, thậm chí có cả lương nạn nhân chất độc da cam. Trong khi đó có trường hợp đi bộ đội chống Mỹ nhưng do mất giấy tờ nên không được hưởng quyền lợi gì, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Bộ Lao động và Thương binh Xã hội đã chỉ đạo thanh tra ở 37 tỉnh, thành phố và chỉ đạo 63 tỉnh, thành phố thực hiện thanh tra. Qua thanh tra đã cắt chế độ đối với đối tượng gian lận trên 7.000 trường hợp, thu hồi ngân sách cho Nhà nước trên 75 tỷ đồng.
“Mặc dù vậy, việc gian lận hồ sơ để được hưởng chế độ chính sách vẫn còn. Tới đây, chúng tôi tiếp tục cùng với các địa phương thanh tra, kiểm tra, phát hiện gian lận để xử lý.” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Liên quan đến chế độ chính sách cho người thân, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Trong quy định về chế độ bảo hiểm y tế đối với người có công thì người có công được hưởng chế độ thường xuyên và vợ, con cũng được Nhà nước mua bảo hiểm y tế. Riêng con dâu không được Nhà nước mua bảo hiểm y tế theo Luật Bảo hiểm y tế hiện hành.
Cũng theo Bộ trưởng, Quyết định 290 chỉ quy định đối với trường hợp trực tiếp tham gia kháng chiến mà chưa được hưởng chính sách đối với người có công. Những trường hợp đã được hưởng chế độ chính sách là bệnh binh sẽ không được hưởng chính sách theo Quyết định 290 nữa.
Cũng trong chương trình tối qua, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đã giải đáp thắc mắc của một số trường hợp điển hình, cụ thể.
(Theo VnMedia)
Các tin khác
Khoảng 3h sáng 16-9, cách Vũng Tàu 50 hải lý về phía Nam, tàu hàng Sima Saphire đã đâm nhau với tàu cá chở 16 người của ngư dân Việt Nam, làm 1 người chết và 7 người mất tích.
YBĐT - Nhờ áp dụng các biện pháp chuyên môn phù hợp, chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông vùng cao, vùng đồng bào dân tộc ít người trên địa bàn huyện Văn Yên được cải thiện rõ rệt...
YBĐT - Năm học mới, những câu chuyện xung quanh việc dạy, học, cơ sở vật chất, đồng phục... vẫn còn nóng hổi thì chuyện xin - cho giáo án cũng là một chuyện đáng nói. Sự tiện ích và khoa học của loại giáo án này không có gì phải bàn nhưng việc khai thác và ứng dụng vào công việc giảng dạy đã vô tình tạo kẽ hở cho một số giáo viên có tư tưởng ỷ lại, ngại động não, tư duy theo lối mòn... ung dung tự tại.
Nhân dịp Tết Trung thu năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có thư gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng trong cả nước. Dưới đây, Báo Công an nhân dân trân trọng giới thiệu nội dung bức thư của Chủ tịch nước: