Tháng Tám có ngày rằm

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/9/2013 | 8:40:24 AM

YBĐT - Tết Trung thu đang đến gần… Trung thu của những ngày thơ bé là những mùa trung thu đầy ắp tiếng cười vui vẻ, hồn nhiên. Làm sao có thể quên cảm giác háo hức trước cả tuần, chờ mẹ dẫn đi mua đèn lồng, mặt nạ…

Tranh của Linh Chi.
Tranh của Linh Chi.

Không khí ngày tết trung thu đến trong ánh sáng của những chiếc đèn lồng bày la liệt ở các sạp hàng sáng điện trên đường phố.  Người lớn tất bật mua đồ chuẩn bị ngày rằm dắt tay những đứa trẻ mắt sáng lên đầy thích thú khi thấy những món đồ chơi.

Ông bà, bố mẹ vẫn hay kể về một trung thu xưa đậm đà truyền thống. Hồi đấy làm gì đã có đèn điện, rằm tháng tám là trăng tròn và sáng nhất, tối trung thu, trẻ con cả xóm tập trung lại, cùng đi rước đèn, phá cỗ. Một nhóm rước thường có kiệu Bác Hồ được trang trí kì công, bên trong là ảnh Bác và những thứ quả dân dã mà cả hội góp chung. Đứa nào đứa nấy xúng xính món đồ chơi đã chuẩn bị trước từ mấy ngày trời.

Ngày xưa, đồ chơi Trung thu chủ yếu tự làm, từ mặt nạ đến đèn lồng giấy, đèn ông sao… Cả lũ rồng rắn rước kiệu đi khắp xóm, khỏi phải nói không khí ngõ xóm rôm rả thế nào, đoàn rước nhí vừa đi vừa cùng hát vang “Chiếc đèn ông sao năm cánh tươi màu… Tùng rinh rinh, tùng tùng tùng rinh rinh…”. Đến tối muộn, nhà ai nấy quây quần bên nhau cùng ngắm trăng. Trăng sáng và rõ trên nền trời đêm, tỏa ánh sáng dìu dịu, có hương ổi hòa trong làn gió mát đêm thu... Một cảm giác thanh bình và thật đầm ấm khi cả gia đình phá cỗ dưới ánh trăng.

Mâm cỗ Trung thu cũng đơn giản lắm, bao giờ cũng có bánh nướng, bánh dẻo, thêm vào đó là những thức quả như na, bưởi xếp khéo thành những chú cún lông xù, có cả những quà quê như bỏng gạo, kẹo lạc. Trẻ con có bao nhiêu niềm vui: được phá cỗ, vui chơi rồi rước đèn, xem múa lân... chẳng thế mà tết Trung thu còn là tết của thiếu nhi. Đó, trung thu là thế qua cách bố hào hứng kể chuyện, qua nét mặt rạng rỡ của mẹ khi nghĩ về niềm vui thơ ấu. Hương vị của một Trung thu đậm đà truyền thống từ lâu hiện hữu trong  tôi, để tôi có những cảm nhận gắn bó, bền bỉ về nét văn hóa dân tộc đi suốt cuộc đời…

Trung thu của tôi, những rằm tháng tám trong thơ bé của chính tôi, đã khác hơn. Đèn lồng giấy được bán sẵn với những hình thù, họa tiết trang trí bắt mắt, đèn ông sao làm bằng giấy bóng kính nhiều màu rất sẵn và phổ biến. Mặt nạ cũng được làm “công nghệ” bằng nhựa mỏng, có đủ các nhân vật Tôn Ngộ Không, thủy thủ Mặt trăng…

Cho đến bây giờ, tôi vẫn thầm cảm ơn bà nội - người phụ nữ truyền thống của gia đình đã cho chúng tôi những mùa trung thu còn lưu giữ nét cổ truyền. Tôi vẫn nhớ những trung thu đại gia đình quây quần ở nhà bà, tối đi rước đèn với các anh chị em họ dọc vỉa hè từ đầu xóm đến cuối xóm. Không có kiệu, cỗ xếp như truyền thống nhưng chí ít cũng được ngồi trước hiên nhà, ngắm trăng và nghe bà kể chuyện chú Cuội, chị Hằng.

Những mùa “trung thu của tôi” ấy đã lùi dần vào những kí ức xa xôi. Không biết có phải vì không còn là bé thiếu nhi nữa hay vì cuộc sống hiện đại có quá nhiều thay đổi mà tôi không sao tìm lại được trung thu của những ngày nào? Vẫn là con phố mẹ dẫn đi hồi nhỏ mà những đèn ông sao, mặt nạ nhựa rồi cũng thay thế bằng đèn lồng điện chạy pin, mặt nạ cao su hình ma quỷ.

Đâu đó, tiếng thở dài của người dọn hàng muộn :“Trẻ con bây giờ còn mấy đứa thích bánh kẹo, đồ chơi Trung thu như ngày xưa đâu. Ngày thường, mấy thứ này chẳng thiếu…”. Chợt nhận ra, lâu lắm rồi tôi không bên gia đình, bên bà vui Trung thu, năm thì đi chơi với bạn, có năm ngồi một chỗ ôm máy tính đến khuya.

Bao giờ đây, Trung thu thuở nhỏ? Càng lớn, càng mong được về với niềm vui giản dị mà ý nghĩa, để sống lại những khoảnh khắc trong trẻo thơ bé. Tôi vẫn còn may mắn hơn khi có kỉ niệm mà nhớ, mà thèm; hơn thế hệ các em tôi bây giờ. Tiếng trống múa lân từ cuối phố vang lên ngày một rõ, nghe rạo rực và thúc giục quá, giục hai chị em chạy vội ra cửa ngóng chờ. Tiếng trống lẫn với tiếng reo vui của nhóc em : “A ha, sắp Trung thu rồi chị nhỉ?”- “Ừ, Trung thu 2013”.

 Diệu huyền

Các tin khác
Dự báo đường đi của bão số 8

Sau khi đi vào địa phận các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp.

Khám bệnh cho phụ nữ người dân tộc thiểu số xã Xuân Tầm (Văn Yên)

YBĐT - Những năm qua, các cấp, ngành của xã An Bình (Văn Yên) đã nỗ lực thực hiện tốt chăm sóc sức khỏe cho nhân dân nói chung và tham gia có hiệu quả trong công tác chăm sóc bà mẹ mang thai, bà mẹ sinh con nhỏ, trẻ em dưới 5 tuổi. Nhờ vậy, chất lượng sức khỏe của bà mẹ và trẻ em ở địa phương đã chuyển biến tích cực.

YBĐT - Hiện, 100% trường học do ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện Lục Yên (Yên Bái) quản lý đã đăng ký tham gia thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Ảnh minh họa

Những năm gần đây, chất lượng giáo dục luôn là vấn đề gây bức xúc trong dư luận. Nhiều ý kiến của các chuyên gia, phụ huynh và cả chính những nhà giáo đã được báo chí đăng tải. Nhiều cuộc hội thảo cũng đã được tổ chức để mổ xẻ nguyên nhân và tìm giải pháp... Tuy nhiên, cho đến nay, chất lượng giáo dục của các trường công lập vẫn chưa làm người dân yên tâm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục