Nơi người Mông chỉ ăn tết Nguyên đán

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/12/2013 | 9:20:23 AM

YBĐT - Ở bản Đồng Ruộng, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái) hiện có 41 hộ với 210 khẩu thì có 34 hộ là người dân tộc Mông. Từ nhiều năm nay, đồng bào Mông đã coi tết Nguyên đán của dân tộc Việt Nam là tết của mình. Bởi tết Nguyên đán vui hơn, mang cho mọi nhà lợi ích nhiều hơn.

Đồng bào Mông ở bản Đồng Ruộng ăn một tết, dành thời gian phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống đầy đủ hơn.
Đồng bào Mông ở bản Đồng Ruộng ăn một tết, dành thời gian phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống đầy đủ hơn.

Định cư ở đây có gia đình từ xã Hồng Ca đến, người lại ở Suối Giàng (Văn Chấn), rồi những gia đình từ xã Mỏ Vàng (Văn Yên) chuyển ra. Dù đã cố gắng rất nhiều, cùng sự hỗ trợ của Nhà nước nhưng sau hàng chục năm kiếm kế sinh nhai ở mảnh đất mới, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn nhiều gian khó. Đã vậy, đồng bào vẫn giữ nếp lâu đời là dành ra cả tháng để ăn chơi vào dịp tết cổ truyền dân tộc Mông. Nhưng nhà nào có thì mới mổ lợn ăn tết, nhà thì về quê cũ hay đi chơi anh em ở đâu đó rông dài hết cả tháng Giêng.

Mấy chục nóc nhà ăn tết làm sao vui được, khi tết Nguyên đán tới bà con dân bản trong xã tổ chức vui xuân thì người Mông lại đầu tắt mặt tối với ruộng nương, sản xuất thì lúc sớm, lúc chậm nên thu hoạch chẳng được bao nhiêu.

Trưởng ban công tác Mặt trận bản Đồng Ruộng Sổng A Páo chia sẻ: "Tết của người Mông mình thường vào lúc học sinh chưa được nghỉ về nhà nên vắng trẻ cũng không vui. Có em còn tự ý bỏ lớp, bỏ trường đi chơi nên học sẽ không thể đủ bài".

Người trong bản cũng nhận thấy tết của mình không vui, tết Nguyên đán lại vẫn bỏ việc xuống trung tâm xã mua bán, vui hội với người Tày, người Dao, người Kinh của các thôn, bản khác. Khi tỉnh có chủ trương vận động đồng bào Mông vui chung tết Nguyên đán của người Việt thì đồng bào thấy đúng rồi. Các gia đình đã dần không mổ lợn ăn tết vào tháng 12 Dương lịch nữa mà để dành ăn tết chung.

Vẫn dọn dẹp, trang trí nhà cửa và các công cụ lao động, vẫn giã bánh dày và thực hiện các nghi lễ ăn tết nhưng đêm giao thừa, người dân trong bản đã cùng đến nhà sinh hoạt cộng đồng để vui đón thời khắc chuyển giao sang năm mới. Ngày mồng 2, mồng 3 trong bản diễn ra các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao vui vẻ và cùng nhau tham gia các lễ hội do xã tổ chức.

Phong tục cũ bỏ được, đồng bào Mông ở Đồng Ruộng đã có thời gian để chăn nuôi lợn, gà, tập trung dọn nương quế, làm cỏ đồi tre măng Bát Độ, nạo vét mương tưới và chuẩn bị đất cho vụ lúa xuân.

Cùng với đó, đồng bào đã thực hiện chỉ đạo của xã và huyện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên ngoài thâm canh gần chục ha ruộng nước, người dân trong bản đã biết trồng keo, bồ đề và trên 20 ha quế, có nơi đã cho thu hoạch. Măng Bát Độ đang trở thành cây mũi nhọn ở Đồng Ruộng. Năm 2013, gần trăm ha măng của đồng bào đã mang lại thu nhập trên 700 triệu đồng. Gần đây, việc đưa gần 3.000 bầu cây thảo quả vào trồng sẽ tạo hướng sản xuất mới cho người dân trong thôn.

Trong chăn nuôi, đồng bào đã đầu tư chuồng trại, thức ăn và con giống, không ít gia đình thu 25 đến 30 triệu đồng/năm. Giờ đây, ở Đồng Ruộng chỉ còn 16 hộ nghèo, có 2 hộ đã mua ôtô làm phương tiện chuyên chở nông sản và vật tư phân bón về bản. Bà con dân bản ai cũng biết tới ông Giàng A Sáu là điển hình làm kinh tế gia đình nhờ làm ruộng nước, trồng măng tre, trồng quế và làm dịch vụ; ông Giàng A Vừ có trang trại nuôi hàng chục trâu, bò; nhà Giàng A Khay và Sổng A Dê trồng rừng và làm vận tải. Kinh tế khá hơn, chi bộ thôn Đồng Ruộng đang cùng với Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể tập trung vận động nhân dân loại bỏ dần những hủ tục trong đời sống.

Đơn giản nhất là trong đám cưới, đám ma không ăn uống kéo dài, không ép rượu nhau mà say sưa cả ngày cũng được vận động quyết liệt.

Phát huy tiềm năng kinh tế và đẩy mạnh bài trừ hủ tục ở bản Đồng Ruộng, cùng với đó là sự đầu tư của Nhà nước cho con đường vào bản và lưới điện quốc gia nhất định Đồng Ruộng sẽ trở thành bản khá nhất xã. Và như thế, tết của đồng bào Mông ở đây cùng với đồng bào trong xã sẽ đủ đầy và thêm những niềm vui chung mới.

Ông Sổng A Thào ở bản Đồng Ruộng:

 Đi chơi hết nơi này nơi khác cả tháng, nhà cửa để chẳng ai trông giữ, vật nuôi chẳng được ăn, có khi của cải, lợn gà của nhà cũng mất trộm đấy! Giờ ăn tết với mọi người, đi chơi ít hơn nên có thời gian tập trung làm ăn, giữ được nhà cửa. 

 

 

 

 

 

 

Ông Giàng A Lồng - cán bộ văn hóa xã Kiên Thành:

Tôi ở bên xã Suối Giàng sang định cư ở Đồng Ruộng và làm việc tại xã. Tôi thấy ở Suối Giàng, đồng bào Mông cũng ăn chung tết Nguyên đán rồi. Giờ đã đủ ăn, đủ uống, đủ mặc rồi! Ngày trước không đủ ăn mà cứ ăn tết dài quá cũng không vui, giờ ăn tết chung đi chơi đông vui hơn. Tết Quý Tỵ, bản tôi còn tham gia thi đấu thể thao với bản 2, bản 3 của xã Mỏ Vàng đấy. vui lắm!.

Em Vàng A Páo, sinh viên Khoa Xã hội, lớp Tiểu học 13A, Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái:

“Là một người con của dân tộc Mông đến từ xã Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu, em rất đồng tình, ủng hộ chủ trương vận động đồng bào Mông ăn chung một tết Nguyên đán. Bởi theo truyền thống, người Mông bắt đầu ăn tết từ đầu tháng 12 năm nay đến tháng 1 của năm sau. Thời gian quá dài không chỉ gây lãng phí, tốn kém tiền của do chính người dân làm ra mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến học tập của học sinh từ bậc mầm non đến trung học phổ thông và chuyên nghiệp. Nhiều học sinh do nghỉ tết quá dài nên không bắt kịp chương trình, lười học và dẫn đến bỏ học. Đến nay, hầu như 100% người dân Tà Xi Láng đã ăn chung một tết cổ truyền rồi!”.

Em Mùa Lưu Ly, học sinh lớp 10C1, Trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Yên Bái), người dân tộc Mông huyện Mù Cang Chải:

“Không chỉ riêng em mà nhiều bạn khác đều vui mừng khi tỉnh có chủ trương vận động đồng bào Mông ăn chung một tết cổ truyền. Trước đây, nhiều bạn nghỉ tết quá dài nên không muốn ra lớp nữa không những ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và chính các bạn cũng bị thiệt thòi. Hiện em đang học ở thành phố nhưng thời gian này em thường xuyên thông tin về nhà vận động bố mẹ, anh em nên ăn chung một tết, tránh lãng phí thời gian và tiền của”.

V.T (thực hiện)

M.Q

Các tin khác
Giá gas đã tăng đồng loạt từ 78.000 - 80.000 đồng/bình 12 kg từ ngày 1/12.

YBĐT - Thông tin giá gas đồng loạt tăng 80 đến 100 nghìn đồng/bình loại 12 kg kể từ ngày 1/12 được các phương tiện truyền thông đưa tin khiến người dân không khỏi choáng váng.

Các đối tượng trẻ vị thành niên phạm tội mua bán trái phép pháo nổ dịp tết Quý Tỵ 2013 viết bản tường trình tại cơ quan điều tra.

YBĐT - Hiện nay, do nhiều yếu tố tiêu cực tác động, một bộ phận trẻ em vi phạm pháp luật đang trở thành nỗi lo của gia đình và xã hội. Tình hình phạm tội trong lứa tuổi vị thành niên ở thành phố Yên Bái còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, tính chất phạm tội ngày càng nghiêm trọng, manh động.

YBĐT - Mới đây, tại Phòng khám đa khoa khu vực Ngã Ba Kim, huyện Mù Cang Chải, Dự án “Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe” do Liên minh châu Âu tài trợ đã tổ chức Diễn đàn y tế cấp huyện nhằm chia sẻ các vấn đề sức khỏe ưu tiên, những khó khăn thách thức và giải pháp trong việc thực hiện các chính sách y tế.

Cấp đổi CMND 12 số trên cả nước vào đầu năm 2014.

Trao đổi với phóng viên báo chí chiều 3.12, thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó tổng cục trưởng tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội - Bộ Công an, cho biết Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý với đề xuất của Bộ Công an về việc triển khai cấp CMND mới trên cả nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục