Những câu chuyện bên bờ kè sông Hồng
- Cập nhật: Thứ sáu, 17/1/2014 | 9:05:41 AM
YBĐT - Mặc dù kè sông Hồng, đoạn qua địa phận thành phố Yên Bái đã được Nhà nước quan tâm, xây đắp kiên cố, hiện đại và đẹp mặt. Song vẫn còn rất nhiều người vẫn giữ thói quen biến sông Hồng thành… hố rác. Người người, nhà nhà có rác, nhất là rác khó phân huỷ, rác có mùi hôi thối là mang ra bờ kè vứt ùm xuống sông!
Một đống rác lớn, phía sau là hồ nước đen ngòm bên bờ kè sông Hồng.
|
Công trình kè sông Hồng ở thành phố Yên Bái, đoạn đã hoàn thành (từ Bách Lẫm lên cầu Yên Bái) và đoạn đang tiếp tục đầu tư xây dựng (từ cầu Yên Bái lên đến Xuân Lan) là công trình có ý nghĩa kinh tế, xã hội rất lớn trong việc hạn chế tác động tiêu cực của thiên nhiên với những diễn biến bất thường và hết sức khó lường của thời tiết; chấm dứt hoàn toàn tình trạng sạt lở, bảo vệ nhiều khu dân cư đông đúc; góp phần chỉnh trang đô thị, tạo cảnh quan đẹp. Có lẽ những hộ dân sống dọc bờ kè là những người được hưởng lợi nhiều nhất, họ không những chấm dứt nỗi lo sạt lở mất vườn, mất nhà mà còn có con đường khang trang, sạch đẹp để đi lại. Có bờ kè, giá trị các ngôi nhà nhìn ra sông Hồng tăng lên vài lần, có khi lên cả chục lần.
Sớm sớm, chiều chiều trẻ già ra bờ kè tập dưỡng sinh, bách bộ; tối đến nam nữ ngồi hóng gió bên lan can sắt hoặc nắm tay nhau thả bước tâm sự. Không hề quá khi nói rằng kè sông Hồng đã tạo cho không ít người dân thành phố nếp sống văn hóa, văn minh và cảnh sắc một dải sông Hồng thêm thơ mộng. Mong cho các nhà thầu sớm tổ chức thi công và hoàn thiện đoạn kè còn lại; ước muốn thành phố có thêm nhiều công trình có ý nghĩa kinh tế xã hội và văn hóa hơn nữa.
Tuy thế, chúng ta vẫn còn những câu chuyện để nói với nhau về bờ kè sông Hồng, đơn cử như chuyện quản lý đô thị và ý thức người dân. Lấn chiếm đất công làm của riêng như: xây nhà ở, dựng hàng rào kiên cố hoặc tạm bợ để trồng rau, chăn nuôi… đã là chuyện khá phổ biến! Ai đến đây cũng thắc mắc, tại sao thành phố không dựng một tấm pa - nô lớn, ghi rõ thiết kế và quy hoạch một dải đất ven sông này!
Các ngành chức năng cần thực hiện việc rà soát, đánh giá thực trạng sử dụng đất và nhu cầu của người dân, trên cơ sở thiết kế, quy hoạch, thành phố sẽ tiến hành cấp đất và công nhận quyền sử dụng đất cho những phần đất không ảnh hưởng đến quy hoạch, làm được việc này ngân sách thành phố có thêm nguồn thu, trật tự xây dựng, trật tự đô thị sẽ được quản lý, còn người dân cũng yên tâm phấn khởi.
Đối với những công trình xây dựng trái phép, nhất thiết phải tổ chức cưỡng chế, bàn giao cho phường quản lý, tổ chức trồng hoa, cây xanh, xây dựng các điểm vui chơi, thể dục, thể thao… Việc cưỡng chế phải công khai, minh bạch, phải làm đồng loạt và phải có chính sách đối với những hộ đã xây dựng từ lâu hoặc khó khăn về nhà ở… nhằm tránh tình trạng bức xúc trong dân. Dư luận và rất nhiều người dân sống bên kè sông Hồng, kể cả một số hộ đang lấn chiếm đất công đều đồng tình với việc này, miễn là việc giải phóng được thực hiện công bằng, dân chủ; diện tích đất sau thu hồi được sử dụng đúng mục đích!
Bên cạnh việc lấn chiếm đất công và hướng xử lý nói trên là chuyện rác và nước thải. Không hiểu vì sao mà rất nhiều người vẫn giữ thói quen biến sông Hồng thành… hố rác. Người người, nhà nhà có rác, nhất là rác khó phân huỷ, rác có mùi hôi thối là mang ra bờ kè vứt ùm xuống sông! Tình trạng khá phổ biến, nhiều người có trách nhiệm đã tích cực nhắc nhở, có người còn dựng cả biển cấm… nhưng chuyện đâu vẫn vào đấy, rác vẫn mang ra sông để rồi nhìn đâu cũng thấy bao tải, gạch vữa, chăn chiếu… nhiều điểm rác đã chất thành đống lớn.
Cùng với rác là nước thải, chất thải của người và vật nuôi. Thật khó tin nhưng nhiều nhà dân ở bờ kè sông Hồng có nhà vệ sinh nhưng không có bể phốt, hố ga, một số nhà làm nghề giết mổ gà lợn và chăn nuôi bò, lợn, gà với số lượng không ít… tất cả nguồn phân và chất thải không hề được xử lý, cứ theo ống cống đổ thẳng ra bờ sông.
Vào mùa nước lớn, phân, rác, mước thải đổ ra là nước cuốn đi ngay nên tình trạng ô nhiễm khó cảm nhận; về mùa nước cạn, sông Hồng đoạn kè Yên Bái xuất hiện những hố nước đen ngòm, những đống rác lù lù và khốn khổ nhất là mùi hôi tanh hết sức khó chịu.
Trước tình trạng trên, chính quyền cơ sở, nhất là các khu dân cư cần tuyên truyền, giáo dục để người dân nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của mình, không vứt rác bừa bãi mà cụ thể là không vứt rác xuống sông. Cần tiến hành việc kiểm tra, rà soát, yêu cầu các hộ dân phải xây dựng bể phốt, hố ga… không đổ thẳng phân và nước thải xuống sông Hồng. Đối với đoạn kè đang đầu tư xây dựng, chính quyền cần phối hợp với nhà thầu và Ban quản lý dự án kiên quyết không cho những hộ dân chưa có bể phốt, hố ga được phép đặt ống cống ngầm qua thân kè.
Thành phố Yên Bái đang từng ngày đổi thay, đô thị dần khang trang, sạch đẹp; nếp sống văn hóa, văn minh dần hình thành; bà con nức lòng khi thấy vườn hoa, cây cảnh, hồ nước, công viên, đèn đường… được đầu tư, xây dựng, điểm tô cho thành phố than yêu. Đâu đó vẫn còn những góc khuất cần tổ chức xử lý, cần sự đổi mới, vươn lên của chính người dân, những câu chuyện trên bờ kè sông Hồng là một thí dụ.
Lê Tấn Đạt
Các tin khác
Dự báo khoảng trưa và chiều nay (17/01), không khí lạnh tăng cường sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh vùng núi phía Bắc và khu Đông Bắc Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ…
YBĐT - Ngày 16/1, Tỉnh Đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Đoàn, Hội năm 2013, triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2014. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Dương Văn Thống – Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.
YBĐT - Chỉ còn ít ngày nữa kỳ nghỉ tết 2014 sẽ bắt đầu. Thầy và trò Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh đang gấp rút hoàn thành chương trình học theo đúng tiến độ, tổng kết học kỳ I và một nhiệm vụ không thể thiếu đó là tuyên truyền, vận động và tổ chức ký cam kết cho các em học sinh về nghỉ tết an toàn, không vi phạm pháp luật.
YBĐT - Ngày 28/12/2013, UBND tỉnh Yên Bái đã ra Quyết định số 2101/QĐ - UBND phê duyệt điều chỉnh giá bán nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố Yên Bái và thị trấn Yên Bình (Yên Bình) đối với Công ty TNHH Một thành viên Cấp nước Yên Bái.