Tết ở cột mốc TB46
- Cập nhật: Thứ năm, 30/1/2014 | 9:38:49 AM
YBĐT - TB46 là tên cột hiệu chỉ rằng: Ở đây có một vị trí đặt thiết bị là tài sản quốc gia. Nó được sử dụng khi thực hiện các quan trắc, đo đạc, giám sát môi trường… Sinh sống quanh bên cột hiệu này là 7 gia đình người Dao. Quanh năm họ gắn bó với mặt nước hồ mênh mông, và dĩ nhiên những ngày tết cũng vậy.
|
Mùa nước, phải mất chừng 20 - 25 phút đi thuyền nan, người ta mới có thể đến được cột hiệu TB46 trên đảo hồ Thác Bà thuộc thôn Ngòi Ngần của xã Bảo Ái, huyện Yên Bình. Có 7 hộ người Dao thì 4 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo, sau này có thêm 2 hộ người Kinh ra làm ăn. Họ cư trú trên 4 đảo đất và hình thành một xóm mà người dân quen gọi tên Làng Ven.
Chị Triệu Thị Gìu (được coi là người phụ trách xóm) lập gia đình với anh Hoàng Văn Đường và ra đảo xây dựng cuộc sống mới từ năm 2008. Trên đảo này chỉ có mỗi gia đình chị sinh sống, cùng với cột hiệu TB46. Gắn bó với nhau quanh một cây cột nhiều năm nhưng chị Gìu và những hộ dân trên ba đảo lân cận vẫn loay hoay tìm cách thoát khỏi cái nghèo. Nghèo là lẽ đương nhiên, bởi cả cái thôn Ngòi Ngần của 119 hộ, trong đó có gia đình chị vẫn còn nằm trong danh sách đặc biệt khó khăn, hưởng các ưu đãi của Chính phủ cho thôn vùng III. Mãi đến cuối năm 2011, Ngòi Ngần mới có điện lưới quốc gia.
Việc kéo điện ra làng Ven của chị chắc chắn là không thể thực hiện. Nhiều năm rồi, họ khắc phục bằng cách dùng bộ kích điện ắc quy để thắp sáng vài ba tiếng đồng hồ đầu tối. Nhà có tivi cũng chẳng dám xem nhiều vì sẽ tốn nhiều điện. Thông tin mịt mù, đi ngủ sớm nên vỡ kế hoạch. Hai hộ có 3 con, một hộ có 4 người con, có hộ tới 7 con, giờ có thêm tiền chắc không ai dám đẻ nữa.
Ở đảo hồ, nước lúc lên lúc xuống, mùa cạn, nước sinh hoạt khan hiếm, chẳng có một tý ruộng nào, đất bãi cũng không, mở mắt ra là thấy trắng bạc một màu của nước. Thế nên, quanh năm ngày tháng họ chỉ biết gắn bó với mặt nước để sinh nhai bằng nghề thả rọ tôm để kiếm gạo. Nhưng nghèo nên tiền mua rọ cũng phải ứng tiền của người thu mua gom tôm để mua rọ rồi trừ dần hàng tháng. Tôm cá ít dần, cũng chỉ đủ ăn, tích lũy chẳng được là bao.
Gia đình chị Triệu Thị Gìu đã có ngôi nhà sàn vững chãi nhờ bán 1ha rừng và 5 con trâu.
Từ cột hiệu TB46 nhìn ra hồ, đảo phía bên phải là gia đình anh Triệu Văn Pách và chị Đặng Thị Tâm. Năm nay ba lăm tuổi nhưng họ đã có với nhau 4 mặt con. Cô con gái lớn chờ đủ tuổi lấy chồng, cậu con trai út thì đang cố gắng theo học lớp 8 trong xã. Ngôi nhà xây lợp tấm phibrô ximăng của anh chị sau 5 - 6 năm chui ra, chui vào giờ cũng đã xuống cấp. Bám đảo, bám hồ trên dưới 15 năm, anh chị đã vô tư vậy với cuộc sống hiện tại. Mỗi ngày 2.000 rọ thả dưới hồ cũng chỉ kiếm được vài ba cân tôm. Có gần héc ta đồi, anh cũng trồng bồ đề và keo nhưng vẫn đang chờ đến tuổi thu hoạch. Chỗ thấp hơn gia đình anh trồng sắn.
Vụ năm nay được giá nên gia đình anh thu lãi trên 2 triệu đồng, chỉ đủ trả tiền chiếc tivi mua hồi giữa năm. Thu xong vụ sắn này, lao động chính của gia đình lại ngày ngày đạp thuyền vào trong xã tìm việc làm thuê. Bảy miệng ăn của gia đình Pách vẫn phải trông vào những rọ tôm ngâm qua ngày dưới làn nước lạnh.
Tết này, gia đình anh cũng chưa hơn được những tết đã qua. “Năm nào làm ăn khấm khá thì chiều ba mươi luộc 5 - 6 cân gạo bánh, năm khó khăn cũng có 3 - 4 cái bánh tày để thắp hương tổ tiên, mổ con gà bằng nắm tay cũng được, theo phong tục thôi mà” - Triệu Văn Pách nói vậy sau một hơi thuốc lào giòn giã. Mấy hộ ở ngoài đảo này thường đến nhà anh em họ tộc để thăm nom từ ngày hai chín, ba mươi tết. Khó nên cũng không mua sắm, mà cũng chẳng mấy người ra đảo chơi thăm. Vài ba gói bánh kẹo để bày, mấy cành hoa nhựa cố làm không gian lờ mờ rạng lên trong đêm ba mươi. Đón giao thừa, các gia đình chỉ thắp hương lên bàn thờ cầu mong một năm gia đình khỏe mạnh, làm ăn gặp may mắn.
Nếu còn ắc quy tốt, đủ điện thì mở tivi xem chương trình của VTV. Sáng mồng một, cả nhà dạy muộn hơn chút rồi lo cơm nước cúng tổ tiên. Ngày đầu năm mới nhanh chóng trôi qua, để chiều mồng một, chủ nhân các gia đình lại đi thả rọ tôm. Tết với người dân ở đây chỉ đơn giản vậy, có vui và đi chơi nhiều hơn là mấy đứa đang tuổi lớn.
Trên ngôi nhà sàn khá vững chãi mà chị Gìu phải bán non đồi cây gần ha, rồi bán dần 5 con trâu để hoàn thiện, câu chuyện về cái tết Giáp Ngọ cứ vơi dần, chuyện nuôi thả, trồng rừng lại tiếp nối. Khi trong thôn có điện cũng nhiều hộ muốn quay vào sinh sống cho đỡ tối tăm, nhưng lại lo chuyện đất ở. Nhà cửa dựng lên rồi, thôi cố gắng ở lại. Mấy hộ có tới 3ha đất đồi cũng phấn chấn với nghề rừng lắm. Vốn chính sách cũng đã từng đến tay bà con nhưng giá như có nguồn vốn đáng kể để có thể đầu tư ra tấm ra miếng và để trong lúc chờ rừng cây đến độ thu hoạch sẽ tập trung cho chăn nuôi kết hợp với nghề chế biến phù hợp. Ý tưởng của địa phương về một hợp tác xã nuôi cá lồng kết hợp với bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên hồ cũng có thể mở ra một hướng làm ăn…
Rồi biết đâu, trong tương lai sẽ có những dự án điện năng lượng quy mô nhỏ, đủ để chiếu sáng và dùng các phương tiện sinh hoạt tối thiểu cho các gia đình. Một mùa xuân mới đang đến mang tới cho những những gia đình ở đây niềm tin mới, nguồn năng lượng mới bên cột hiệu TB46.
Minh Quang
Các tin khác
1.000 quả pháo hoa sẽ được bắn tại hai điểm quanh hồ Gươm trong 15 phút. Nòng pháo sẽ đồng loạt hướng lên bầu trời khu vực tháp Rùa để trình diễn những màn pháo hoa đặc sắc.
Tối 28/1, đường hoa nghệ thuật lần đầu tiên ở TP Cần Thơ chính thức khai mạc trên tuyến đường Võ Văn Tần, Nguyễn Thái Học (phường Tân An, quận Ninh Kiều) thu hút hàng ngàn lượt người tới vui chơi, tham quan.
YBĐT - Hòa chung trong không khí tưng bừng, phấn khởi của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đón chào xuân mới Giáp Ngọ 2014, mừng đất nước quê hương đổi mới. Tối ngày 29/1 (tức 29 - 12 năm Quý Tỵ), Trung tâm Văn hóa tỉnh Yên Bái tổ chức chương trình biểu diễn Nghệ thuật quần chúng với chủ đề:"Giai điệu mùa xuân".
YBĐT - Có rất nhiều lý do để khách thập phương đến với Mường Lò và “bản trong phố” là một trong số ấy. Chắc rằng trên thế giới này không có nhiều vùng quê được như Mường Lò, Nghĩa Lộ - nơi mà cái hiện đại, cái tiện nghi đan xen với nét truyền thống đặc sắc một cách tự nhiên đến hồn hậu.