Ngăn bệnh đau mắt đỏ lan rộng

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/9/2014 | 9:15:30 AM

YBĐT - Phát sinh khi giao mùa và có tốc độ lây lan rất nhanh, tại Yên Bái, bệnh đau mắt đỏ xuất hiện và diễn biến phức tạp từ cuối tháng 8 đến nay khiến cho cuộc sống của người dân bị xáo trộn, nhiều học sinh phải nghỉ học, nhiều người phải nghỉ làm để tránh lây lan cho cộng đồng.

Giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Yên Bái hướng dẫn các em học sinh thuốc nhỏ mắt phòng bệnh tốt.
Giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Yên Bái hướng dẫn các em học sinh thuốc nhỏ mắt phòng bệnh tốt.

Chị Trần Thị Quỳnh - thôn 9, phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái chia sẻ: “Thằng nhỏ bị đau mắt đỏ khiến cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng nhiều. Vợ chồng phải xin nghỉ làm, cháu gái thì đưa sang nhà ông bà ngoại. Nghỉ học nhiều, tôi lo khi đi học sẽ không theo kịp các bạn...”. Như tâm trạng chị Quỳnh, chị Hà Thanh Phương ở tổ 46, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái cho biết: “Nhà có 2 cháu  đều bị mắc cả. Con phải nghỉ học, chồng làm xa, nhà có mỗi mình tôi không biết xoay xở kiểu gì!”.

Đau mắt đỏ đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp tại các trường học, nhất là khối mầm non và tiểu học. Tại Trường tiểu học Kim Đồng, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái - một trong những trường đầu tiên của thành phố xuất hiện dịch, cô  Hoàng Thị Hường - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ khi xuất hiện đến nay, Trường đã có 12 em học sinh mắc. Ngay khi xuất hiện bệnh, nhà trường đã yêu cầu các em bị mắc nghỉ học, đồng thời phối hợp với Trạm Y tế phường tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các cô giáo, phụ huynh và học sinh cách phòng tránh tránh lây lan ra diện rộng. Đến nay, số mắc chỉ còn 2 đến 3 em”.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái, đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố có 294 trường hợp đau mắt đỏ. Trong đó, phường Hồng Hà có 17 trường hợp tập trung ở Trường mầm non Hoa Lan; phường Minh Tân 19 trường hợp, tập trung chủ yếu ở Trường tiểu học Kim Đồng; phường Yên Ninh có 32 trường hợp tập trung chủ yếu ở Trường tiểu học Lý Tự Trọng; phường Nam Cường với 12 trường hợp ở Trường mầm non Sơn Ca; phường Yên Thịnh 23 trường hợp tập trung ở Trường tiểu học Lê Văn Tám...

 

Cô giáo hướng dẫn các em học sinh cách nhỏ thuốc mắt.

Ông Nguyễn Duy Đạt - Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố cho biết: “Số trường hợp bị đau mắt đỏ mà Trung tâm thống kê được là do các cơ sở y tế báo về, trên thực tế số người mắc tính đến nay còn nhiều hơn”. Trước tình hình số mắc đau mắt đỏ ngày càng tăng nhanh, Trung tâm Y tế thành phố đã chủ động phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh trực tiếp xuống các cơ sở, đặc biệt là các trường học để kiểm tra, hướng dẫn cách phòng tránh.

Tại huyện Văn Chấn, tính đến cuối tháng 8 có 75 trường hợp mắc  bệnh và đến đầu tháng 9 là trên 100 ca, tập trung chủ yếu ở các trường tiểu học và mầm non thuộc các xã Cát Thịnh, An Lương, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ... Ông Hoàng Văn Hải - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn cho biết: “Con số này tiếp tục có sự thay đổi, bởi diễn biến của bệnh đau mắt đỏ hiện nay khá phức tạp. Ngay khi xuất hiện bệnh, Trung tâm Y tế huyện đã chủ động tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch đối phó, đẩy mạnh tuyên truyền phòng ngừa lây lan tại các trường học; chủ động phát hiện, khoanh vùng và xử lý kịp thời các ổ dịch…”.

Bệnh đau mắt đỏ đã tái xuất và tăng nhanh trên địa bàn cả nước. Theo báo cáo từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội, trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố, từ ngày 3/9 đến hết ngày 14/9 đã có 28 ổ dịch tại 7/9 huyện, thị, thành phố (trừ Yên Bình và Mù Cang Chải) với tổng số 545 ca mắc, cao nhất ở thành phố Yên Bái 294 ca, thị xã Nghĩa Lộ 280 ca, Trấn Yên 192 ca. Ngoài ra, còn có 580 ca mắc rải rác tại 9/9 huyện, thị, thành phố (trung bình mỗi ngày ghi nhận trên 90 ca mắc mới). Lũy tích từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có tổng số 1.266 ca mắc. Đây là những trường hợp đã đến các cơ sở y tế kiểm tra và khám chữa bệnh, thực tế con số này còn cao hơn rất nhiều.

Đánh giá về dịch bệnh và công tác phòng chống, bác sỹ Nguyễn Văn Tuyến - Phó giám đốc Sở Y tế cho biết: “Dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan ra diện rộng trong cộng đồng và trong các trường học khá cao. Là bệnh phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi, dễ lây nhiễm và do virus gây nên, chưa có vắcxin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh. Để đối phó với những diễn biến phức tạp của dịch đau mắt đỏ hiện nay, Sở Y tế đã ban hành Công văn số 700/SYT-NVY ngày 04/9/2014 về việc tăng cường các hoạt động phòng chống dịch trong trường học năm học 2014 -2015 gửi Sở Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, tiếp tục ban hành Công văn số 721/SYT-NVY ngày 09/9/2014 về việc tăng cường giám sát, phòng chống dịch đau mắt đỏ do Adeno virus; chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác giám sát dịch bệnh tại cộng đồng và các trường học, đồng thời tăng cường tuyên truyền theo 6 khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng về phòng chống bệnh đau mắt đỏ; chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng thành lập đoàn giám sát phối hợp với Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội trực tiếp đi giám sát một số trường học trên địa bàn để đánh giá tình hình bệnh, phát hiện sớm các ổ dịch để xử lý và báo cáo hàng ngày lên tuyến trên theo quy định”.

 Dù không gây nguy hiểm cho tính mạng nhưng bệnh đau mắt đỏ đã ảnh hưởng lớn sinh hoạt, lao động, học tập của mỗi gia đình và cộng đồng. Cùng nỗ lực của ngành chức năng, mỗi người dân hãy tự trang bị cho mình kiến thức phòng, tránh để ngăn chặn dịch bệnh một cách hữu hiệu nhất!

Ngọc Sơn

Các tin khác

YBĐT - Vừa qua, Báo Yên Bái nhận được ý kiến bạn đọc phản ánh về việc rà soát, xác định, giải quyết chế độ cho người khuyết tật (NKT) trên địa bàn huyện Lục Yên còn sai sót. Điển hình là một số trường hợp ở xã Tân Lĩnh được xã kết luận mức độ nhẹ và không cho hưởng chế độ NKT, một số trường hợp khác cũng bị cắt chế độ NKT.

Nâng cao chất lượng giáo dục là một trong những mục tiêu được thị trấn Cổ Phúc quan tâm, chú trọng.

YBĐT - Thị trấn hôm nay đã thực sự “thay da đổi thịt”, mang một dáng vẻ mới “văn minh hơn, hiện đại hơn” - đây là cảm nhận chung của hầu hết những ai đã sinh ra và lớn lên trên quê hương Cổ Phúc (huyện Trấn Yên) và từng biết về nơi đây.

Cột ăng ten truyền hình tại Quảng Ninh bị gãy đổ.

Ngày 17.9, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết đã có 10 người chết và 9 người bị thương trong mưa bão số 3.

Ảnh minh họa.

Bộ GD-ĐT phát đi công điện gửi các Sở, các trường ĐH, CĐ, Trung cấp chuyên nghiệp thuộc 29 tỉnh bị ảnh hưởng bão Kalmaegi chủ động cho HS nghỉ học để tránh rủi ro khi đến trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục