Những mảnh đời không cô đơn
- Cập nhật: Thứ tư, 22/7/2015 | 10:24:13 AM
YênBái - YBĐT - Ai sinh ra cũng mong muốn có một cuộc sống yên bình, hạnh phúc bên gia đình. Điều đó, nghe như đơn giản với nhiều người nhưng đối với những mảnh đời đang sống ở Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội Yên Bái (gọi tắt là Trung tâm) thì đó chỉ là một mơ ước thật xa vời...
Ngoài giờ học tập, các em được tham gia trồng rau, nuôi lợn góp phần cải thiện bữa ăn hàng ngày.
|
Những hoàn cảnh đặc biệt
Giữa một ngày nắng hạ, đến với Trung tâm, điều đầu tiên bắt gặp chính là khu nhà được xây dựng khang trang, có tên gọi “Ngôi nhà chung”. Ngôi nhà chung là bởi, mỗi người khi đến đây đều có một hoàn cảnh, một số phận khác nhau nhưng đều chung chữ “thiệt thòi”, “bất hạnh” vì người thì cô đơn, không nơi nương tựa hay những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi... Đi thăm các khu ở trong ngôi nhà chung, chị Lê Thị Hồng Nhung - Phó giám đốc Trung tâm kể cho tôi nghe về nhiều mảnh đời trong số đó.
Vào một đêm tiết trời lạnh giá tháng 3 năm 2009, mọi người trong Trung tâm, bỗng nghe có tiếng trẻ khóc yếu ớt ngoài cổng. Khi ra thì thấy một đứa bé đỏ hỏn, chừng 2 ngày tuổi nằm cuộn trong một chiếc chăn. Linh tính mách bảo, đó là đứa trẻ bị bỏ rơi, các mẹ ở Trung tâm đã đưa về chăm sóc. Không thể nào kể hết khó khăn khi phải chăm sóc em bé mới sinh còn chưa rụng rốn. Mong cho bé được khỏe mạnh, các bác, các cô quyết định đặt tên cho bé là Triệu Đức Mạnh. Nhưng sức khỏe của bé Mạnh không được như mọi người mong muốn. Em bị teo dây thần kinh thị giác, rung giật nhãn cầu không chữa được nên nhìn không rõ. Để em khôn lớn, các mẹ đã chắt chiu từng đồng để mua sữa, mua thuốc và thức ăn khác để bồi dưỡng cho em. Tháng 9 này, Mạnh sẽ vào lớp 1 nhưng các mẹ rất lo vì em rất nhỏ, thị lực quá kém. Nhìn cậu bé cô đơn với đôi mắt chẳng còn nhiều ánh sáng, bỗng tôi thấy lòng mình se sắt niềm thương.
Hoàn cảnh của em Giàng Thị Dở đến từ xã Bản Mù (huyện Trạm Tấu) lại khác. Sinh ra trong một gia đình có 12 anh em, mẹ mất sớm, bố lại bị bệnh, gia đình vô cùng khó khăn nên em và người anh kế trên phải xin vào Trung tâm từ khi Dở 5 tuổi. Đến nay, em đã là học sinh lớp 6 của Trường THCS Nguyễn Du (thành phố Yên Bái). 6 năm liền, Dở đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. "Đó là tình cảm mà em muốn gửi gắm và cảm ơn các mẹ, các cô chú ở Trung tâm đã chăm sóc, cho em có được cuộc sống đủ đầy và nhiều yêu thương" - Dở tâm sự.
Bật mí về ước mơ sau này, Dở hồn nhiên cho biết, em mong muốn sẽ trở thành cô giáo dạy mỹ thuật bởi em yêu thích những bức tranh, em thích vẽ vì thông qua những bức tranh, em sẽ thể hiện được cảm xúc, suy nghĩ của mình. Dở cũng là người mang về vinh dự cho Trung tâm khi em được lựa chọn là đại biểu đi dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ của tỉnh và Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ VIII. Đến với Trung tâm, mỗi đứa trẻ một tính nết, lại đang tuổi ăn tuổi ngủ, việc chăm lo cho các cháu chẳng phải dễ dàng, song bằng tình yêu thương vô bờ bến, những cán bộ ở Trung tâm đã âm thầm cùng nhau chăm sóc, dạy bảo các em như những người cha, người mẹ thực thụ với mong muốn bù đắp những thiệt thòi, để các em được lớn khôn, thành người có ích cho xã hội.
Một trường hợp đặc biệt nữa mà khi kể, đôi mắt chị Nhung ánh lên niềm tự hào. Đó là câu chuyện về 3 anh em Hờ A Vàng, Hờ A Sánh, Hờ A Lao đến từ xã Làng Nhì (huyện Trạm Tấu). Số phận thật trớ trêu khi năm Hờ A Vàng 6 tuổi, tai nạn nghiệt ngã đã cướp đi mãi mãi cả bố, mẹ các em, để lại 6 anh chị em Hờ A Vàng bơ vơ giữa cuộc đời. Khi đó, chị lớn nhất mới 14 tuổi, em út chưa đầy 2 tuổi. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của các em, chính quyền địa phương đã gửi 3 anh em Vàng, Sánh, Lao vào Trung tâm.
Nhờ được nuôi dưỡng tại Trung tâm mà cả 3 anh em được học hành chu đáo. Luôn ý thức được trách nhiệm của người anh cả, Hờ A Vàng đã cố gắng rèn luyện, tu dưỡng và 12 năm liền em đều đạt học sinh khá, giỏi. Kỳ thi tuyển sinh đại học năm học 2012 - 2013 Hờ A Vàng đăng ký dự thi vào đại học nông nghiệp và đại học thuỷ lợi, em đã đỗ cả 2 trường với điểm số cao. Hiện, em là sinh viên của Trường Đại học Thuỷ lợi. Noi gương anh trai, Hờ A Sánh, Hờ A Lao cũng chăm ngoan, học rất giỏi. Các em là tấm gương vượt khó tiêu biểu để nhiều bạn nhỏ học tập và noi theo.
Bên những trẻ em thiệt thòi còn là những nỗi cô đơn cuối đời của những cụ già không nơi nương tựa, được Trung tâm đưa về chăm sóc. Đến thăm khu ở của các cụ, ấn tượng rõ nhất, đó là các phòng ở đều rất sạch sẽ, thoáng mát, giường chiếu được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Các cụ đang ngồi nói chuyện rất vui vẻ, đọc báo, xem ti vi...
Rồi khi kể về hoàn cảnh của các cụ, chị Nhung cho biết: “Có một hoàn cảnh đặc biệt lắm! Đó là, trường hợp của cụ Đinh Thị Thảo, năm nay đã ngoài 80 tuổi được một bác xe ôm đưa đến Trung tâm và nói với các chị là, thấy cụ lang thang ở ga Yên Bái tội quá, nên đưa vào đây để cụ có cái ăn, chỗ ngủ". Cụ Thảo không còn minh mẫn nên chẳng nhớ nhà mình ở đâu. Còn cụ Nguyễn Thị Thuộc - người đã gắn bó với Trung tâm lâu nhất (23 năm). Năm nay, đã ngoài 90 tuổi nhưng cụ vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Khi hỏi chuyện, cụ cho hay: “ở Trung tâm này, tôi thấy thực sự thoải mái và đầy đủ. Tôi mãn nguyện khi được ở đây”.
Đến với Trung tâm, các cụ cũng như nhiều em nhỏ đã tìm lại được cảm giác yêu thương, hơi ấm của gia đình khi được sẻ chia và nhận được sự đồng cảm của những con người đồng cảnh. Đó là nguồn động viên tinh thần to lớn, giúp họ thấy được niềm vui và ý nghĩa của cuộc sống.
Vì một “ngôi nhà chung”
Là người gắn bó với Trung tâm đến nay đã trên 20 năm, chị Lê Thị Hồng Nhung có 11 năm là y sỹ, quản lý và chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng nên đã có một quãng thời gian dài để chứng kiến những vui, buồn, những mất mát, những mảnh đời, những số phận nơi đây. Khi hỏi về kỷ niệm sâu sắc nhất, bỗng chị rưng rưng, lặng người đi rồi hai hàng nước mắt cứ thế lăn dài: “Kỷ niệm thì nhiều lắm! Tất cả các đối tượng đến đây đều là những số phận kém may mắn, ai cũng đáng thương, đáng yêu cả”. Rồi chị lấy cho xem một bức thư được viết bằng tay và một chú gấu bông bé xinh được chị cất giữ cẩn thận mà chị bảo đó là món quà vô giá của một đứa con gái mà chị rất yêu thương.
Bức thư viết: “Tặng Mẹ. Con tặng Mẹ món quà này nhân ngày 8/3/2014. Cho dù Mẹ không phải là Mẹ đẻ của con nhưng con tặng Mẹ vì Mẹ đã nuôi con khôn lớn. Và con chúc Mẹ mãi mãi yêu đời và xinh đẹp như ngày hôm nay. Con mãi yêu Mẹ. Con yêu của Mẹ”. Chị bảo, đó chỉ là một trong những tình cảm mà các con ở đây đã dành cho chị. Có nhiều con dù đã khôn lớn, trưởng thành, đi học và đi làm xa nhưng tình cảm dành cho Trung tâm không hề phai nhạt. Khi có thời gian rảnh rỗi là các con lại về Trung tâm để thăm hỏi các mẹ, các bác, các cô chú và các em.
Với nhiệm vụ quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng và dạy nghề cho những người có hoàn cảnh khó khăn không nơi nương tựa trong toàn tỉnh, những năm qua, Trung tâm đã trở thành một địa chỉ tin cậy, một mái ấm luôn dang rộng vòng tay tiếp nhận những mảnh đời không may mắn và trở thành mái ấm cho những mảnh đời bất hạnh. Trung tâm hiện đang nuôi dưỡng 76 đối tượng, trong đó có 9 người cao tuổi và 67 trẻ em mồ côi với tỷ lệ trên 80% là con em dân tộc Mông.
Giờ vui chơi của các em ở Trung tâm.
Là tỉnh miền núi còn rất nhiều khó khăn, song Trung tâm luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt, sự chỉ đạo trực tiếp của tỉnh bằng những hành động thiết thực dành cho các đối tượng về mọi mặt đời sống, điều kiện sinh hoạt. Từ đầu năm 2015, mức tiền ăn của đối tượng đã được nâng từ 650 nghìn đồng/người/tháng lên mức bình quân 1.080 nghìn đồng/tháng. Ngoài ra, Trung tâm cũng đã tích cực huy động các nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng, các nhà hảo tâm để cải thiện đời sống, động viên những mảnh đời đang sống nơi đây.
“Để giúp những mảnh đời cô đơn tìm được ý nghĩa cuộc sống, cán bộ, viên chức của Trung tâm luôn xác định làm việc không chỉ là trách nhiệm mà ẩn sâu trong đó là tình yêu thương tự đáy lòng, sự sẻ chia, đùm bọc để những phận đời bất hạnh đó cảm nhận được tình người, có thêm niềm tin, niềm hy vọng vào cuộc sống. Cùng với sự quan tâm của tỉnh, Trung tâm rất mong sẽ nhận được sự chia sẻ nhiều hơn nữa của cộng đồng, những tấm lòng hảo tâm để cuộc sống của những người kém may mắn sẽ thêm phần hạnh phúc” - anh Phạm Công Quyết - Giám đốc Trung tâm bày tỏ. Cùng với đó, Trung tâm cũng hy vọng khi các em học ra trường, sẽ được các tổ chức, cá nhân, các tấm lòng hảo tâm có điều kiện giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất để các em có việc làm ổn định, bảo đảm cuộc sống.
Trở về với những cảm xúc khó quên trong nụ cười hạnh phúc của các cụ già, trong ánh mắt niềm vui của những em bé, cho dù cuộc sống ở Trung tâm còn nhiều khó khăn, tôi tin sự ấm áp của ngôi nhà chung ấy thật ấm lòng các cụ không nơi nương tựa và thắp lửa niềm tin vào tương lai tươi sáng cho những em thơ không may mắn.
Thanh Chi
Các tin khác
YBĐT - Tà Chử là một thôn khó khăn của xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu. Để giúp bà con thoát nghèo, Tỉnh đoàn Yên Bái đã có chủ trương chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2015 để giúp dân mở đường.
YBĐT - Lao Chải là một xã vùng cao của huyện Mù Cang Chải, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Song nhờ sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm của những hội viên Hội Phụ nữ xã đã góp phần cải thiện kinh tế gia đình và địa phương.
Ngày 21-7, Bộ Giáo dục -Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, tất cả các cụm thi trên cả nước đều đã hoàn tất công tác chấm thi và gửi dữ liệu kết quả về Bộ. Hiện Bộ đang tiến hành rà soát dữ liệu để bảo đảm tính chính xác trước khi công bố kết quả điểm. Dự kiến, vào chiều nay (22-7), Bộ GD-ĐT sẽ công bố điểm thi của các thí sinh.
YBĐT - 5 năm qua (2010 - 2015), ngành giáo dục-đào tạo (GD&ĐT) thị xã đã tổ chức 315 buổi ngoại khóa với nhiều chủ đề khác nhau nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước; tổ chức 245 buổi chăm sóc khu di tích lịch sử tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Khu di tích lịch sử - văn hóa Căng - Đồn Nghĩa Lộ...