Phụ nữ Lao Chải đi lên từ kinh tế hộ
- Cập nhật: Thứ tư, 22/7/2015 | 9:56:07 AM
YênBái - YBĐT - Lao Chải là một xã vùng cao của huyện Mù Cang Chải, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Song nhờ sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm của những hội viên Hội Phụ nữ xã đã góp phần cải thiện kinh tế gia đình và địa phương.
Nông dân xã Lao Chải thu hoạch lúa.
|
Chị Lờ Thị Mo - Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: “Để giúp chị em của 14 chi hội phát triển kinh tế, Hội đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn và chuyển giao khoa học kỹ thuật. Hội cũng xây dựng các mô hình điểm sản xuất, tổ chức cho chị em thăm quan, học tập, vận động chị em vận dụng phù hợp với điều kiện của gia đình. Nhờ vậy, nhiều hội viên đã biết chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ để xóa đói giảm nghèo. Hội cũng thành lập nhóm để các gia đình có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất; tích cực khai thác các nguồn vốn cho hội viên vay để triển khai, thực hiện mô hình; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em phụ nữ để có biện pháp giúp đỡ. Mặt khác, Hội còn biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến để khuyến khích chị em hội viên phụ nữ mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, cải thiện đời sống”.
Bằng những việc làm cụ thể, Hội Phụ nữ xã đã giúp hội viên từng bước phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế của xã. Tính đến năm 2014, toàn xã đã phát triển được 150ha lúa đông xuân, 691ha lúa mùa, năng suất đạt 53 tạ/ha; ngô vụ đông xuân trên chân ruộng một vụ trồng được 11ha, ngô xuân hè 750ha, năng suất đạt gần 10 tạ/ha; thảo quả 60ha; sơn tra 67ha. Bên cạnh đó, Hội cũng chú trọng đến việc phát triển đàn gia súc, gia cầm với tổng đàn gia súc 7.612 con; trong đó, trâu 1.537 con, bò 1.015 con, ngựa 22 con, dê 535 con, lợn 4.503 con và 25.316 con gia cầm. Nhiều hộ gia đình hội viên đã thoát nghèo trở thành hộ khá, giàu như: Lờ Thị Xay, bản Háng Gàng; Lờ Thị Ca, Giàng Thị Thào, bản Hú Trù Lình; Giàng Thị Xong, bản Xéo Dì Hồ A...
Hội viên Giàng Thị Thào, bản Hú Trù Lình cho biết: “Năm 1982, sau khi xây dựng gia đình, vợ chồng tôi bắt tay vào khai hoang ruộng nương và phát triển chăn nuôi nhưng cũng chỉ đủ ăn. Hội Phụ nữ xã đã tạo điều kiện cho tôi được vay 30 triệu đồng và hướng dẫn khoa học kĩ thuật, gia đình tôi đã tích cực canh tác lúa, ngô và chăn nuôi. Đến nay, gia đình tôi đã có 5ha ruộng, 8 con trâu, 11 con bò, 21 con lợn, gần 200 con gà và 10 đõ ong, mỗi năm, tổng thu nhập gần 200 triệu đồng”.
Phó chủ tich Hội Lờ Thị Mo cho biết thêm: “Hội cũng thúc đẩy các phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, tổ chức cho 100% cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; vận động phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện dân số - kế hoạch hóa gia đình”.
Minh Huyền
Các tin khác
Ngày 21-7, Bộ Giáo dục -Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, tất cả các cụm thi trên cả nước đều đã hoàn tất công tác chấm thi và gửi dữ liệu kết quả về Bộ. Hiện Bộ đang tiến hành rà soát dữ liệu để bảo đảm tính chính xác trước khi công bố kết quả điểm. Dự kiến, vào chiều nay (22-7), Bộ GD-ĐT sẽ công bố điểm thi của các thí sinh.
YBĐT - 5 năm qua (2010 - 2015), ngành giáo dục-đào tạo (GD&ĐT) thị xã đã tổ chức 315 buổi ngoại khóa với nhiều chủ đề khác nhau nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước; tổ chức 245 buổi chăm sóc khu di tích lịch sử tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Khu di tích lịch sử - văn hóa Căng - Đồn Nghĩa Lộ...
YBĐT - Sùng Đô là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn, có 358 hộ với 2.238 khẩu, trên 98% là người Mông. Người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và bảo vệ rừng, tập quán canh tác nhiều năm về trước còn khá lạc hậu nên đời sống khá khó khăn. Tuy nhiên, những năm gần đây, địa phương đã có những bước tiến đột phá, do đó diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện.
YBĐT - Với đạo lý truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của người Việt Nam, nhiều năm qua, cán bộ, nhân dân huyện Văn Yên (Yên Bái) luôn thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” bằng những việc làm thiết thực nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc gia đình, đối tượng người có công.