Giai điệu tự hào tháng 7: Tên anh đã thành tên đất nước

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/7/2015 | 1:57:50 PM

Hòa cùng không khí cả nước kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh liệt sĩ 27-7, chương trình Giai điệu tự hào tháng 7 sẽ mang chủ đề Tên anh đã thành tên đất nước với những khúc ca bất tử ca ngợi những chiến sĩ đã đi vào lịch sử chiến tranh vệ quốc như: Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Văn Sáu… Chương trình phát sóng lúc 20 giờ ngày 31-7 trên kênh VTV1.

NSND Trần Hiếu và nhóm MTV tham gia chương trình Giai điệu tự hào tháng 7.
NSND Trần Hiếu và nhóm MTV tham gia chương trình Giai điệu tự hào tháng 7.

Nhóm nhạc nam trưởng thành từ cuộc thi Nhân tố bí ẩn Oplus sẽ thể hiện ca khúc Biết ơn chị Võ Thị Sáu của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn - nhạc sĩ thuộc lớp tiền bối của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Ca khúc viết về tấm gương bất khuất của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu - người thiếu nữ của quê hương Đất Đỏ đã đi vào huyền thoại. Đây cũng là ca khúc có đời sống kỳ lạ bậc nhất nhạc Việt, khi gần như đêm đêm đều vang lên trong khói hương tưởng nhớ của tiếp nối những thế hệ hôm nay đến viếng Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo), nơi yên nghỉ của người nữ anh hùng.

Chương trình cũng tái hiện ca khúc Cùng anh tiến quân trên đường dài (nhạc: Huy Du, thơ: Xuân Sách) - ca khúc ca ngợi anh hùng Nguyễn Viết Xuân - với khẩu hiệu “Nhằm thẳng quân thù, bắn!” qua phần thể hiện của hai thế hệ nghệ sĩ NSND Trần Hiếu và nhóm MTV trong một bản phối mang màu sắc mới mẻ nhưng vẫn giữ được tính chất hào hùng của ca khúc. Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Hồng Vy - một trong những giọng hát thính phòng trẻ tuổi rất được yêu thích hiện nay cũng sẽ góp mặt với ca khúc Những cánh chim Hồng Gấm. Ca khúc được nhạc sĩ Phạm Tuyên viết năm 1971 ca ngợi Lê Thị Hồng Gấm đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.
 
Năm 1964, hành động của Nguyễn Văn Trỗi, người thợ điện trẻ quê ở Quảng Nam, dũng cảm đặt mìn ở chân cầu Công Lý tìm cách tiêu diệt Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó, đã gây chấn động dư luận. Hình ảnh Nguyễn Văn Trỗi đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm âm nhạc, thơ ca, phim, kịch… Trong số đó, ca khúc Lời anh vọng mãi ngàn năm của nhạc sĩ Vũ Thanh có lẽ là tác phẩm gây ấn tượng nhất và trong chương trình lần này được ca sĩ Đức Tuấn thể hiện cùng với dàn nhạc giao hưởng.

Ban nhạc Rock Ngũ Cung sẽ trở lại Giai điệu tự hào tháng 7 với ca khúc Hát mừng anh hùng Núp của nhạc sĩ Trần Quý. Trần Quý là nhạc sĩ đầu tiên của miền Bắc viết về Tây Nguyên đã được trao giải thưởng của Ban Văn nghệ Trung ương năm 1953 - 1955 và từng được nhiều ca sĩ thể hiện, trong đó nổi bật nhất là giọng hát của nữ ca sĩ Bích Việt - một trong những nữ ca sĩ “khuynh đảo” trên sóng truyền hình một thời. Lần này, ca khúc được thể hiện bằng phong cách âm nhạc đầy máu lửa, pha trộn giữa Rock và âm nhạc Tây Nguyên.

Dáng đứng Việt Nam của PGS-TS-nhạc sĩ Nguyễn Chí Vũ (phổ thơ Lê Anh Xuân) cũng là ca khúc sống mãi với thời gian. Điều lớn lao mà tác phẩm Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân đã tạo nên là tính biểu tượng của thời đại: “Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ. Anh chẳng để lại gì trước lúc lên đường. Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”. Hình dáng ấy, tư thế ấy biểu trưng cho tinh thần của hàng triệu người Việt Nam. Và tinh thần ấy, hào khí ấy sẽ trỗi dậy bởi nữ ca sĩ Thanh Lam cùng với dàn nhạc dây.

Những ca khúc lấy cảm hứng từ những nguyên mẫu thật - những người con dân nước Việt mang trong mình tinh thần quyết tử cho tổ quốc quyết sinh - là một gia tài giá trị lớn lao không chỉ của nền tân nhạc Việt. Chương trình có sự tham gia bình luận của nhiều nhạc sĩ, nhà báo, nhà văn, diễn giả nổi tiếng và uy tín như nhạc sĩ Trương Tuyết Mai, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha, nhà thơ Đặng Vương Hưng, nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhà văn Trần Thị Trường, nhà báo Chu Minh Vũ,  nhà báo Thủy Lê…

* Tôn vinh dòng nhạc cách mạng

“Chương trình hòa nhạc Toyota xuyên Việt năm 2015 sẽ dành phần lớn thời lượng cho các tác phẩm âm nhạc Việt Nam, nhất là âm nhạc cách mạng”, đó là thông tin được đưa ra trong buổi họp báo được tổ chức ngày 21-7 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc dàn nhạc giao hưởng Việt Nam cho biết, chương trình năm nay được hòa quyện bởi những tác phẩm cổ điển, kinh điển của thế giới cùng những ca khúc nổi tiếng, những giai điệu quen thuộc của tác giả Việt Nam. Mở đầu chương trình là giao hưởng thơ “Người về đem tới ngày vui” của nhạc sĩ, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Trọng Bằng.

Cũng trong chương trình này, nữ ca sĩ Nhật Thủy trình diễn 3 nhạc phẩm cách mạng nổi tiếng và được khán giả yêu thích: “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, “Màu hoa đỏ” của nhạc sĩ Thuận Yến và “Miền xa thẳm” của nhạc sĩ Đức Trịnh. Nghệ sĩ violon Bùi Công Duy sẽ trình diễn 2 tác phẩm của nghệ sĩ Saint Saens và P.I.Tchaikovsky. Nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn gửi tới khán giả yêu nhạc tác phẩm “Hạ trắng” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, “Bướm mơ” của Trần Mạnh Tuấn và “Gửi gió cho mây ngàn bay” của Đoàn Chuẩn - Từ Linh...

Năm nay, chương trình sẽ diễn ra tại Hà Nội (ngày 5 và 6-8), Đà Nẵng (ngày 9-8), thành phố Hồ Chí Minh (ngày 11-8) và Thanh Hóa (ngày 13-8). Toàn bộ số tiền bán vé thu được sẽ dành tặng học bổng cho các tài năng âm nhạc trẻ Việt Nam.

                                                                            (Theo SGGP)

Các tin khác
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bùi ngùi thắp hương bên mộ nữ liệt sĩ Ngã ba Đồng Lộc.

Nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2015), sáng 22-7, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã dẫn đầu đoàn công tác về dâng hương tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh).

Toàn cảnh Hội thảo

YBĐT - Ngày 22/7, Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam và Hội CCB tỉnh Yên Bái đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò của CCB trong xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo và công tác bảo vệ môi trường”.

Ngoài giờ học tập, các em được tham gia trồng rau, nuôi lợn góp phần cải thiện bữa ăn hàng ngày.

YBĐT - Ai sinh ra cũng mong muốn có một cuộc sống yên bình, hạnh phúc bên gia đình. Điều đó, nghe như đơn giản với nhiều người nhưng đối với những mảnh đời đang sống ở Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội Yên Bái (gọi tắt là Trung tâm) thì đó chỉ là một mơ ước thật xa vời...

Cùng với lực lượng đoàn viên, nhân dân các thôn Tà Chử, Háng Tàu đã tích cực san núi mở 2,5km đường.

YBĐT - Tà Chử là một thôn khó khăn của xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu. Để giúp bà con thoát nghèo, Tỉnh đoàn Yên Bái đã có chủ trương chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2015 để giúp dân mở đường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục