Phấn đấu thực hiện có hiệu quả chính sách ưu đãi người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”
- Cập nhật: Thứ sáu, 24/7/2015 | 9:40:24 AM
YênBái - YBĐT - Tri ân những người có công với cách mạng là đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và toàn thể nhân dân.
Tri ân mẹ Việt Nam anh hùng.
|
Mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng các chính sách ưu đãi người có công không ngừng được hoàn thiện theo hướng diện ưu đãi ngày càng được mở rộng, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi từng bước được nâng lên, cao hơn mức lương tối thiểu chung và luôn ở mức cao nhất trong các chính sách xã hội.
Nhiều chủ trương, quan điểm ưu đãi đã được thể chế hóa trong hiến pháp, luật pháp, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”Các chính sách ưu đãi đối với người có công, bao phủ hầu hết các lĩnh vực đời sống người có công. Chế độ trợ cấp, ưu đãi hàng tháng được điều chỉnh đồng bộ với tiền lương, trợ cấp bảo hiểm xã hội đã từng bước cải thiện, ổn định đời sống người có công với cách mạng. Các văn bản pháp luật về ưu đãi người có công đã thể chế hóa được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công; tạo môi trường pháp lý thuận lợi để chính sách đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận xã hội cao, góp phần bảo đảm công bằng xã hội. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân cùng với các cơ quan Nhà nước đã tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, góp phần chăm sóc ổn định đời sống, nâng cao mức sống của các gia đình có công với cách mạng.
Toàn tỉnh Yên Bái hiện đang quản lý trên 83.000 hồ sơ đối tượng chính sách ưu đãi người có công. Trong đó, có trên 5.000 hồ sơ liệt sĩ, trên 4.000 thương binh, trên 1.300 bệnh binh, trên 1.300 người hưởng chế độ chất độc hóa học, trên 53.000 người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương, trên 10.000 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, 13 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, gần 100 người hoạt động kháng chiến bị bắt tù đày, 40 cán bộ lão thành cách mạng, trên 400 cán bộ tiền khởi nghĩa và người có công với nước, 246 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Công tác quản lý và thực hiện chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng đã được các địa phương trong tỉnh thực hiện bảo đảm đúng chế độ chính sách quy định, kịp thời đến với đối tượng.
Năm 2015, khi mức chuẩn trợ cấp ưu đãi cho người có công được nâng từ 1.220.000 đồng lên 1.318.000 đồng theo quy định tại Nghị định 20/2015/NĐ-CP của Chính phủ, ước kinh phí chi trả chế độ ưu đãi trong năm của toàn tỉnh là trên 150 tỷ đồng. 100% đối tượng chính sách là người có công với cách mạng được cấp thẻ bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe ở các cơ sở y tế thuận lợi nhất. Các đối tượng chính sách không có điều kiện đi điều dưỡng tập trung đều được cấp kinh phí điều dưỡng tại gia đình chu đáo, thuận lợi.
Được sự hỗ trợ của trung ương, tỉnh Yên Bái đã đầu tư xây dựng Trung tâm Điều dưỡng Người có công tại xã Giới Phiên (thành phố Yên Bái) với tổng kinh phí trên 58 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối quý 3/2015, Trung tâm này chính thức đi vào hoạt động, sẽ góp phần thực hiện tốt hơn việc điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe người có công. Việc thực hiện tốt chính sách người có công của tỉnh Yên Bái còn được thể hiện thông qua kết quả thực hiện Chương trình Tổng rà soát chế độ ưu đãi người có công với cách mạng trong 2 năm 2014 - 2015 theo Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Qua rà soát 9.675 đối tượng của 7 nhóm, chỉ có 13 người hưởng sai, 11 người hưởng chưa đầy đủ; các trường hợp này đến nay đã cơ bản được xử lý, giải quyết.
Bên cạnh thực hiện các chính sách của trung ương, tỉnh Yên Bái đã có nhiều cách làm sáng tạo, đi trước; nhất là việc ban hành chính sách địa phương để hỗ trợ người có công cải thiện, nâng cao đời sống như: từ đầu năm 2012, khi chưa có chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐND phê duyệt Đề án Chính sách hỗ trợ gia đình người có công khó khăn về nhà ở tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 - 2015. Thực hiện Nghị quyết này, cùng với chính sách của trung ương và nguồn vận động, đến nay đã có trên 1.500 gia đình người có công được hỗ trợ làm mới, sửa chữa nhà ở với kinh phí trên 57 tỷ đồng.
Theo kế hoạch đã được phê duyệt, năm 2015 tỉnh tiếp tục hỗ trợ sửa chữa 200 nhà với kinh phí 4 tỷ đồng từ Quỹ đền ơn đáp nghĩa các cấp. Tiếp đó, năm 2013, Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND ngày 19/7/2013 về chính sách hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò cho hộ người có công với cách mạng, có thu nhập thấp giai đoạn 2013 - 2016. Đến nay, đã có 251 hộ được hỗ trợ với kinh phí trên 2.800 triệu đồng và theo kế hoạch năm 2015, tỉnh mở rộng đối tượng, tiếp tục hỗ trợ 592 hộ với kinh phí trên 6.630 triệu đồng.
Trong phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" của tỉnh, việc xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa được chú trọng. Hoạt động này đã được các lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, hăng hái tham gia đóng góp và bình quân mỗi năm cấp tỉnh, huyện thu được trên 2,6 tỷ đồng trở lên. Từ nguồn quỹ này, nguồn ngân sách và hỗ trợ của các nhà hảo tâm, tỉnh đã triển khai được nhiều hoạt động chăm sóc, nâng cao mức sống của người có công và gia đình, đặc biệt là triển khai hỗ trợ làm nhà cho hộ gia đình người có công khó khăn về nhà ở.
Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh thường xuyên làm tốt công tác động viên, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách trong các dịp lễ, tết, Ngày Thương binh liệt sĩ với mức bình quân hàng năm toàn tỉnh chi từ 700 - 800 triệu đồng quà tặng cho các gia đình chính sách. Công tác quản lý, chăm sóc các nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng nhà bia ghi tên liệt sĩ ở các địa phương đã đi vào nề nếp ổn định, thường xuyên phục vụ tốt việc thăm viếng của các cơ quan đoàn thể và nhân dân. Toàn tỉnh đang quản lý 14 nghĩa trang liệt sĩ với 1.637 mộ liệt sĩ; 37 xã phường đã xây dựng được nhà bia ghi tên các liệt sĩ.
Tới nay, trên 40% số công trình ghi công liệt sĩ đã được nâng cấp, cải tạo. Trong phong trào xây dựng các xã phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ, các địa phương đã có nhiều cơ sở nỗ lực phấn đấu, thi đua thực hiện theo 6 chỉ tiêu do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành. Đến nay, toàn tỉnh đã có 165/180 xã phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công, nâng cao mức sống của các gia đình chính sách.
Đạt được những kết quả đó là có sự quan tâm đặc biệt của Đảng, chính quyền, địa phương các cấp, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể, sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của chính các gia đình, bản thân đối tượng chính sách. Nhiều tấm gương điển hình trong thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng đã phấn đấu vượt lên thương tật, bệnh tật và những khó khăn của đời thường để xây dựng kinh tế gia đình ổn định và phát triển, tích cực tham gia công tác xã hội, xứng đáng truyền thống gia đình quân nhân cách mạng.
Các đại biểu người có công và các đồng chí lãnh đạo tỉnh tại Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu năm 2012.
Phát huy những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” những năm qua, trong thời gian tới, công tác chăm sóc người có công tỉnh Yên Bái sẽ tập trung vào một số nội dung:
Một là: Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chế độ chính sách được ban hành gần đây như: Pháp lệnh Ưu đãi người có công sửa đổi; Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” sửa đổi và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện. Đồng thời, tuyên tryền những cá nhân, tập thể làm tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, nêu gương những thương binh, bệnh binh điển hình, các gia đình liệt sĩ vượt khó làm giàu chính đáng. Chú trọng những nhân tố mới, khuyến khích những gương điển hình có truyền thống phấn đấu liên tục nhiều năm.
Hai là: Tập trung xử lý kết quả sau tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng 2 năm 2014 – 2015, trong đó tập trung vào việc hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, xác nhận để được thực hiện chế độ. Phấn đấu trong năm 2015, giải quyết cơ bản hồ sơ tồn đọng.
Ba là: Thực hiện tốt các chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo quy định. Quản lý và thực hiện việc chi trả trợ cấp bảo đảm đúng chính sách quy định hiện hành, không để xảy ra các hiện tượng tiêu cực, làm thất thoát kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Thường xuyên tiến hành kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách ở cơ sở để kịp thời ngăn chặn và uốn nắn những sai sót có thể xảy ra.
Bốn là: Tiếp tục nêu cao vị trí, vai trò của các xã, phường trong việc thực hiện chính sách người có công với cách mạng, đẩy mạnh phong trào chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ ở địa phương. Duy trì và đẩy mạnh việc thực hiện các hoạt động trọng tâm đó là, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà ở cho các gia đình chính sách, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đỡ đầu bố, mẹ liệt sĩ cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, thực hiện các chính sách của tỉnh về làm nhà, hỗ trợ chăn nuôi để ổn định và nâng cao đời sống các gia đình chính sách.
Năm là: Thực hiện tốt công tác thông tin mộ liệt sĩ, triển khai phần mềm ứng dụng kết nối với toàn quốc để tìm kiếm mộ liệt sĩ; thực hiện công tác quy tập mộ, tu bổ, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng nhà bia ghi tên các liệt sĩ, bảo đảm để các công trình được chăm sóc chu đáo, thường xuyên.
Sáu là: Đẩy mạnh giáo dục truyền thống yêu nước và đạo nghĩa "Uống nước nhớ nguồn" trong nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ, làm cho mọi người nhận thức sâu sắc và trân trọng tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ và những người có công với nước, biến nhận thức và tình cảm tốt đẹp đó thành hành động cách mạng thiết thực trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công và trong việc xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.
Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, dưới sự lãnh chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, ngành lao động, thương binh và xã hội tỉnh Yên Bái phối hợp với các địa phương và các sở, ngành liên quan, quyết tâm phấn đấu làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội và phát triển kinh tế, xây dựng quê hương Yên Bái ngày càng giàu mạnh và phát triển.
Phạm Tuấn Chung - Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái
Thông tin cần biết 1. Toàn tỉnh hiện có 5.000 hồ sơ liệt sĩ, trên 4.000 thương binh, 1.300 bệnh binh, 1.300 người hưởng chế độ chất độc hóa học, 13 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 400 cán bộ tiền khởi nghĩa và người có công với nước, 246 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng... 2. Tới nay, trên 40% số công trình ghi công liệt sĩ đã được nâng cấp, cải tạo. Toàn tỉnh đang quản lý 14 nghĩa trang liệt sĩ với 1.637 mộ liệt sĩ; 37 xã, phường đã xây dựng được nhà bia ghi tên các liệt sĩ. 3. Trên 1.500 hộ gia đình người có công được hỗ trợ làm mới, sửa chữa nhà ở với kinh phí trên 57 tỷ đồng theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Đề án Chính sách hỗ trợ hộ gia đình người có công khó khăn về nhà ở tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2012 - 2015. Năm 2015, tỉnh tiếp tục hỗ trợ sửa chữa 200 nhà với kinh phí 4 tỷ đồng từ Quỹ đền ơn đáp nghĩa các cấp. 4. Năm 2015, kinh phí chi trả chế độ ưu đãi ước trên 150 tỷ đồng. 100% đối tượng chính sách là người có công với cách mạng được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Hàng năm, toàn tỉnh chi từ 700 - 800 triệu đồng quà tặng cho các gia đình chính sách. 5. Trung tâm Điều dưỡng người có công tại thành phố Yên Bái, tổng kinh phí trên 58 tỷ đồng được xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng yêu cầu chăm sóc người có công của tỉnh. P.V (Nguồn: Sở LĐ-TB và XH) |
Các tin khác
YBĐT - Theo số liệu thống kê thị xã Nghĩa Lộ có 314 gia đình người có công với cách mạng, trong đó 160 liệt sỹ, 91 thương binh, 30 bệnh binh, 16 người nhiễm chất độc hóa học, 12 cựu thanh niên xung phong.
Tối 23-7, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã công bố kết quả tốt nghiệp năm 2015. Theo đó, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2015: khối THPT đạt 93,42%, khối giáo dục thường xuyên (GDTX) đạt 70,08%, bình quân chung là 91,58%.
YBĐT - Đến thời điểm này, đã có 22/31 đơn vị trong toàn huyện Văn Yên hoàn thành chương trình huấn luyện. Lực lượng vũ trang huyện quyết tâm huấn luyện quân sự đạt 95% đầu mối trở lên, 100% đạt yêu cầu, trong đó 80% đạt khá, giỏi; bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và vũ khí, trang bị.