Cơm công nhân: Vừa ăn vừa lo
- Cập nhật: Thứ năm, 30/7/2015 | 2:49:03 PM
YênBái - YBĐT - Vấn đề ngộ độc thực phẩm (NĐTP) xảy ra trong bếp ăn tập thể (BATT) nói chung và tại các khu công nghiệp nói riêng đang có chiều hướng gia tăng, khiến nhiều người lo lắng bởi có hàng nghìn lao động trong các khu công nghiệp của tỉnh có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe.
Cán bộ y tế chăm sóc công nhân Công ty TNHH Daeseung Global bị ngộ độc thực phẩm.
|
Công nhân lo nơm nớp
Yên Bái hiện có 5 khu công nghiệp, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Để bảo đảm thời gian làm việc và công nhân được nghỉ trưa, nhiều công ty đã tổ chức nấu ăn cho công nhân. Một số công ty tự tổ chức nấu, một số khoán, ký hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn. Tuy nhiên, nhiều đơn vị, doanh nghiệp cung cấp suất ăn không thực hiện đúng quy định, khiến số vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) có chiều hướng gia tăng.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Lương Quốc Dũng cho biết: “Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có cơ sở vi phạm về ATVSTP như: Không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP; điều kiện vệ sinh khu chế biến, nhà ăn, phòng ăn không đạt tiêu chuẩn; vi phạm về ATVSTP đối với trang thiết bị, dụng cụ chứa, đựng thực phẩm; sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc”.
Theo thống kê của Chi cục ATVSTP, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ NĐTP làm 181 người mắc, trong đó, 1 người tử vong. Trong các vụ ngộ độc, riêng BATT đã có 3 vụ, làm 157 người mắc, phải cấp cứu. Nguyên nhân của 3 vụ ngộ độc nêu trên chủ yếu do thực phẩm còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng BATT và các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn tại các công ty ngày càng tăng, chứa đựng nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người lao động là do một bộ phận lớn các cơ sở có nhu cầu chấp nhận sử dụng thực phẩm giá rẻ. Nguồn nguyên liệu cung cấp cho BATT rất đa dạng, khó kiểm soát, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn không ngừng gia tăng nhưng nhiều cơ sở quy mô nhỏ, điều kiện thủ công, khó kiểm soát về: phương tiện, dụng cụ chế biến, bảo quản, thời gian vận chuyển...
Trong khi đó, trách nhiệm bảo đảm ATVSTP của các cấp chính quyền địa phương, ban quản lý các khu công nghiệp, công ty sử dụng dịch vụ ăn uống chưa cao. Chủ các doanh nghiệp còn “khoán” công tác bảo đảm ATVSTP cho nhà thầu cung cấp thức ăn. Một bất cập hiện nay, nếu kiểm tra, thanh tra đối với các doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp thì phải thông báo trước cho ban quản lý và phải được sự chấp thuận của lãnh đạo công ty. Như vậy, việc thanh tra, kiểm tra đột xuất tại bếp ăn gặp khó khăn. Cơ quan chức năng chỉ phát hiện vi phạm của doanh nghiệp cung cấp bữa ăn sau khi xảy ra NĐTP.
Đơn cử như vụ ngộ độc tại Công ty TNHH Daeseung Global (xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình). Khoảng 18 giờ, ngày 19/6, trên 450 công nhân ăn tối tại BATT của Công ty. Khoảng 30 phút sau, hàng chục công nhân có biểu hiện bị NĐTP với các triệu chứng buồn nôn, đau bụng và đau đầu, nhiều trường hợp nặng bị khó thở, ngất và nôn tại chỗ. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Công ty đã sắp xếp phương tiện đưa các nạn nhân đi cấp cứu, những trường hợp nhẹ được nghỉ ngơi tại chỗ. Sau khi tiếp nhận các ca NĐTP, kíp trực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình đã tiến hành sơ cứu ban đầu, phân loại và bố trí phòng điều trị cho các bệnh nhân.
Từ nguồn thức ăn lưu tại bếp ăn của Công ty, Chi cục ATVSTP đã tìm thấy hóa chất bảo vệ thực vật trong quả mướp đắng dùng chế biến món trứng xào mướp đắng. Đây chính là "thủ phạm" gây ra ngộ độc. Được biết, cuối tháng 12/2014, Công ty cũng để xảy ra vụ NĐTP khiến hơn 50 công nhân phải đi cấp cứu. Để xảy ra liên tiếp 2 vụ NĐTP nhưng thật đáng tiếc, Công ty TNHH Daeseung Global với nhiều lý do đã không cung cấp cho phóng viên nguyên nhân cũng như bài học rút ra từ những vụ việc trên. Điều đáng lưu ý là những vụ NĐTP tại các khu công nghiệp có mức độ nguy hiểm rất lớn vì số trường hợp mắc rất nhiều, thường con số người bị ngộ độc lên tới hàng chục, thậm chí cả trăm.Vì vậy, vấn đề ATVSTP tại các khu công nghiệp nếu không được giải quyết sớm thì những người công nhân hàng ngày vẫn nơm nớp nỗi lo trong từng bữa ăn.
Cần giải pháp đồng bộ
ATVSTP tại các bếp ăn công nhân rất quan trọng trong cải thiện sức khỏe, tái sản xuất sức lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động. Theo ông Lương Quốc Dũng, công tác bảo đảm ATVSTP đối với BATT cần tiếp tục thực hiện theo nguyên tắc đã quy định tại Luật An toàn thực phẩm. Vì vậy, cần đẩy mạnh việc quản lý của lực lượng liên ngành; huy động sự tham gia của các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về ATVSTP, phòng, chống ngộ độc tại BATT; yêu cầu các doanh nghiệp chịu trách nhiệm bảo đảm ATVSTP cho đơn vị, ký cam kết giữa doanh nghiệp với y tế địa phương, thực hiện triệt để quy trình, kỹ thuật và nội dung kiểm thực ba bước (nhập thực phẩm; trước khi nấu, chế biến; trước khi ăn).
Các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra BATT, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm; đình chỉ hoạt động, xử lý nghiêm các vi phạm đối với các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, cơ sở tổ chức nấu ăn, ưu tiên giám sát; xây dựng phương án điều tra, xử lý, khắc phục, nhằm phát hiện sớm vụ ngộ độc lớn tại BATT; nghiên cứu và áp dụng những mô hình quản lý, mô hình kiểm soát ATVSTP trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, BATT theo hướng bền vững, tiên tiến, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội. Các cơ quan chức năng cần có cơ chế phối hợp trong kiểm soát ATVSTP tại các nhà ăn trong khu công nghiệp, giải quyết tận gốc những bất cập trong thanh, kiểm tra ATVSTP.
Thu Hiền
Các tin khác
Sáng 30/7, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam đã tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên gia về việc sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên 2005.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố thống kê lũy kế kết quả các tổ hợp môn thi của khối thi truyền thống (A, A1, B, C, D) trong đợt thi THPT quốc gia 2015 vừa qua.
YBĐT - “Tình trạng hợp đồng lao động diễn ra hầu khắp các cơ quan, đơn vị sau khi Quyết định số 13/2009/QĐ-UBND tỉnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực. Chất lượng viên chức được tuyển dụng ở nhiều cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu; việc thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị bộc lộ nhiều bất cập” - Giám đốc Sở Nội vụ, ông Hoàng Văn Thuyên đánh giá như vậy.
YBĐT -Vụ sạt lở không gây thiệt hại về người nhưng với khối lượng đất sạt lớn, khoảng 30.000m3, đã làm 5 gian nhà cấp 4 lợp tôn trong đó có 4 bể cá đẻ, cá ấp, bể áp lực… của Trại Giống thủy sản Yên Bình bị vùi lấp hoàn toàn.