Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo
- Cập nhật: Thứ năm, 13/8/2015 | 3:27:28 PM
YênBái - YBĐT - Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy-HĐND-UBND tỉnh, trong những năm qua, ngành giáo dục - đào tạo Yên Bái vượt qua nhiều khó khăn, thách thức cùng cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc đưa sự nghiệp giáo dục đào tạo phát triển đi lên, đạt nhiều thành tựu quan trọng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập, việc làm của xã hội, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công cuộc xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương ...
Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy ở Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (thành phố Yên Bái).
|
Phát trển quy mô, tăng cường cơ sở vật chất
Tới nay, Yên Bái đã có 587 cơ sở giáo dục và dạy nghề. Trong đó, giáo dục mầm non và phổ thông có 567 trường, 6.590 lớp, nhóm lớp, trên 186.780 cháu mầm non, học sinh (so với năm 2010 tăng 13 trường, 270 nhóm lớp, 19.085 học sinh); giáo dục thường xuyên có 11 trung tâm, quy mô trên 20.980 học viên, 100% số xã có trung tâm học tập cộng đồng (so với năm 2010, tăng 8 trung tâm và 135.460 lượt người tham gia học tập).
Cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư từ nguồn ngân sách của tỉnh, chương trình mục tiêu quốc gia, Đề án Kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, các chương trình, dự án do nước ngoài tài trợ và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Năm học 2014 - 2015, tỷ lệ phòng học kiên cố toàn tỉnh đạt 69%, tăng 1.491 phòng học so với năm 2010. Các nguồn lực được huy động cũng đầu tư có trọng điểm xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Toàn tỉnh đã có 178 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 31% tổng số trường mầm non và phổ thông, tăng 12% với 73 trường so với năm 2010.
Ngành giáo dục - đào tạo đã quan tâm đầu tư thiết bị dạy học, triển khai dự án đầu tư thiết bị nhằm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015; củng cố và tăng cường cơ sở vật chất Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành và các hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, dân tộc bán trú.
Xây dựng đội ngũ, nâng cao chất lượng
Ngành đã chủ động rà soát, đánh giá, bố trí sắp xếp lại đội ngũ. UBND tỉnh đã giao kế hoạch về quy mô trường lớp, biên chế cho các địa phương; bổ sung chỉ tiêu biên chế theo hướng giảm sự chênh lệch về biên chế giữa các huyện, thị trong tỉnh; ưu tiên cho vùng đặc biệt khó khăn, ngành học mầm non, các trường phổ thông dân tộc bán trú (DTBT), dân tộc nội trú (DTNT)... 5 năm qua, tỉnh đã bổ sung gần 3.000 biên chế, tỷ lệ biên chế năm 2014 đạt 91%, tăng 12,5%. Chất lượng đội ngũ được nâng lên, toàn tỉnh có 395 người đã và đang tham gia đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ; tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn trở lên đạt trên 99%.
Quy mô, mạng lưới trường lớp, đội ngũ được quan tâm, đã làm cho các chỉ số về phát triển giáo dục của tỉnh tiếp tục được nâng lên, đạt mức khá so với khu vực và trung bình so với quốc gia. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng bậc học mầm non giảm trên 5%, tỷ lệ học sinh phổ thông học lực khá giỏi tăng từ 5 đến 20%, loại yếu kém giảm từ 2 đến 7% ở các cấp học. Tỷ lệ học sinh hoàn thành khóa học tăng 9,2%, học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng đạt 35,1%, tăng 7,7% so với năm 2010. Yên Bái luôn có học sinh đạt thủ khoa các trường đại học lớn trong nước. Số lượng học sinh giỏi đạt giải các kỳ thi quốc gia hàng năm xếp vị trí thứ 5, thứ 6 so với 15 tỉnh vùng I. Năm học 2014 - 2015, tỉnh đã có học sinh đạt giải Khuyến khích quốc tế (khu vực Châu Á -Thái Bình Dương).
Chú trọng giáo dục dân tộc
Thực hiện Nghị quyết số 22/2009/NQ-HĐND tỉnh về xây dựng trường PTDTBT giai đoạn 2010 - 2015, Yên Bái đã phát triển với quy mô 43 trường và 55 trường có học sinh bán trú với trên 13.870 học sinh hưởng chính sách hỗ trợ. Tỉnh cũng duy trì 9 trường PTDTNT, so với năm 2010, học sinh DTNT tăng 33%. Ngành giáo dục - đào tạo và các địa phương phối hợp tổ chức rà soát, sắp xếp quy mô; bảo đảm số học sinh/lớp hợp lý, phù hợp với điều kiện địa phương; bố trí đủ giáo viên, ưu tiên cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi và các trường PTDTBT; tập trung bồi dưỡng đội ngũ, ưu tiên cho đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn cho cán bộ quản lý, giáo viên.
Các phòng giáo dục - đào tạo phối hợp với các xã, thị trấn chuẩn bị các điều kiện huy động tối đa các em học sinh ra lớp, đặc biệt là trẻ 5 tuổi ra lớp mẫu giáo và trẻ 6 tuổi vào lớp 1; tăng cường công tác xã hội hóa, huy động các lực lượng xã hội phối hợp cùng với các cơ sở giáo dục hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập, các trang thiết bị cho học sinh. Các địa phương, trường học giải quyết kịp thời chế độ chính sách cho học sinh nội trú, bán trú; tăng cường các giải pháp trong việc chống bỏ học ở vùng khó khăn.
Cơ sở vật chất trường lớp học ở vùng đồng bào dân tộc Mông đã đáp ứng yêu cầu dạy và học.
Hướng tới bền vững, đạt chuẩn, từng bước hiện đại
Năm học 2015 - 2016, tỉnh Yên Bái tiếp tục điều chỉnh Quy hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo tỉnh Yên Bái đảm bảo cân đối, hợp lý giữa quy mô và cơ cấu; giữa các loại hình, giữa các vùng miền và giữa các cấp học. Ngành giáo dục - đào tạo tập trung triển khai xây dựng các điểm trường mầm non tại các thôn, bản có quy mô hợp lý để bảo đảm mục tiêu PCGDMN; xây dựng Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, phát triển hệ thống trường tiểu học, THCS, THPT trọng điểm, chất lượng cao nhằm tập trung các nguồn lực đầu tư cho chất lượng giáo dục mũi nhọn của địa phương.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đổi mới các yếu tố cơ bản của giáo dục - đào tạo theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học; chuẩn bị tốt các điều kiện để đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác thi và đánh giá chất lượng giáo dục; đổi tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục; coi trọng quản lý chất lượng. Giáo dục dân tộc thực hiện tốt các chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, con em các gia đình chính sách, học sinh khuyết tật gắn với ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông DTNT, DTBT.
Công tác xây dựng và phát triển đội ngũ tiếp tục tổ chức, triển khai đánh giá, xếp loại nhà giáo, cán bộ quản lý theo chuẩn nghề nghiệp gắn với công tác công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Từng bước bố trí giáo viên các cấp học, cơ sở giáo dục đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, đồng bộ về cơ cấu bộ môn theo quy định, đặc biệt đối với các trường PTDTNT, PTDTBT, các trường đạt chuẩn quốc gia. Ngành cũng triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án đầu tư; nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp học theo hướng kiên cố, bảo đảm đủ các phòng học, phòng chức năng, hoàn thiện hệ thống trường lớp tại các địa bàn theo chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, thiết bị dạy học ngoại ngữ cho các trường phổ thông. Đầu tư xây dựng trường THPT chuyên, các trường trong lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đầu tư xây dựng và trang thiết bị hiện đại cho các trường đạt chuẩn quốc gia, trường PTDTNT bảo đảm có cơ sở vật chất, thiết bị, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong học sinh THPT, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục, nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Q.K
Các tin khác
YBĐT – Sáng 13/8, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức Lễ khánh thành cầu Khe Chè thuộc Đề án xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số (giai đoạn 2) tại thôn Khe Chè, xã Y Can, huyện Trấn Yên.
YBĐT - Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thị ủy Nghĩa Lộ, Đảng ủy Công an tỉnh, những năm qua, Công an thị xã Nghĩa Lộ đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; chủ động nắm tình hình, tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề phức tạp, góp phần bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn dân cư.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết sẽ tiếp thu những góp ý của dư luận để điều chỉnh cho hợp lý trong kỳ thi THPT quốc gia 2016.
YBĐT - Ngày 13/8, Bưu điện tỉnh Yên Bái, Viễn thông Yên Bái, Mobifone Yên Bái tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành bưu điện Việt Nam (15/8/1945 - 15/8/2015).