Long nhãn mùa xưa

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/9/2015 | 1:31:18 PM

YênBái - YBĐT - Chợt thằng bạn thuở thiếu thời thả chút lãng đãng trên facebook: "Qua Thái Lão, bất chợt đâu đó nồng nồng mùi long nhãn sấy". Chỉ bấy nhiêu thôi mà bất giác nồng nàn bao cảm xúc gọi về những mùa long nhãn tuổi thơ.

Nao lòng nhớ những mùa long nhãn tuổi thơ mỗi mùa nhãn đơm bông, đậu quả.
Nao lòng nhớ những mùa long nhãn tuổi thơ mỗi mùa nhãn đơm bông, đậu quả.

Những ngày hè, không trường lớp, không sách vở, cũng không có cánh diều nào vi vút tầng không, chỉ có mùi nhãn sấy bao mùa tuổi thơ của chị em chúng tôi, của thằng Quân, cái Hương, Thằng Mạnh - những đứa bạn trang lứa xóm nhỏ ngày nào. Khéo thay mùa nhãn đơm hoa, đậu quả vừa dịp hè sang, rồi lại đâu sinh ra cái nghề làm long nhãn, cho tuổi thơ một thời vấn vít những mùa long, bận rộn hơn cả những buổi cắp sách tới trường. Chẳng bao giờ có lại nữa những ngày hè bắt đầu từ sớm tinh mơ, mấy chị em í ới gọi nhau khi mắt còn cay xè rồi lục tục những rổ, giá, ghế vác theo kéo đến nhà chủ làm long. Có hôm mải ngủ, đi muộn hơn một chút là mất chỗ ngồi "đẹp" - chỉ là một chỗ ngồi có thể tựa lưng, trước tường nhà chẳng hạn, hay bên một gốc cây để khi nắng ban trưa lên rực rỡ, chói chang thì vẫn đủ râm mát yên tâm cặm cụi với từng quả nhãn, cánh long. Người ta trả công bóc long theo từng cân nhãn qua sấy. Có đứa bóc rất giỏi, một ngày hơn nhau đến mấy cân. Ừ thì cũng có người thành "chuyên nghiệp",  đôi tay cứ thoăn thoắt hết quả này đến quả khác, rổ nhãn chẳng mấy lúc đã vơi, rồi hết, lại đi cân mẻ mới nhưng xét ra, kiên trì, cần mẫn vẫn là điều cốt lõi trong công việc này, cũng là điều học được từ những ngày xưa ấy.

Chẳng biết thằng Mạnh, cái Hương bây giờ còn nhớ những mùa long nhãn cũ, nhớ chuyện chúng là hai đứa lười nhất hội, uể oải nhất hội, lúc nào cũng "ít cân" nhất hội, nhắt cái chúng lại ngơi tay, rồi cuối buổi lại tị nạnh sao mọi người bóc nhanh thế, ăn gian gì chăng? Cũng có đứa ăn gian đấy.

Thằng Quân bây giờ còn nhớ chuyện vùi được ít nhãn chưa bóc xuống dưới đống vỏ thì bị ông Vương chủ long bắt được không nhỉ? Ông Vương có tiếng dữ dằn, dọa thằng bé một trận ra trò, hôm sau không cả dám đến nữa. Thế mà cũng học được bài học thành thật trong công việc từ tuổi thơ. Làm ăn gian dối thì nhẹ tay chân được tí mà chả bõ bù nhọc trong tâm. Phải chăng từ bài học tuổi thơ giữa mùa long nhãn ấy mà thằng Quân bây giờ thành ông chủ doanh nghiệp lớn uy tín có tiếng trên thương trường?

Những mùa long nhãn cũ, không nhớ bao nhiêu cân, bao nhiêu vạn quả nhãn sấy đã qua đôi bàn tay nhỏ bé, chỉ vẫn còn nhớ lắm cái cảm giác những ngón tay ê ẩm vì cường độ làm việc quá nhiều, tấm lưng ta cũng rã rời mỏi vì ngồi gò bó cả ngày không ngơi nghỉ. Có lẽ đội quân bóc nhãn thuê chúng tôi ngày ấy ngán nhất là những mẻ nhãn thóc, nhãn nước, quả nhỏ li ti, cái long mỏng tang, bám chặt ngoài hột, cào mãi mới nổi một quả. Công trả cho những cân nhãn đó cao hơn những mẻ nhãn quả to nhưng chúng thật sự khó "nhằn", bóc hoài mà rổ nhãn chẳng vơi đi là bao.

Đã xa lắm rồi bao mùa long nhãn cũ mà cái mùi nồng nồng ấy vẫn còn rõ lắm. Hăng hắc từ vỏ quả nhãn tươi bị hun khói đến khô, quyện trong ngai ngái mùi khói đốt lò, phả ra trong nồng nực nắng hè. Cái thứ mùi đó, thật ra hồi ấy chẳng đứa nào thích nổi. Cả ngày cặm cụi với từng quả nhãn, lại hít thở không khí đậm nồng ấy khiến lũ chúng tôi nhiều hôm như thể "say" long nhãn, tối về mệt phờ, váng vất cả đầu óc. Thế mà chả đứa nào muốn bỏ buổi bóc long nào, vì tiếc những đồng bạc lẻ có thể kiếm được hôm đó. Ngày đó, chỉ vài trăm đồng đến một nghìn, hai nghìn tiền công bóc long cho một cân nhãn sấy - chả nhiều nhặn gì nhưng năng nhặt chặt bị. Lũ chúng tôi thường chả lấy tiền công ngay trong ngày mà thích gom lại thành đợt. Cái cảm giác cầm những đồng tiền từ công sức bao ngày bỏ ra với từng cánh long, tận hưởng thành quả từ sức lao động nhỏ bé của mình đủ để làm nên niềm vui lớn trong kí ức tuổi thơ. Lũ chúng tôi vì thế mà cũng trân trọng hơn những đồng tiền của bao ngày vất vả, thấu hiểu hơn đồng tiền mẹ cha bươn chải mưu sinh nuôi mình khôn lớn. Có đứa cũng gom góp được một khoản kha khá mỗi mùa long, để rồi mua ít sách vở cho năm học mới, những mong cho ba mẹ vơi bớt nhọc nhằn. Bài học về giá trị của sức lao động thế mà đã vô tình học được từ tuổi thơ như thế.

Bao mùa tuổi thơ đi qua trong nồng nồng mùi long nhãn sấy. Rồi chẳng hiểu sao nghề làm long nhãn vãn dần đến khi hết hẳn như bây giờ. Lũ chúng tôi cũng qua rồi bao ngày thơ dại. Chị em tôi phương trưởng, bọn thằng Mạnh, cái Hương, thằng Quân giờ mỗi đứa mỗi nơi… Có còn ai chợt nao nao bao mùa long nhãn xưa cũ khi bất chợt gặp những ngày nhãn đơm bông, đậu quả?

 Hạnh Quyên

Các tin khác

YBĐT - Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Yên Bình (Yên Bái) luôn chú trọng cải cách thủ tục hành chính, trong đó, giao dịch hồ sơ điện tử (GDHSĐT) được coi là bước đột phá, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, rút ngắn thời gian giải quyết chế độ chính sách, tiết kiệm chi phí cho các đơn vị sử dụng lao động.

Ảnh minh họa.

Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD&ĐT) đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo về mức trần học phí mới các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn từ 2015 - 2016 đến 2020- 2021.

Công an huyện Lục Yên rà soát hồ sơ đối tượng nghiện ma túy tại xã Liễu Đô.

YBĐT - Lục Yên tuy không phải điểm nóng về ma túy, song tình trạng sử dụng, tàng trữ, buôn bán trái phép ma túy với số lượng nhỏ lẻ vẫn xảy ra. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Mông Vĩnh Thọ - Đội phó Đội Cảnh sát điều tra tội phạm huyện Lục Yên cho biết: “Lục Yên hiện có 93 người nghiện ma túy. Đây không phải là địa bàn trọng điểm, các loại tội phạm liên quan không hình thành đường dây phức tạp. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà công tác đấu tranh với tội phạm ma túy lơi lỏng”.

Ảnh minh họa.

Ngày 24/9, tại Hà Nội, Cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức gặp gỡ báo chí thông báo định hướng chiến lược về phát triển bền vững sẽ được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc tại New York (Hoa Kỳ) từ ngày 24-28/9/2015.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục