Chủ động phòng, chống dịch bệnh trong trường học
- Cập nhật: Thứ tư, 14/10/2015 | 10:26:27 AM
YênBái - YBĐT -Trường học là nơi tập trung đông học sinh và thời điểm đầu tháng 10 trở đi cũng là lúc thời tiết giao mùa nên nhiều dịch bệnh có thể phát sinh ở các trường học, nhất là lứa tuổi mầm non có sức đề kháng kém.
Các em học sinh thường xuyên được dạy cách rửa tay trước khi ăn.
|
Đầu tháng 8/2015 trở lại đây, một số bệnh truyền nhiễm gây dịch ở Yên Bái tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái như: bệnh đau mắt đỏ do adeno vi rút, quai bị… Đặc biệt, thời điểm giao mùa (cuối tháng 8, đầu tháng 9) vừa qua đã phát hiện ổ dịch cúm A/H3N2 tại Trường Phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu với 30 học sinh mặc bệnh; ổ dịch đau mắt đỏ do adeno vi rút tại Trường PTDT bán trú THCS Khao Mang, huyện Mù Cang Chải có trên 10 trẻ mắc.
Dự báo trong thời gian tới, một số bệnh truyền nhiễm có nguy cơ tăng cao, đặc biệt là bệnh tay - chân - miệng, cúm mùa, tiêu chảy, thủy đậu… Trước nguy cơ dịch bệnh phát sinh và lây lan nhanh chóng, bác sỹ Nguyễn Trọng Phú - Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Trước khi năm học mới bắt đầu, chúng tôi đã phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trong trường học. Mặt khác, chúng tôi chỉ đạo các trung tâm y tế huyện, có biện pháp cụ thể, tăng cường giám sát dịch bệnh tại trường học; phối hợp với mạng lưới y tế trường học tăng cường giám sát tình hình học sinh nghỉ học do bị ốm; khám sức khỏe định kỳ cho học sinh theo quy định; theo dõi, xác minh và báo cáo kịp thời các trường hợp mắc hoặc nghi mắc các bệnh truyền nhiễm theo quy định; đồng thời tổ chức khám, cách ly, điều trị kịp thời, không để dịch bệnh lây lan rộng”.
Nhờ triển khai đồng loạt các giải pháp, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị nhà trường, đến nay, 100% trường học đã triển khai làm vệ sinh môi trường xung quanh lớp học, sân trường. Ðồ dùng học tập, đồ chơi, nhà vệ sinh, vòi rửa tay, hệ thống nước sạch... đều được kiểm tra, tẩy rửa, khử trùng. Ðối với các trường mầm non, luôn bảo đảm chế độ dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, chủ động phát hiện trẻ, học sinh có dấu hiệu mắc bệnh và cách ly kịp thời.
Cô giáo Đặng Thị Lan Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng, thị trấn Yên Bình chia sẻ: “Năm học 2015 - 2016, toàn trường có 573 em/18 lớp, 100% học 2 buổi/ngày. Ðầu năm học, nhà trường cho dọn dẹp vệ sinh xung quanh trường cũng như nhà vệ sinh, phát quang bụi rậm; phối hợp với trạm y tế thị trấn phun thuốc tiêu độc khử trùng. Bên cạnh đó, nhà trường xây hệ thống bồn nước rửa tay và dạy học sinh cách rửa tay khi vào lớp; giáo dục về an toàn thực phẩm; củng cố ban y tế nhà trường, có cán bộ y tế chăm sóc và thiết lập tủ thuốc y tế học đường, bảo đảm chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho học sinh toàn trường”.
Đối với hệ thống các trường mầm non, giáo viên thường xuyên lau rửa đồ dùng, đồ chơi, vệ sinh lớp nhằm bảo đảm môi trường thoáng mát, sạch sẽ cho trẻ vui chơi. Đồng thời, trung tâm y tế các địa phương đã tổ chức các hoạt động tiêu độc khử trùng đồ chơi, phòng lớp học và khuôn viên nhà trường bằng Cloramin B. Các cháu đến lớp đều được cô giáo, cán bộ y tế học đường hướng dẫn, giúp đỡ thực hiện việc tự vệ sinh cá nhân, nhắc nhở và hướng dẫn cách rửa tay 6 bước với xà phòng để phòng dịch bệnh, rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh…
Cô giáo Võ Thị Liên - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Lan, thành phố Yên Bái cho biết: “Nhà trường luôn xác định phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng để cho trẻ phát triển toàn diện nhất. Bởi vậy, những năm gần đây, nhà trường tuy không có dịch bệnh xảy ra, nhưng không vì thế mà chủ quan, lơ là. Bước vào năm học mới, Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo cán bộ y tế phòng chống dịch bệnh sởi, tay - chân - miệng… Mặt khác, tổ chức tập huấn cho toàn thể giáo viên cách phòng, chống, đối phó khi có dịch bệnh xảy ra. Với phương châm phòng hơn chống, nên chúng tôi có nội quy nghiêm ngặt như: đối với giáo viên phải thường xuyên tẩy rửa đồ dùng, đồ chơi; hàng tuần vệ sinh các lớp học; khi tiếp nhận trẻ vào lớp, lưu ý những triệu chứng để kịp thời báo cáo với cán bộ y tế; dụng cụ ăn của trẻ phải luộc qua nước sôi 2 lần/tuần...”.
Tuy nhiên, để năm học 2015 - 2016 không phát sinh dịch bệnh, công tác phòng, chống các loại dịch bệnh còn rất cần đến sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế với gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Sự phối hợp tốt sẽ góp phần quan trọng trong chủ động phòng, chống bệnh để phát hiện, xử lý, điều trị các trường hợp bệnh kịp thời, không để lây lan thành dịch bệnh trong trường học và cộng đồng, ảnh hưởng đến sức khoẻ mọi người.
Trần Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Giai đoạn 2011-2015, kết quả về lĩnh vực dân số đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội và công cuộc xóa đói giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Yên Bái. Ông Lương Kim Đức - Chi cục trưởng Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh đã có những nhận định, đánh giá cơ bản với phóng viên Báo Yên Bái xung quanh kết quả này.
YBĐT - Bệnh nhân là anh Hờ A Sử, 27 tuổi, dân tộc Mông ở xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải không rõ lý do gì đã uống nhiều thuốc trừ sâu loại phospho hữu cơ (BASSA) để tự tử.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, 5 năm qua toàn tỉnh Yên Bái giải quyết việc làm cho 88.662 lao động. Trong đó, xuất khẩu lao động trên 3.500 người, cung ứng lao động đi làm việc tỉnh ngoài là gần 20.000 người, 57.447 lao động khác.
YBĐT - Bây giờ đến Phúc An (Yên Bình) đám cưới của đồng bào không còn thủ tục rườm rà mà thách cưới đơn giản, tổ chức cưới, ăn uống gói gọn trong một ngày.