Phúc An từng bước đẩy lùi hủ tục

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/10/2015 | 10:07:43 AM

YênBái - YBĐT - Bây giờ đến Phúc An (Yên Bình) đám cưới của đồng bào không còn thủ tục rườm rà mà thách cưới đơn giản, tổ chức cưới, ăn uống gói gọn trong một ngày.

Chị Lục Thị Hợp, thôn Đồng Tha, xã Phúc An luôn quan tâm, động viên con gái cố gắng, vươn lên trong học tập.
Chị Lục Thị Hợp, thôn Đồng Tha, xã Phúc An luôn quan tâm, động viên con gái cố gắng, vươn lên trong học tập.

“Con gái học nhiều làm gì? Nuôi lớn đến tuổi lấy chồng là xong…” - cách nghĩ ấy lâu nay vẫn luôn trong tiềm thức của đồng bào dân tộc Dao, xã Phúc An, huyện Yên Bình. Không chỉ vậy, trước đây đồng bào dân tộc Dao nơi đây còn có nhiều hủ tục khác như: tổ chức ma chay, cưới hỏi linh đình, dài ngày, chữa bệnh bằng cúng bái, sinh nhiều con… Nhờ phát huy tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đồng bào dân tộc thiểu số, những năm gần đây, các hủ tục đã dần được đẩy lùi, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Dao được cải thiện đáng kể.

Được cán bộ văn hóa xã giới thiệu, tôi tìm đến nhà ông Hoàng Văn Thông ở thôn Đồng Tha, có tới 6 cô con gái trong số 7 người con. Như đã “ăn” sâu vào tiềm thức, việc các con có học hay không, vợ chồng ông Thông chẳng mấy quan tâm. Con gái ông Thông là chị Hoàng Thị Nhi, đang học Đại học Sư phạm hệ vừa học vừa làm là người duy nhất đi theo “con đường học hành”.

Chị Nhi cho biết: “Ở nhà, bố mẹ chẳng bao giờ nghĩ đến việc để chị em chúng tôi học hành đến nơi đến chốn. Các chị và các em trong nhà cứ đến tuổi là đi lấy chồng, ở nhà làm nông. Vì muốn không chỉ bố mẹ, các chị, các em mà cả bà con, đồng dào dân tộc Dao trong xã thay đổi nhận thức tôi đã một mình cố gắng theo học, có việc làm, khẳng định bản thân như bây giờ”.

Không chỉ không quan tâm việc học hành của con gái, cũng theo tập quán địa phương, đám cưới của người Dao ở đây thường được tổ chức rất linh đình, kéo dài từ ba đến bốn ngày. Tổ chức cưới hỏi với nhiều sính lễ, thủ tục khá rườm rà, sau khi thành vợ chồng, người con trai bắt buộc phải ở rể ít nhất 3 năm, sau đó về nhà bố mẹ đẻ ở 3 năm rồi mới được ra ở riêng…

Thế nhưng, đó đã là câu chuyện của những năm trước, bây giờ đến Phúc An đám cưới của đồng bào không còn thủ tục rườm rà mà thách cưới đơn giản, tổ chức cưới, ăn uống gói gọn trong một ngày. Anh Nguyễn Văn Sĩ - Trưởng thôn Đồng Tha cho biết: “Tục cưới hỏi tuy trước đây có nhiều bất cập, nhưng không thể phủ nhận, đây cũng là một nét đẹp văn hóa đặc trưng, không thể xóa bỏ. Nay các thủ tục đã được thay đổi để thuận tiện, phù hợp với thực tế. Thời gian tổ chức cưới rút ngắn, tiết kiệm và văn minh, sau khi lấy nhau, nhiều cặp vợ chồng được sống tự lập từ sớm”.

Bên cạnh đó, việc học hành của con gái cũng đã khác. Chị Lục Thị Hợp ở thôn Đồng Tha chia sẻ: “Thời ông bà ngày xưa có ai để ý gì đến việc học hành đâu. Giờ đến đời mình, con mình không thể như thế được nữa. Con gái học lên cấp ba, ở xa nhà, tôi phải thường xuyên động viên cháu, chứ lâu lâu nó lại kêu nhớ nhà đòi về không học nữa thì dở lắm. Học hết lớp 12, cháu còn phấn đấu thi đỗ đại học. Thấy con quyết tâm, có vất vả mấy, khó khăn mấy tôi cũng sẽ cố gắng”.

Không ít những phong tục, tập quán của đồng bào là hủ tục lạc hậu đã và đang tồn tại từ thế hệ này qua thế hệ khác. Việc làm thế nào để nhận diện những hủ tục lạc hậu cần loại bỏ là việc khó có thể làm trong “ngày một ngày hai”.

Ông Nguyễn Minh Việt - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phúc An khẳng định: “Đây là việc làm cần chung tay, chung sức và trách nhiệm, quyết tâm cao của các cấp, các ngành cùng với sự linh hoạt, đổi mới về phương pháp, cách thức cho phù hợp với mỗi dân tộc, vùng miền. Sự thay đổi lớn nhất, quan trọng nhất của đồng bào Dao ở Phúc An là: bà con đã dần xóa bỏ suy nghĩ sinh càng nhiều con càng tốt (năm 2005, toàn xã có tới 30 cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên, đến nay, chỉ còn 4 cặp), nhiều gia đình đã thực hiện thay đổi địa điểm mai táng từ đỉnh núi, đỉnh đồi xuống khu nghĩa trang; mạnh dạn đầu tư xây dựng và khai thác du lịch cộng đồng; không còn chăn nuôi dưới gầm nhà sàn…”.

Dẫu biết, xóa bỏ hủ tục lạc hậu đối với đồng bào dân tộc Dao tại xã Phúc An là cần thiết, nhưng xóa bỏ hủ tục phải làm đúng cách, ứng xử mang tính văn hóa, phổ cập, đồng bộ và kiên trì. Những năm qua, nhờ có chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước, kinh tế - xã hội phát triển, trình độ dân trí cải thiện đáng kể, các hủ tục lạc hậu đã và đang từng bước được đẩy lùi, mang đến diện mạo mới tốt đẹp hơn cho vùng đất còn nhiều khó khăn này.

 Mai Linh

Các tin khác

Ngày 13-10, thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương và Đài khí tượng Nhật Bản cho biết, hiện ở ngoài khơi thuộc phía Đông Philippines vừa xuất hiện hai vùng áp thấp nhiệt đới, có hướng di chuyển chủ yếu theo Tây Tây Bắc và Tây, mỗi giờ đi được 15-25km.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, việc thay đổi cách tiếp cận đo lường nghèo đơn chiều sang đa chiều rất cần có sự rà soát các chính sách.

Tập huấn kỹ thuật thâm canh chè cho hội viên nông dân xã Thượng Bằng La (Văn Chấn). Ảnh: MQ

YBĐT - Đến nay, Hội nông dân huyện Văn Chấn có gần 25.000 hội viên sinh hoạt tại 31 cơ sở hội và 375 chi hội cơ sở, đạt 82,5% so với hộ nông nghiệp trên toàn huyện.

YBĐT - Kết quả trong 9 tháng đầu năm 2015, huyện đã tuyển sinh và mở 29 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 910 lao động, đạt 75,83% kế hoạch năm. Ngành nghề chủ yếu được đào tạo là sản xuất nông – lâm - nghiệp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục