Cú ngã, sợi chỉ và một cuộc đời

  • Cập nhật: Thứ ba, 20/10/2015 | 4:40:22 PM

YBĐT - Bỗng dưng bất trắc cuộc sống bất ngờ ập tới, đối diện, đương đầu và vượt qua thế nào tùy vào mỗi người. Tôi cảm phục nghị lực mạnh mẽ ở một con người bình thường, hết sức bình thường và câu chuyện đời bất ngờ khốn khó của ông. Ông là Phan Đức Toản, ở khu 6, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, Văn Chấn.

Ông Toản chăm sóc nương chè - nguồn thu chính của gia đình ông.
Ông Toản chăm sóc nương chè - nguồn thu chính của gia đình ông.

Cú ngã

Như bao buổi chợ thường ngày của bà, sáng ấy, vợ ông rời nhà trên chiếc xe đạp cũ kĩ khi trời còn chưa tỏ. Quá trưa, người hàng xóm hớt hải chạy sang hỏi ông rằng bà đi chợ về chưa. “Thế thì đúng bà ấy rồi”- người hàng xóm buông một câu não nuột, bảo ông vào Bệnh viện Nghĩa Lộ nhận người... Người ta thấy bà nằm bất tỉnh trên đường. Không ai biết bà ở đâu cho đến khi công an dò hỏi quanh khu vực bà bị nạn. Người ta cũng bảo ông rằng 99% bà không có hi vọng gì. Công an giao lại cho ông 65 nghìn đồng, nói đó là tài sản duy nhất tìm thấy trên người bà, ngoài chiếc xe đạp cũ nát. Ông nhìn người vợ bất tỉnh nằm đó, nhìn mấy đồng tiền lẻ nhàu nát trong tay - số tiền duy nhất hai ông bà còn lúc đó mà muốn khụy ngã.

Đó là một ngày cách đây 5 năm, một ngày định mệnh của gia đình ông, từ một cú ngã định mệnh của bà mà cho đến giờ vẫn không biết vì đâu, liệu có ai đó va chạm xe cộ với bà rồi bỏ bà nằm đó…
 
Sợi chỉ

Dù còn 1% hi vọng ông cũng quyết định xin chuyển bà lên tuyến tỉnh, rồi tuyến Trung ương, cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng vỡ hộp sọ, chấn thương sọ não nặng. Bà sống thực vật kể từ khi bị nạn đến ngày thứ 28. Hôm đó, nhìn ngón tay bà động đậy, ông òa khóc, vì ít ra, sự sống trở lại với bà. Bà hồi tỉnh dần và bắt đầu cho hành trình điều trị vỡ xương sọ. Bác sĩ cho hay, ca tái tạo hộp sọ của bà thành công nhưng lạ thay, nhiều ngày sau phẫu thuật, lượng mủ chảy ra từ chỗ phẫu thuật khá nhiều và ngày một nhiều. Bác sĩ không tìm ra nguyên nhân. Rồi hôm đó, ông chợt nhìn thấy từ vết mổ trên đầu bà có một cái gì đó, lòi hẳn ra giống như một sợi chỉ. Và đó chính xác là một sợi chỉ y khoa dài 17 cm nằm trong da ngoài xương mà trong quá trình phẫu thuật bị sót lại, là nguyên nhân của những xi lanh mủ mỗi ngày.

Cũng chính vì sợi chỉ ấy mà phần xương ghép bị hoại tử. Cuối cùng, bà buộc phải tiếp tục tiến hành ca phẫu thuật hộp sọ nhưng là để tháo bỏ mảnh sọ ghép, chấp nhận sống với một hộp sọ thiếu một mảnh xương mà đáng nhẽ ra nếu không vì một sợi chỉ sót lại thì phần sọ ghép của bà đã có thể phục hồi và công cuộc điều trị cũng không tốn kém đến gần gấp đôi.

Khốn khó

Những ngày trong viện không chỉ là quãng thời gian đầy căng thẳng mà ông cùng bà giành giật sự sống, giành lại sức khỏe mà còn là ngần ấy ngày ông khốn khổ trong nỗi lo tiền bạc khi chỉ có 65 nghìn đồng trong tay lúc đưa bà đi cấp cứu và không bảo hiểm y tế. Đồ đạc ở nhà, cái gì có thể bán anh em đều đã bán cả hộ ông. Ông vay bất cứ ai có thể từ vài trăm nghìn một. Kinh khủng nhất là những ca phẫu thuật lớn vài chục triệu một lúc. Có những thời điểm cứ đều đặn mỗi ngày 5 triệu đ tiền thuốc, chưa kể chi phí khác. Ông điên đảo lo vay tiền thuốc từng ngày một. Có khi, con trai ông phải nhờ bạn cầm đồ cả đồ của bạn lấy tiền thuốc chi cho hôm đó, rồi sau vay đâu lại đập vào lấy đồ ra cho bạn. Không có tiền là không có thuốc. Có những hôm, ông không thể xoay đâu ra tiền, bà không được cấp thuốc. Lời cầu xin bệnh viện của ông chẳng giúp được gì cho bà. Không có thuốc, bà lên cơn sốt cao lắm, đau đớn, mê sảng. Chứng kiến bà mê sảng đến như phát điên, ông chỉ còn biết khóc.

Để có tiền, dù là ít ỏi nhất, việc gì có thể làm được ông đều không ngại. Người ta thấy thương, quán cơm thuê ông đưa cơm vào viện, ông làm, được trả công bằng hai bữa cơm cho ông với bà. Có lần, người dọn vệ sinh bệnh viện ốm, người ta thuê ông, ông cũng làm… Để tiết kiệm chi tiêu, ông ăn bánh mì, uống nước lã, ngủ hành lang, gốc cây thậm chí là ống cống của công trình đang xây dựng gần đó hay bất cứ chỗ nào có thể ngả lưng đều được. Hai bộ quần áo, mặc bộ này, giặt bộ kia, tranh thủ phơi bất cứ đâu có thể. Có lần bị bảo vệ bệnh viện không cho phơi đồ, ông đội áo lên đầu mà phơi… "Thế nào hồi ấy trời thương còn cho sức khỏe mà sống dạ dật, mà lo toan được như vậy chứ" - ông kể lại những tháng ngày khốn khó, cổ họng nghẹn ứ. 

Ông Toản chăm sóc thuốc thang cho người vợ bệnh tật và khoản nợ lớn trông cả vào hơn 1 ha chè cùng đồng lương ít ỏi và sức lao động của ông.

Và nỗ lực

Sau 6 tháng 2 ngày trong viện, bà xuất viện với một khoảng lớn hộp sọ không xương, chân tập tễnh và không còn khả năng lao động. Ngày đi viện, ông có  65 nghìn đồng trong tay. Ngày trở về, ông bà trở thành con nợ với gần 380 triệu đồng, lãi mẹ đẻ lãi con thành hơn 500 triệu đồng. Ông vốn là công nhân nhà máy chè nghỉ chế độ với đồng lương ít ỏi chỉ hơn 1 triệu đồng, gia đình chỉ trông vào 1 ha chè, đang nuôi hai đứa con đều học chuyên nghiệp… Không biết bao nhiêu đêm ông thức trắng!

Chỉ có thể nỗ lực làm việc và làm việc - ông nghĩ. Thời gian đầu, không thể để bà một mình ở nhà, lên nương chè hay ra vườn, ông cõng bà theo và buộc bà vào chiếc ghế, vừa làm vừa trông bà. Khi bà khá hơn, ông lao đi kiếm việc không biết mệt mỏi, làm bất cứ việc gì được thuê. Trời nắng thì hái chè thuê, phụ hồ; trời mưa tranh thủ bóc lá mía thuê… Ông và bà tằn tiện nhất có thể. Suốt hai, ba năm trời, bữa cơm hai vợ chồng chỉ có rau với muối, thức ăn xa xỉ nhất là món cá khô nát tươm người ta dùng để nuôi mèo. Hai con ông khi đó cũng phải tự bươn chải nuôi thân và ăn học. Nỗ lực làm việc không mệt mỏi, giờ, khoản nợ của ông đã vơi đi một nửa. Ông và bà vẫn sống trong căn nhà đơn sơ lắm, còn ông vẫn nỗ lực làm việc và trả nợ.

Nhắc chuyện những năm tháng khốn khó, ba lần những giọt nước mắt chảy dài trên gương mặt rõ nét sự khắc khổ của người đàn ông giờ đã ở tuổi gần 60. Là giọt nước mắt của sự tủi cực nhưng tôi thấy ông là một người mạnh mẽ, đầy nghị lực. Biết đâu, ai đó, rơi vào hoàn cảnh này, liệu đã sống được như ông đã sống.

 Thu Hạnh

Các tin khác
Đồng chí Ngô Thị Chinh phát biểu chỉ đạo Hội nghị

YBĐT- Ngày 20/10, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị sơ kết công tác văn hóa – xã hội 9 tháng đầu năm. Đồng chí Ngô Thị Chinh - Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị. Tham gia Hội nghị có lãnh đạo các huyện, thị thành phố, các sở, ngành khối văn hóa – xã hội.

YBĐT - Sáng 20/10, tại Trung tâm Giới thiệu việc làm phụ nữ Yên Bái, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức gặp mặt kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2015) và trao giải Phụ nữ sáng tạo lần thứ II.

Quang cảnh Hội nghị

YBĐT - Ngày 20/10, Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị Ban chấp hành (mở rộng) lần thứ X, nhiệm kỳ 2010 – 2015; sơ kết công tác 9 tháng năm 2015 và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm; triển khai kế hoạch tổ chức Đại hội đại biểu khóa III, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Bữa ăn của các cháu Trường Mầm non Yên Thành (huyện Yên Bình) được quan tâm bảo đảm dinh dưỡng và ATVSTP.
(Ảnh: Thanh Ba)

YBĐT - Những năm qua, các cấp, ngành ở Yên Bái đã vào cuộc và có nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển (DDVPT) được phát động hàng năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục