Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình: Những vấn đề cần quan tâm
- Cập nhật: Thứ sáu, 20/11/2015 | 3:26:09 PM
YênBái - YBĐT - Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh vừa tổ chức giám sát chuyên đề về thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ). Qua giám sát cho thấy, những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, công tác dân số đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, qua thực tế cũng cho thấy nhiều vấn đề cần phải tập trung quan tâm.
Cán bộ y tế phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái) tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ.
|
Những năm qua, các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, đã xác định công tác dân số là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình phát triển kinh tế, xã hội. Các ngành, đoàn thể đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện công tác dân số. Nhận thức của nhân dân về công tác này có sự chuyển biến rõ rệt. Số người chấp nhận quy mô gia đình có 1 - 2 con ngày càng nhiều. Bởi vậy, trong 5 năm (2011 -2015), tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 12,54‰ (năm 2011) xuống còn 11,63‰ (năm 2014); từ năm 2012, toàn tỉnh đã đạt mức sinh thay thế và duy trì liên tục trong 3 năm gần đây; tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại duy trì ở mức 70 - 75%. Dự kiến, quy mô dân số năm 2015 đạt trên 792.000 người; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 10,86‰; tỷ số giới tính khi sinh là 110,4; tốc độ phát triển bình quân 5 năm (2011 - 2015) là 1,06%; mức giảm sinh đạt 0,3 ‰/năm (đạt mục tiêu kế hoạch đề ra).
Nhiều mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số được triển khai như: mô hình tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; sàng lọc trước sinh và sơ sinh; can thiệp giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở y tế được nâng cấp, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) - KHHGĐ của nhân dân. Bộ máy, tổ chức của ngành dân số được củng cố, tăng cường. Ngoài nguồn kinh phí trung ương đầu tư thông qua chương trình mục tiêu quốc gia, hàng năm ngân sách tỉnh đã hỗ trợ trên 2,4 tỷ đồng cho việc thực hiện công tác dân số. Kết quả của công tác dân số đã góp phần đáng kể vào thành tựu xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, hiện nay công tác dân số của tỉnh vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù đã đạt mức sinh thay thế, nhưng kết quả thực hiện mục tiêu giảm sinh chưa bền vững và còn có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng miền. Đáng chú ý là, ở khu vực vùng cao và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kết quả thực hiện mục tiêu giảm sinh vẫn còn ở mức cao. Theo báo cáo của ngành dân số tại 72 xã vùng đặc biệt khó khăn, tỷ suất sinh thô 20,5‰ (toàn tỉnh 18,6‰); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 17% (toàn tỉnh 9,7%); tỷ lệ các cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai mới đạt 58% (toàn tỉnh 75%).
Bên cạnh đó, chất lượng dân số của vùng này cũng còn nhiều yếu kém; tỷ lệ sản phụ đẻ tại nhà, phụ nữ mắc bệnh về đường sinh sản, tai biến do thai sản và trẻ em suy dinh dưỡng còn ở mức cao; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn tồn tại. Một thực tế nữa là, tỷ số giới tính khi sinh tuy đã giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao (năm 2014 là 111,5 trẻ em trai/100 trẻ em gái). Chất lượng dân số tuy đã được cải thiện hơn, song vẫn còn ở mức thấp. Các mô hình nâng cao chất lượng dân số mới được triển khai thí điểm ở một số xã và các hình thức tuyên truyền chưa đổi mới.
Một số nơi cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác dân số. Công tác truyền thông, vận động chưa thực sự có hiệu quả đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm đối tượng vị thành niên, nam giới. Nhận thức của một bộ phận nhân dân về sinh đẻ chưa thay đổi căn bản. Mạng lưới cung cấp dịch vụ ở một số nơi chưa thật sự thuận tiện cho người sử dụng. Một số cán bộ trình độ, năng lực tổ chức thực hiện còn hạn chế. Triển khai thực hiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ dân số xã còn bất cập.
Đến nay, phần lớn cán bộ dân số cấp xã chưa được tuyển dụng vào viên chức, trong khi đó, Thông tư số 05/2008/TT - BYT của Bộ Y tế "Về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy DS-KHHGĐ ở địa phương" quy định thì từ năm 2008, cán bộ dân số xã đạt chuẩn về trình độ, được tuyển dụng vào viên chức. Nguồn kinh phí đầu tư cho công tác dân số tuy đã được quan tâm, nhưng vẫn còn ở mức thấp và chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dân số, Ban Văn hóa - Xã hội đã đề nghị các cấp chính quyền, các ngành liên quan, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực dân số. Trước mắt, cần sớm ban hành các văn bản chỉ đạo việc thực hiện công tác dân số giai đoạn 2015 - 2016, để tạo căn cứ pháp lý cho các cấp, ngành thực hiện. Trong quá trình xây dựng kế hoạch thực hiện, cần quan tâm đánh giá thực trạng công tác dân số của từng địa phương để xác định mục tiêu, giải pháp cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu của công tác dân số trong tình hình mới. Đối với các địa phương đã đạt mức sinh thay thế, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của tỉnh.
Đối với các địa phương chưa đạt mức sinh thay thế, cần tập trung nguồn lực cho việc thực hiện mục tiêu giảm sinh và giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, để sớm đạt được mức sinh thay thế. Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong hoạt động truyền thông, tư vấn cộng đồng để cung cấp thông tin dân số và chăm sóc SKSS, nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân hướng tới thay đổi hành vi và chấp nhận mô hình gia đình ít con một cách bền vững. Quan tâm nâng cao chất lượng cung cấp dich vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ; triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án về dân số đang được triển khai trên địa bàn. Chú trọng củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ dân số. Bổ sung biên chế và tuyển dụng cán bộ dân số cấp xã vào viên chức, để bảo đảm quyền lợi cho cán bộ dân số. Tiếp tục tăng cường các nguồn lực đầu tư cho công tác dân số, đặc biệt quan tâm ưu tiên đầu tư nguồn lực cho việc thực hiện công tác dân số ở vùng đặc biệt khó khăn, để từng bước nâng cao hiệu quả công tác dân số ở vùng này.
Lê Thị Liêm (Trưởng ban Văn hóa - Xã hội - HĐND tỉnh)
Các tin khác
Trước thông tin nước Lào láng giềng phát hiện các ca bệnh bại liệt và tình hình bệnh diễn biến phức tạp, ngày 20/11, Bộ Y tế khuyến cáo người dân đưa trẻ em trong độ tuổi đến các cơ sở y tế để uống vắcxin phòng bệnh bại liệt đầy đủ, đúng theo lịch tiêm chủng; đặc biệt là tại các tỉnh có nguy cơ cao đang triển khai chiến dịch uống bổ sung vắcxin bại liệt.
YBĐT – Mặc dù nằm cách thị trấn Mù Cang Chải hơn 30 km, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, 99% học sinh là người dân tộc Mông, song với mô hình “Trường học thân thiện, học sinh tích cực ”, Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Hồ Bốn, xã Hồ Bốn huyện Mù Cang Chải đã và đang phát huy tốt hiệu quả giáo dục phát triển thể chất, kỹ năng sống cho các em học sinh góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
YBĐT - Quyết định số 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (PCGDMNCTNT) giai đoạn 2010 - 2015 đã vực dậy bậc học này để xứng đáng với vai trò là bậc học nền tảng.
YBĐT - Yên Bái là tỉnh miền núi có 72 xã, 549 thôn, bản thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; 2 huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải thuộc diện 62 huyện nghèo nhất của cả nước - nơi tập trung gần 60% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, phong tục tập quán còn lạc hậu, trình độ dân trí thấp, kinh tế chậm phát triển.