Yên Bái bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu quý hiếm

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/12/2015 | 10:17:09 AM

YBĐT - Yên Bái là tỉnh có nguồn cây thuốc tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại; đất đai, khí hậu phù hợp với nhiều loài cây, trong đó có nhiều loài cây thuốc quý xuất xứ từ các nguồn khác nhau.

Hội viên Chi hội Đông y xã Cảm Ân (Yên Bình) trao đổi kinh nghiệm trồng cây thuốc.
Hội viên Chi hội Đông y xã Cảm Ân (Yên Bình) trao đổi kinh nghiệm trồng cây thuốc.

Với vai trò của mình, những năm qua, Hội Đông y tỉnh đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên tích cực trồng, sử dụng, phát triển nguồn dược liệu tại địa phương, góp phần làm tốt công tác khám, chữa bệnh bằng thuốc nam phục vụ nhân dân.

Theo khảo sát ban đầu của Hội Đông y tỉnh, trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện có hàng nghìn loài cây thuốc nam và hàng trăm bài thuốc gia truyền.

Đặc biệt, Yên Bái còn là “thủ phủ” của một số loài cây thuốc nam quý hiếm như: cây lan kim tuyến ở huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu với công dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư; cây lá khôi ở xã Bảo Ái, Cẩm Ân, huyện Yên Bình với công dụng chữa bệnh tiêu hóa, dạ dày; cây bảy lá một hoa ở huyện Yên Bình với công dụng chữa rắn độc cắn và thanh lọc giải độc cơ thể; cây giảo cổ lam ở huyện Văn Chấn chữa trị các bệnh về gan hay cây đẳng sâm, tỏa dương ở huyện Văn Chấn chữa trị các bệnh đau lưng, bổ thận, tráng dương...

Các bài thuốc gia truyền quý như: chữa bệnh sỏi thận của bà mế Vũ Thị Hồng Ngát ở Cảm Ân, Yên Bình; chữa bệnh viêm đại tràng của ông lang Nông Văn Bút xã Cảm Ân, Yên Bình; chữa bệnh gan của bà mế Hà Thị Phòng ở xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn; chữa bệnh vô sinh của ông lang Lê Công Tiền ở xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên; chữa gãy xương của ông lang Nguyễn Mạnh Hà ở xã Mậu A, huyện Văn Yên; ngoài ra, còn nhiều bài thuốc hay chữa rắn độc cắn, co xương khớp, đau dây thần kinh...

Được biết, để có được những kết quả đáng khích lệ trong việc bảo tồn, phát triển các loại dược liệu quý hiếm của Yên Bái, những năm qua Hội Đông y tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tăng cường phát hiện, sưu tầm, phát triển nguồn dược liệu của địa phương; xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu hiện có của tỉnh; phát triển mạnh các loại dược liệu sở trường của các thầy thuốc đông y ở từng vùng, lập bản đồ dược liệu của tỉnh với mục tiêu không để mất đi một cây thuốc quý.

Đồng thời, Hội tích cực bồi dưỡng kiến thức thuốc nam cho đội ngũ cán bộ, hội viên để có nhiều thầy thuốc hiểu biết về các cây thuốc, vị thuốc hiện có ở từng địa phương...

Hàng năm, Hội Đông y tỉnh đã phát động phong trào thi đua trồng cây thuốc đầu xuân, kết quả đã có 95% huyện, 80% hội các xã, các trạm y tế tham gia trồng cây thuốc nam tại các tập thể trạm y tế, các đơn vị trường học và hộ gia đình hội viên với các hình thức: trồng mới, trồng lại, tu bổ và trồng thêm...

Bên cạnh đó, Hội Đông y tỉnh còn chủ động phối hợp với các đơn vị trong tỉnh, ngoài tỉnh, các trung tâm y tế, hội đông y các huyện, thị xã tổ chức các đợt điều tra, nghiên cứu cây thuốc và tiềm năng phát triển nguồn dược liệu của tỉnh như điều tra, nghiên cứu tại các xã: Nậm Khắt, Mồ Dề, Púng Luông, La Pán Tẩn (Mù Cang Chải); Suối Giàng, Đồng Khê (Văn Chấn); Tân Hương, Bảo Ái, Cảm Ân (Yên Bình)...

Sau điều tra, khảo sát, Tỉnh Hội đã phối hợp với Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững xây dựng Dự án “Bảo tồn và phát triển cây thuốc và bài thuốc truyền thống để cải thiện sinh kế và sức khỏe cho người dân tộc thiểu số tại huyện Yên Bình”.

Cũng qua nghiên cứu, khảo sát thị trường tiêu thụ dược liệu và quy trình sản xuất chế biến thuốc đông dược, tính toán khả năng tiêu thụ và trao đổi, xuất bán, Hội Đông y tỉnh đã và đang tổng hợp xây dựng Chương trình phát triển dược liệu năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020...

Tuy nhiên, một thực tế hiện nay cho thấy, nguồn tài nguyên các loại cây thuốc tự nhiên cả nước nói chung, tỉnh Yên Bái nói riêng đang ngày một cạn kiệt, bị suy thoái nghiêm trọng, nhiều loài cây đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng; cây thuốc nuôi trồng đang bị thu hẹp hoặc phát triển một cách tự phát, mất cân đối.

Sự giảm sút nguồn dược liệu có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan, như sự khai thác tràn lan, nhận thức con người còn hạn chế, nhất là tại các huyện vùng cao có nhiều tài nguyên... Hơn nữa, yêu cầu của phát triển kinh tế, xã hội đang đặt ra vấn đề mâu thuẫn giữa cung và cầu, bảo tồn và khai thác sử dụng nguồn tài nguyên quý giá này.

Để bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu quý hiếm của địa phương, thời gian tới Hội Đông y tỉnh đã đề ra các giải pháp cụ thể như: có quan điểm, chính sách cụ thể bảo hộ với từng địa phương để phát triển dược liệu.

Nâng cao nhận thức về giá trị kinh tế của dược liệu và cây thuốc không chỉ phục vụ cho sản xuất thuốc chữa bệnh, còn là một loại cây trồng có khả năng tham gia chuyển dịch cơ cấu cây trồng, sản xuất hàng hoá nâng cao giá trị kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, phát triển bền vững.  

Tỉnh cũng cần có chính sách thu hút đầu tư các doanh nghiệp dược trong và ngoài tỉnh để phát huy lợi thế của một địa phương miền núi còn nhiều tiềm năng về rừng và đất rừng trong hoạt động bảo tồn khoanh nuôi, trồng và thu hái, chế biến dược liệu; điều tra đánh giá đúng thực trạng sử dụng tài nguyên rừng và đất rừng Yên Bái để có chính sách cụ thể phát triển tiếp theo vùng dược liệu, cây thuốc nam...

Trần Ngọc

Các tin khác
Phương pháp châm cứu đã trở thành phổ biến và mang lại hiệu quả cao, trong chăm sóc sức khỏe nhân dân bằng y học cổ truyền.

YBĐT - Trung bình mỗi năm có trên 12.000 đến 300.000 lượt người được khám tại các phòng chẩn trị lồng ghép và 1.600 đến 5.000 lượt người được các ông lang, bà mế thăm khám.

Hiện, xã Đông An có 5 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm lao động.

YBĐT - Năm 2015, tổng doanh thu bình quân hoạt động công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã Đông An, huyện Văn Yên đã đạt trên 33 tỷ đồng (tăng 22 tỷ đồng so với năm 2010).

YBĐT - Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chức năng của huyện Lục Yên đã giải quyết chi trả 14 đợt cho 1.895/2.317 đối tượng.

YBĐT - Với một tập thể đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, cán bộ, chiến sỹ gan dạ, dũng cảm, những năm qua, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Yên Bái đã lập được nhiều chiến công được các cấp ghi nhận.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục