Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái: Trả lời ý kiến đại biểu Hội đồng nhân dân
- Cập nhật: Thứ hai, 28/12/2015 | 9:44:45 AM
YBĐT - Ngày 14/12/2015 Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Yên Bái nhận được phiếu chuyển ý kiến hỏi về thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) của đại biểu HĐND tỉnh Yên Bái với nội dung:
1. Người lao động ở các đơn vị nợ BHXH kéo dài không được cấp thẻ BHYT hàng năm, nhưng đơn vị vẫn phải tính nợ, lãi quá hạn của số tiền BHYT.
2. Người lao động có hỏi: Trong thời gian không được sử dụng thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe, sao vẫn phải trả tiền BHYT và tiền lãi quá hạn?
Tiếp thu ý kiến của đại biểu về vấn đề này, BHXH tỉnh Yên Bái có ý kiến trả lời đại biểu HĐND tỉnh như sau:
1. Về vấn đề thứ nhất:
- Trong thực tế hàng năm trên địa bàn tỉnh Yên Bái, có nhiều đơn vị sử dụng lao động, trong đó, chủ yếu là các doanh nghiệp để nợ tiền BHXH lớn, kéo dài nhiều tháng và nợ sang năm sau. Đối với những đơn vị này, BHXH tỉnh đều kiểm tra xem xét từng doanh nghiệp cụ thể. Nếu doanh nghiệp nào không nợ tiền BHYT thì cơ quan BHXH tỉnh Yên Bái đều thực hiện in cấp thẻ BHYT đầy đủ cho người lao động. Việc in cấp thẻ BHYT sử dụng trong năm sau đều được thực hiện vào khoảng cuối tháng 12 của năm báo cáo (năm hiện tại) và chuyển cho doanh nghiệp để chuyển cho người lao động. Không có doanh nghiệp nào để nợ tiền BHXH nhưng không nợ tiền BHYT mà không được in cấp thẻ BHYT.
- Đối với đơn vị có để nợ BHXH và nợ BHYT, BHXH tỉnh cũng xem xét từng trường hợp doanh nghiệp cụ thể, chỉ những doanh nghiệp nào để nợ tiền BHYT số tiền lớn và nợ nhiều tháng (tập trung ở các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT kéo dài nhiều tháng mà cơ quan BHXH khởi kiện ra tòa án nhân dân, doanh nghiệp ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đã được các đoàn kiểm tra, thanh tra nhắc nhở mà chưa khắc phục được nợ…) thì cơ quan BHXH tạm thời chưa in cấp thẻ BHYT của năm sau. Khi chủ sử dụng lao động nộp đủ hoặc nộp được phần lớn số nợ BHYT thì cơ quan BHXH mới thực hiện in cấp thẻ BHYT.
- Việc đơn vị để nợ tiền BHYT vẫn phải đóng đủ số tiền nợ BHYT và số tiền lãi của số tiền chậm đóng BHYT được thực hiện theo quy định tại Khoản 2. Điều 49 Luật BHYT số 25/2008/QH12, từ tháng 1/2015 thực hiện theo quy định tại Điểm a khoản 3 Điều 49 Luật số 46/2014/QH13 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT:
“Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý như sau:
a) Phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ BHYT”.
2. Về vấn đề thứ hai:
- Về trách nhiệm đóng BHYT: Theo quy định tại Điều 13 Luật số 46/2014/QH13 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thực hiện, thì người lao động và chủ sử dụng lao động có trách nhiệm phải đóng BHYT. Hiện nay, người lao động đóng bằng 1,5 % tiền lương hằng tháng và người sử dụng lao động đóng bằng 3 % tiền lương hằng tháng.
- Tại khoản 1, Điều 15 Luật số 46/2014/QH13 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có quy định về phương thức đóng BHYT có quy định: “Hàng tháng, người sử dụng lao động đóng BHYT cho người lao động và trích tiền đóng BHYT từ tiền lương của người lao động để nộp cùng một lúc vào quỹ BHYT”.
Trường hợp người sử dụng lao động không đóng BHYT cho người lao động, tại khoản 3 (điểm b) Điều 49 Luật số 46/2014/QH13 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã quy định: “Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý như sau: Phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT”.
Theo quy định nêu trên thì chủ sử dụng lao động và người lao động đều phải có trách nhiệm đóng BHYT và người sử dụng lao động có trách nhiệm trích tiền đóng BHYT từ tiền lương của người lao động. Trong trường hợp người lao động chưa được cấp thẻ BHYT do người sử dụng lao động không đóng BHYT hoặc đóng không đầy đủ BHYT thì có trách nhiệm phải trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả. Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ BHYT.
BHXH tỉnh Yên Bái báo cáo với HĐND tỉnh và để các đại biểu có thêm thông tin giải thích với cử tri về nội dung trên.
Các tin khác
Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) vừa hướng dẫn các trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) về xác định, đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016.
Từ chiều tối và đêm 29/12, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến phía Tây Bắc Bộ.
YBĐT - Sáng 26/12, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái tổ chức khám mắt, cấp thuốc miễn phí cho 400 học sinh tại Trường THCS Trần Nhật Duật, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị lưu ý việc tổ chức cho người dân đăng ký tiêm vắc xin dịch vụ đảm bảo khoa học thông qua điện thoại, internet hoặc các phương tiện thông tin truyền thông khác để người dân dễ dàng tiếp cận và đăng ký.