Động lực cho vùng cao
- Cập nhật: Thứ sáu, 1/1/2016 | 7:49:09 PM
YBĐT - Năm 2015 đi qua - năm cuối khép lại một nhiệm kỳ, mở đầu cho một nhiệm kỳ mới với những định hướng mang tầm chiến lược, xác định đúng vị thế của Yên Bái trong sự phát triển chung của khu vực. Nhìn lại những kết quả đạt được không thể phủ nhận, hiệu quả mà các chính sách dân tộc đang được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh mang lại đã tác động tích cực làm chuyển biến kinh tế - xã hội vùng cao Yên Bái.
Với gần 54% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), theo Quyết định 30 của Thủ tướng Chính phủ, Yên Bái có 72 xã thuộc khu vực III, 790 thôn, bản thuộc diện đặc biệt khó khăn. Nguồn lực của một địa phương nghèo khó khiến tỉnh Yên Bái lấp đầy khoảng cách chênh lệch về mặt bằng đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội giữa vùng thấp với các địa phương vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn. Năm 2011, mặt bằng tỷ lệ nghèo chung của toàn tỉnh là 32,53%, riêng 2 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và các xã vùng cao của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới trên 80%.
Nói vậy để thấy các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS có ý nghĩa an sinh xã hội cực kỳ quan trọng, thực sự là động lực và cơ hội đối với không ít hộ dân ở vùng cao Yên Bái. Riêng giai đoạn 2010 - 2015, tổng nguồn kinh phí đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị tại các xã vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh là trên 6.900 tỷ đồng thông qua các chính sách như: Chương trình 135, Nghị quyết 30a; các Quyết định 1592, 755, 54, 33, 18, 167 của Thủ tướng Chính phủ…; thêm nguồn lực được tỉnh huy động từ ngân sách địa phương, các doanh nghiệp và nhân dân đóng góp, đã góp phần làm thay đổi kinh tế - xã hội vùng cao.
Cơ sở hạ tầng được tăng cường xây dựng, đến nay, 93,2% số xã trong tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó số xã có đường giao thông đi lại thuận tiện cả 4 mùa đạt trên 75%; trên 80% hệ thống trường, lớp được kiên cố hóa; 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế; 82% hộ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch sinh hoạt; 100% số xã được có điện lưới quốc gia... Kinh tế vùng cao đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung như: vùng lúa, vùng chè, vùng chăn nuôi, vùng cây ăn quả…
Đặc biệt, đã hình thành mới được vùng ngô ở 3 huyện: Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải; vùng cây sơn tra ở 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải; cây chè ở xã Phình Hồ, Suối Giàng, Púng Luông… Thành tựu cũng là kỳ tích trong công tác giảm nghèo của tỉnh khi mục tiêu giảm nghèo cả giai đoạn 2010 - 2015 giảm bình quân 3 - 4%/ năm, riêng vùng đồng bào DTTS giảm trên 6%/ năm. Theo kết quả điều tra hộ nghèo, hết năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh là 20,56%, hộ cận nghèo 9,09%, trong đó hộ đồng bào DTTS nghèo chiếm 79,8% số hộ nghèo toàn tỉnh với trên 32.600 hộ; hộ đồng bào DTTS cận nghèo là 65,7% với gần 11.900 hộ. Ở 2 huyện vùng cao Mù Cang Chải và Trạm Tấu, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, còn xấp xỉ 60%.
Một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước tác động mạnh mẽ, tạo động lực bứt phá cho kinh tế - xã hội vùng cao là Chương trình 135. Giai đoạn 2011 - 2015, tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh là gần 600 tỷ đồng. Đến nay, đã có 616 công trình trên địa bàn các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn được đầu tư xây dựng, trong đó có 149 công trình tại các xã đặc biệt khó khăn; thực hiện hỗ trợ sản xuất cho trên 4.500 hộ nghèo; gần 32 nghìn lượt cán bộ xã, thôn, bản và người dân ở 8 huyện, thị được tập huấn kiến thức nâng cao năng lực.
Đồng chí Hoàng Trung Năng - Trưởng ban Dân tộc tỉnh khẳng định: “Các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và của tỉnh được triển khai thực hiện hiệu quả những năm qua đã góp phần tích cực làm chuyển biến nhận thức, thay đổi tư duy, cách thức phát triển kinh tế của đồng bào DTTS các xã đặc biệt khó khăn, nâng cao một bước đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng cao. Rõ nhất, các chương trình, dự án đã tác động tích cực hạn chế và đẩy lùi tình trạng du canh du cư, làm giảm tình trạng di cư tự do, chặt phá rừng làm nương rẫy, trồng cây thuốc phiện... Ngoài ra, việc thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đã và đang ngày một củng cố vững mạnh thêm khối đại đoàn kết các dân tộc; khẳng định niềm tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước và địa phương”.
Minh Thúy
Các tin khác
YBĐT - Với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phong trào công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ) và hoạt động công đoàn tỉnh Yên Bái trong năm qua đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
YBĐT - Năm 2015 - một năm vượt khó vươn lên để giành nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực: xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế xã hội… Có nhiều nguyên nhân để chúng ta về đích thắng lợi, trong đó có nguyên nhân tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
YBĐT - Sự đồng lòng, chung sức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội đã giúp phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (PCGDMNCTNT) trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực. Thành quả của sự đồng lòng đã đưa Yên Bái trở thành địa phương thứ 36 trên toàn quốc được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đánh giá đạt tiêu chuẩn PCGDMNCTNT.
YBĐT - Nhìn lại hoạt động năm qua, có thể khẳng định diện mạo ngành Y tế Yên Bái đã có những bước chuyển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Sự đánh giá đó được nhìn nhận từ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế đến đào tạo nhân lực, phát triển các kỹ thuật cao...