Nghề không có giao thừa
- Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2016 | 5:07:36 PM
YBĐT - Những chiến sỹ mang áo blouse đã và mãi làm cho mùa xuân trở nên ý nghĩa hơn bởi sự hy sinh thầm lặng, giúp các bệnh nhân thêm ấm lòng trong ngày tết cổ truyền của dân tộc.
Các y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong ca trực tết.
|
Chúng tôi đến Phòng khám Đa khoa khu vực Việt Cường (Trấn Yên) khi những tờ lịch cuối cùng của một năm sắp hết. Đây là phòng khám cho nhân dân 5 xã: Minh Quân, Việt Cường, Vân Hội, Việt Hồng và Bảo Hưng của huyện Trấn Yên, bệnh nhân đến khám ở đây rất đông.
Bác sỹ Tô Trường Trinh - Phó phòng khám cho biết: “Bình thường thì có khoảng 60 - 70 lượt bệnh nhân mỗi ngày. Vào những ngày gần tết, số lượng bệnh nhân có giảm đi, nhưng vào đúng tết thì số bệnh nhân thường hay tăng lên”.
Nhận công tác tại đây từ năm 2012, đến nay, chưa năm nào anh Trinh có được một cái tết trọn vẹn bên gia đình. Những lần trực tết như vậy, anh đều gửi vợ con về quê ở Đoan Hùng (Phú Thọ) để vợ con có được không khí ấm cúng, quây quần ngày tết. Còn anh thì đón tết tại Phòng khám, túc trực chăm sóc cho bệnh nhân.
Anh trải lòng: “Có một kỷ niệm tôi nhớ nhất đó là, vào khoảng 21 giờ ngày cuối cùng của năm Quý Tỵ 2013, khi đó việc khám lại cho các bệnh nhân đã hoàn thành. Chúng tôi đang chuẩn bị đón giao thừa tại Phòng khám thì có một bệnh nhân được đưa đến cấp cứu trong tình trạng mặt tím tái, nhịp tim bị loạn… Xác định do ngộ độc, chúng tôi đã nhanh chóng truyền huyết thanh, rửa dạ dày, ủ ấm cho bệnh nhân. Khi thời khắc giao thừa đến thì cũng là lúc bệnh nhân được cấp cứu đã qua khỏi cơn nguy kịch. Vỡ òa trong niềm vui, lúc đó chúng tôi và người nhà bệnh nhân cùng nhau chia sẻ niềm vui và hân hoan chúc mừng, đón chào năm mới”.
Là người gắn bó với chiếc áo blouse đã 15 năm có lẻ, Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Song Hào - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh không nhớ hết được đã có bao nhiêu năm anh đón giao thừa tại bệnh viện.
Theo anh, tết là thời điểm mà tai nạn giao thông, tai nạn thương tích, bệnh lý về tim mạch, hô hấp, ngộ độc, tai biến mạch máu não... xảy ra nhiều, nên công việc của các y, bác sỹ càng trở nên áp lực hơn. Vì thế, đã theo nghề y thì khái niệm đón giao thừa và hưởng trọn vẹn tết theo đúng nghĩa cùng với gia đình và người thân là điều rất khó.
Dù không trực tại bệnh viện nhưng khi có bất cứ sự việc nào xảy ra thì đội ngũ y, bác sỹ cũng phải có mặt ngay lập tức vì quyết tâm của Ban giám đốc Bệnh viện là không để một bệnh nhân nào không được cứu chữa kịp thời, dù là tết.
Chẳng thế mà đã rất nhiều lần, bác sỹ Hào cùng đồng nghiệp không kịp đón giao thừa, bởi phải cấp cứu cho bệnh nhân nhập viện lúc gần thời khắc chuyển giao đó.
Với điều dưỡng viên Vũ Quốc Thắng ở Khoa Cấp cứu thì năm nay là năm thứ 7 anh tham gia trực tết. Là điều dưỡng trẻ, anh luôn xung phong trực tết với mong muốn sẽ góp sức trẻ của mình cấp cứu bệnh nhân, giúp họ vượt qua nỗi đau và sớm được xuất viện trở về đoàn tụ bên gia đình.
Anh chia sẻ: "Tết là thời điểm có nhiều ca cấp cứu, nên chúng tôi luôn phải trong tình trạng "trực chiến". Công việc chuẩn bị cho ngày tết đành nhờ cả vào người thân trong gia đình".
Thế mới thấy được rằng, hậu phương của những người thầy thuốc là vô cùng quan trọng, bởi nếu gia đình không ủng hộ, không động viên thì sao những y, bác sỹ, điều dưỡng có thể yên tâm để cống hiến hết mình cho công việc cứu chữa người bệnh.
Tết đến, xuân về, ai cũng mong được sum vầy, đoàn tụ bên gia đình sau một năm bận rộn, nên với những bệnh nhân khi sức khỏe đã tương đối ổn định, bệnh viện sẽ tạo điều kiện cho điều trị ngoại trú để đón xuân cùng gia đình.
Những bệnh nhân bất đắc dĩ vì bệnh nặng nên chưa thể xuất viện thì đón năm mới cùng các y, bác sỹ tại bệnh viện. Chiều 30 tết, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, bệnh viện đến từng giường bệnh để thăm hỏi, chúc tết và tặng quà động viên bệnh nhân.
Đó là món quà tinh thần vô cùng ý nghĩa, ấm áp tình người trong giờ phút năm cũ sắp qua đi, chào đón một năm mới với bao ước vọng một năm mới khỏe mạnh, an khang.
Một mùa xuân mới - xuân Bính Thân đang về với đất trời, mang theo bao điều ước tốt đẹp đến với mọi người, mọi nhà. Phía trong cánh cổng bệnh viện, những người thầy thuốc vẫn tất bật với bộn bề công việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Bằng tấm lòng "lương y như từ mẫu" - những chiến sỹ mang áo blouse đã và mãi làm cho mùa xuân trở nên ý nghĩa hơn bởi sự hy sinh thầm lặng, giúp các bệnh nhân thêm ấm lòng trong ngày tết cổ truyền của dân tộc.
Thanh Chi - Quyết Thắng
Các tin khác
YBĐT - Cứ mỗi lần nhắc đến cái sự học ở vùng cao là người ta thường nghĩ ngay đến những khó khăn, vất vả của cả thầy cô giáo lẫn lũ trẻ nhỏ. Song sự xuất hiện của những ngôi trường bán trú đã mang tới mùa xuân đầy mơ ước với những con chữ và tương lai tươi sáng gần hơn cho những học trò vùng cao...
YBĐT - Già làng, trưởng bản - những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh không chỉ là những “đầu tầu” gương mẫu trong cộng đồng dân cư mà còn luôn là những người có nhiều đóng góp cho thôn, bản trên nhiều lĩnh vực.
YBĐT - Chúng tôi về Phong Dụ Hạ (Văn Yên) một ngày cuối đông. Tuyến đường Đông An - Gia Hội dài gần 20 km trải nhựa phẳng phiu, thẳng đến tận trung tâm xã. Khúc giao mùa, bên đại ngàn xanh bung sắc thắm hoa đào, trắng hoa mận, hoa mơ, bên kia là dòng suối Hút xanh trong, uốn lượn, ôm trọn cả vùng đất. Phong Dụ Hạ giờ đã trở thành trung tâm của 3 xã: Xuân Tầm, Phong Dụ Hạ và Phong Dụ Thượng.
YBĐT - Tết về - là tiếng hồn quê hương của mỗi người con đất Việt xa xứ. Giữa chốn phồn hoa, tráng lệ, ồn ào của cuộc sống hiện đại bên trời Tây, không khí tết đầm ấm ở quê nhà Việt Nam vẫn luôn có sức hút ghê gớm, lay động, mời gọi, thôi thúc họ nhớ về cội nguồn, nơi hình ảnh lưng bà, dáng mẹ, bóng cha còn in đậm trong trái tim.