Mùa xuân cho em
- Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2016 | 5:03:41 PM
YBĐT - Cứ mỗi lần nhắc đến cái sự học ở vùng cao là người ta thường nghĩ ngay đến những khó khăn, vất vả của cả thầy cô giáo lẫn lũ trẻ nhỏ. Song sự xuất hiện của những ngôi trường bán trú đã mang tới mùa xuân đầy mơ ước với những con chữ và tương lai tươi sáng gần hơn cho những học trò vùng cao...
Các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Khắt chăm sóc vườn rau.
|
Cuối đông sang xuân, núi rừng Mù Cang Chải một màu xanh mơn mởn. Lá cờ đỏ sao vàng của Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Nậm Khắt tung bay như một nét chấm phá trong bức tranh xuân ấm áp. Đúng giờ ra chơi, thấy có khách, những cô cậu học trò khoanh tay chào. Không còn vẻ lúng túng, ngại ngùng, những học trò ở đây rất tự tin trong giao tiếp.
Vừa đón khách cô giáo Lê Thị Hoàng Yến - Phó hiệu trưởng nhà trường vừa hãnh diện giới thiệu: “Trong vài năm trở lại đây, nhà trường đã có rất nhiều học sinh ngoài đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa còn đạt nhiều giải các hội thi văn nghệ, thể thao của huyện”.
Câu chuyện về sự tự tin của học trò bán trú lần nào tôi cũng nhận được trong mỗi chuyến công tác vùng cao. Đó như là một bước đi vững chắc để “đưa miền núi tiến kịp với miền xuôi”. Tôi tranh thủ tham quan ngôi trường, từ khu phòng học, phòng ở, thư viện đỏ, nhà ăn, khu chăn nuôi, vườn rau... Tất cả như một nông trại thu nhỏ mà ở đó, các em vừa học vừa chơi vừa tập làm một người nông dân thực thụ.
Cô giáo Lê Thị Hoàng Yến giới thiệu: “Đây chính là mô hình trường học gắn với nông trại, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của xã”. Bên dãy chuồng trại, em Hờ Thị Sen - học sinh lớp 4A1 đang lấy nước cho gà, thấy cô giáo cùng với khách, em khoanh tay chào.
Qua vài câu trò chuyện thân mật, bé tâm sự: “Học ở trường thích lắm ạ! Ngoài giờ học, cháu được chơi, được đọc sách ở thư viện đằng kia, được chăn gà”.
Nhìn nụ cười hồn nhiên của bé, tôi cảm nhận những đứa nhỏ này đang rất hạnh phúc, quay sang hỏi cô Yến: “Quyết định số 85 ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 22 ngày 16/12/2009 của HĐND tỉnh đã mang tới mùa xuân hạnh phúc cho học sinh vùng cao đúng không cô giáo?”.
Đưa mắt nhìn xung quanh, dù đã quá thân quen nhưng cô vẫn nghèn nghẹn nói: “Nhìn khung cảnh này, nhiều lúc cứ ngỡ như một giấc mơ vậy”. Công tác tại đây từ năm 2003, cô đã chứng kiến đầy đủ giai đoạn “cõng củi, cõng gạo” đi học chữ của học trò.
Cô nhớ lại: “Lúc đầu, có khoảng chục em từ trên bản xa xuống học. Nhà trường bố trí một phòng ở, còn phụ huynh làm cho khu bếp. Cứ học hết 1 tuần, mấy đứa nhỏ lại về nhà mang củi, mang gạo xuống. Nhìn tội nghiệp lắm, bé tí tẹo mà tự chăm sóc bản thân, tự ý thức học.
Bữa cơm có thịt của các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Púng Luông.
Nhìn những bữa ăn chỉ có cơm, muối trắng và măng ớt mới thực sự xót xa. Giờ thì khác lắm rồi...”. Cái “khác” mà cô nói ngoài những gì tôi được “mắt thấy” còn là kết quả học tập ngày một tiến bộ, là tỷ lệ huy động trẻ ra lớp cao nhất từ trước tới nay và đặc biệt là nâng cao thể chất khi chỉ vài tháng đầu tiên đi học có những đứa học trò tăng cả 1 - 2 kg.
Những gì tôi thấy, tôi cảm nhận được ở Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Khắt không chỉ bởi đây là trường chuẩn quốc gia mà ngay cả ở những trường bán trú nơi này, nơi kia dù còn nhiều khó khăn nhưng niềm hạnh phúc của những học trò nhỏ hay niềm phấn khởi của thầy cô vì đã ổn định được chỗ ăn, chỗ ở cho lũ trẻ thì tôi dám chắc nơi nào cũng có. Tôi mang theo niềm tin ấy tới Trường PTDTBT Tiểu học Púng Luông.
Ngôi trường còn rất nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất nhưng thầy cô giáo ở đây đã cố gắng khắc phục để lo cho học trò những điều kiện cơ bản nhất. Tới trường đúng vào giờ ăn trưa, bọn trẻ xếp hàng trước cửa nhà ăn. Được “lệnh”, lũ trẻ ùa vào, nhìn chúng ăn ngon lành mới thấy hạnh phúc đến nhường nào. Bữa cơm tuy còn đạm bạc nhưng đã có thịt.
Đó là sự chắt chiu của các thầy cô từ những khoản trợ cấp để làm sao lo cho học trò những bữa cơm đủ dinh dưỡng. Những đứa trẻ như cây rừng tự nhiên về đây được uốn nắn, dạy dỗ trở thành những đứa trẻ chăm ngoan và kỷ luật mới thấy công sức của các thầy cô trường bán trú. Ở Trường PTDTBT Tiểu học Púng Luông, các thầy cô hay nói vui rằng, thầy Lưu Bình Quang - Hiệu phó nhà trường biết chăm học trò trước khi biết chăm con.
Gặp thầy Quang đang hướng dẫn những học sinh mới vệ sinh phòng ở, hỏi han trò chuyện với mấy học trò, thầy tâm sự: “Phải thường xuyên nắm bắt tâm tư, tình cảm của mấy đứa nhỏ xem chúng đang khó khăn gì, vướng mắc gì để kịp thời giải quyết”. Lời chia sẻ ấy khiến tôi đã nghĩ về nhiều người chỉ có 1 - 2 đứa con mà dạy dỗ cũng mướt mồ hôi, huống hồ các thầy cô ở đây có vài trăm đứa con. Vậy mà đứa nào, đứa nấy đều ngoan ngoãn.
Gần 18 năm gắn bó, công tác tại vùng khó khăn này, thầy đã song hành cùng lớp lớp học trò từ lúc chưa có “85” và “22” nên thầy Quang bảo: “Còn nhiều khó khăn thật đấy nhưng so với giai đoạn cách đây 5 năm trở về trước thì học trò giờ đỡ khổ hơn rất nhiều”.
Xoa đầu đứa học trò mới, thầy nói: “Bằng ngần này trước kia xuống đây học thì phải tự nấu cơm, tự chăm sóc bản thân, mà đâu có nhà xây vững chắc, kín đáo như này mà ở. 2 gian nhà lá thầy cô và phụ huynh dựng lên. Mùa hè thì lo mưa, mùa đông thì gió rít qua vách mà rét thấu da, thấu thịt. Cuối tuần, ngược dốc về nhà lấy củi, lấy gạo xuống học tiếp. Nhìn thương lắm! Nhưng xa rồi”.
Tạm biệt những thầy cô và học trò vùng cao, tôi về mang theo câu nói “Giờ khác lắm rồi”. Vâng! Đã xa rồi ký ức cõng củi, cõng gạo đi học chữ của những đứa trẻ vùng cao. Giờ sẽ là những mùa xuân tiếp nối những mùa xuân mang theo cái chữ và ước mong về một tương lai tươi sáng cho những học trò vùng cao này.
Bà Lương Thị Xuyến - Phó chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải: “Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh dường như dành cho Mù Cang Chải và Trạm Tấu. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của các cấp ủy, chính quyền trong toàn huyện nên đã huy động được sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, tạo nên hệ thống trường bán trú rộng khắp trên địa bàn. Từ khi có hệ thống trường bán trú, bộ mặt giáo dục ở Mù Cang Chải đã sang một trang mới. Cùng với đó, nhận thức của người dân về sự cần thiết của việc học đã thay đổi. Nhiều người hiến đất, ủng hộ vật chất..., đồng lòng chung tay xây dựng trường bán trú, từ đó góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn huyện”. |
Thanh Ba
Các tin khác
YBĐT - Già làng, trưởng bản - những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh không chỉ là những “đầu tầu” gương mẫu trong cộng đồng dân cư mà còn luôn là những người có nhiều đóng góp cho thôn, bản trên nhiều lĩnh vực.
YBĐT - Chúng tôi về Phong Dụ Hạ (Văn Yên) một ngày cuối đông. Tuyến đường Đông An - Gia Hội dài gần 20 km trải nhựa phẳng phiu, thẳng đến tận trung tâm xã. Khúc giao mùa, bên đại ngàn xanh bung sắc thắm hoa đào, trắng hoa mận, hoa mơ, bên kia là dòng suối Hút xanh trong, uốn lượn, ôm trọn cả vùng đất. Phong Dụ Hạ giờ đã trở thành trung tâm của 3 xã: Xuân Tầm, Phong Dụ Hạ và Phong Dụ Thượng.
YBĐT - Tết về - là tiếng hồn quê hương của mỗi người con đất Việt xa xứ. Giữa chốn phồn hoa, tráng lệ, ồn ào của cuộc sống hiện đại bên trời Tây, không khí tết đầm ấm ở quê nhà Việt Nam vẫn luôn có sức hút ghê gớm, lay động, mời gọi, thôi thúc họ nhớ về cội nguồn, nơi hình ảnh lưng bà, dáng mẹ, bóng cha còn in đậm trong trái tim.
YBĐT - Đất trời vào xuân, cao nguyên Mù Cang Chải đẹp hơn trong sắc màu sặc sỡ của hoa tớ dảy, hoa dã quỳ, hoa đào đua nhau khoe sắc. Bởi thế, dù đã bao lần đến đây, nhưng với tôi lúc nào cũng trong tâm trạng háo hức và có phần ngỡ ngàng về một vùng cao đang thay đổi từng ngày. Con người cũng tươi vui hơn bởi cái đói, cái nghèo đang lùi xa và người Mông vui sống hài hòa giữa nét văn hóa truyền thống đặc sắc cùng ánh sáng văn minh hiện đại.