Bộ Y tế khuyến cáo dân không chủ quan với bệnh sốt xuất huyết
- Cập nhật: Thứ năm, 25/2/2016 | 8:17:35 AM
Trước sự gia tăng số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết ở Tây Nguyên, ngày 24/2, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết hiện nay bệnh do virus Zika (lây truyền chủ yếu qua muỗi Aedes - loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết) đang có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam nên người dân không nên chủ quan với căn bệnh này.
Điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết.
|
Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết Việt Nam hiện lưu hành bốn tuýp virus sốt xuất huyết. Bệnh không có miễn dịch chéo nên một người có thể mắc nhiều tuýp. Miễn dịch của bệnh không bền vững suốt đời nên người đã mắc vẫn có thể mắc lại.
Bộ Y tế khuyến cáo để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, người dân phải đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần, cộng đồng cần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Bên cạnh đó, người dân nên tích cực dọn dẹp nhà cửa, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
Đặc biệt, khi ngủ người dân nên ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.
Khi bị sốt, xuất huyết…, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị; không tự ý dùng thuốc điều trị tại nhà, nhất là thuốc kháng sinh.
Tại Việt Nam, sốt xuất huyết lưu hành tại hầu hết các tỉnh, thành phố, có nguy cơ tăng cao vào các tháng mùa mưa. Bệnh ghi nhận chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam. Bệnh sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, bùng phát 4-5 năm/lần. Ở Việt Nam, tình trạng khan hiếm nguồn nước sạch ở các nơi, đặc biệt là vùng nông thôn khiến người dân có thói quen phải tích trữ nước sạch trong lu, bể dễ tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sản.
Bên cạnh đó, việc không thường xuyên vệ sinh, thay nước lọ hoa, bể cây cảnh, cộng thêm điều kiện nhà ở, nhà trọ, lán trại, các công trình xây dựng, chuồng trại thiếu vệ sinh, hệ thống xử lý nước thải không đảm bảo ở các vùng ven đô… cũng là những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và nguy cơ gây dịch bệnh rất lớn.
Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 390 triệu người trên thế giới bị nhiễm bệnh trong đó có 500.000 người mắc sốt xuất huyết nặng phải nhập viện. Đây thực sự là căn bệnh nhiệt đới lây lan nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có vắcxin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sốt xuất huyết...
(Theo TTXVN)
Các tin khác
YBĐT - Các gia đình có con em nhập ngũ vui mừng phấn khởi, sắm sửa mâm cỗ liên hoan, mời anh em thân thiết và làng xóm đến chúc mừng, động viên các tân binh.
YBĐT- Năm học 2015 – 2016, Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS xã Bản Công, huyện Trạm Tấu có 26 lớp với trên 600 học sinh, trong đó, học sinh được hưởng chế độ bán trú gần 500 em.
YBĐT - Để cụ thể hóa quan điểm "dự phòng tích cực và chủ động" của Đảng, Nhà nước, nhiều năm qua, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) tỉnh đã phát triển về nhiều mặt.
Dáng vóc nhỏ nhắn, chân đi không bình thường nhưng là tác giả của gần 100 công trình được công bố trên các tạp chí danh tiếng thế giới, ông cũng từng làm chủ tịch hàng chục hội nghị, hội thảo Quốc tế chuyên ngành. Đó là Giáo sư, tiến sĩ khoa học (GS. TSKH) Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Toán học và là một trong số ít nhà khoa học dành trọn tiền giải thưởng để hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó.