Trấn Yên: Sắp xếp lại trường lớp, nâng cao chất lượng dạy và học
- Cập nhật: Thứ năm, 3/3/2016 | 3:01:00 PM
YBĐT - Cùng với các địa phương khác, huyện Trấn Yên đã và đang triển khai rà soát, điều chỉnh lại hệ thống trường lớp nhằm đảm bảo ổn định cho sự phát triển lâu dài, tăng khả năng tiếp cận giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập cho tất cả mọi người, giảm tối đa số trường điểm, trường lẻ tại các thôn.
Học sinh tiểu học ở xã Hồng Ca đã có điều kiện học hành ngày một tốt hơn. Ảnh MQ
|
Với chủ trương sáp nhập các trường trung học phổ thông (THCS) có quy mô nhỏ, từ nay đến 2020 ổn định, không tăng học sinh; mỗi đơn vị xã, thị trấn có tối đa 3 đơn vị trường học; chỉ duy trì điểm trường lẻ ở những thôn, bản quá xa điểm trường chính, giao thông đi lại khó khăn, địa hình cách trở, dân cư không tập trung và các yếu tố đặc thù khác không đảm bảo an toàn cho học sinh; cấp THCS không duy trì điểm trường lẻ; đầu tư xây dựng trường học theo hướng chuẩn hóa.
Đồng thời phát triển đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu; phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết với nghề, có trình độ chuyên môn vững, có phương pháp dạy học tiên tiến, làm chủ công nghệ, thiết bị dạy học hiện đại… để đến năm 2020, đảm bảo huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp đạt 25% đối với nhà trẻ; 98,5% đối với mẫu giáo và duy trì 100% đối với mẫu giáo 5 tuổi; trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%, tỷ lệ học sinh hoàn thành cấp tiểu học đạt 96,5%; tỷ lệ học sinh hoàn thành cấp THCS đạt 94,5%.
Đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, thiết bị dạy học ngoại ngữ cho các trường phổ thông để 85% học sinh tiểu học, 100% học sinh THCS được học môn Tin học, Ngoại ngữ; 100% học sinh mầm non, tiểu học được học 2 buổi/ngày.
Theo Dự thảo Đề án “Rà soát, điều chỉnh mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông huyện Trấn Yên giai đoạn 2016 - 2020” mà huyện Trấn Yên xây dựng thì ngay từ năm học 2016 - 2017 sẽ thực hiện chia tách, sáp nhập ở 9 đơn vị nhà trường.
Sau khi tiến hành rà soát, chia tách, sáp nhập, toàn huyện dự kiến còn 60 trường (giảm 5 trường) và 58 điểm trường, trong đó cấp học mầm non 22 trường, 39 điểm trường; cấp học tiểu học 15 trường tiểu học độc lập, 17 điểm trường; cấp học THCS: 13 trường, 2 điểm trường; liên cấp tiểu học và trung học cơ sở: 10 trường.
Các năm học tiếp theo sẽ thực hiện việc chia tách, sáp nhập các nhà trường còn lại, để đến hết năm 2020 (kết thúc đề án) toàn huyện dự kiến còn 58 trường và 47 điểm trường, trong đó cấp học mầm non 22 trường, 34 điểm trường; tiểu học 11 trường tiểu học, 13 điểm trường; THCS 12 trường; liên cấp tiểu học và THCS 13 trường.
Mục tiêu của việc điều chỉnh mạng lưới hệ thống trường lớp ở Trấn Yên là rất rõ ràng, lộ trình đã được xây dựng một các cụ thể, huyện Trấn Yên đang từng bước triển khai Đề án một cách thận trọng, theo đúng quy trình nhằm phát huy tối đa những mặt tích cực, đảm bảo chất lượng dạy và học, đồng thời ổn định tư tưởng đội ngũ cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh.
Trao đổi về vấn đề này, bà Tô Thị Ánh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trấn Yên cho biết: Huyện sẽ điều động giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu; giải quyết chế độ hưu trí đối với những trường hợp đủ điều kiện hoặc đánh giá năng lực, xem xét giải quyết tinh giản biên chế theo Nghị định 108/NĐ-CP; đánh giá, xem xét bổ nhiệm lại hoặc miễn nhiệm đối với những trường hợp không đủ năng lực.
Về đội ngũ nhân viên, trên cơ sở đánh giá, phân loại viên chức kế toán, yêu cầu nhiệm vụ công tác kế toán trường học, bố trí theo hướng 1 xã có 1 kế toán đảm nhiệm công tác kế toán của tất cả các trường trên cùng địa bàn. Như vậy, số nhân viên kế toán cần có 22 người, thừa 39 người.
Số nhân viên kế toán thừa sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hoặc bố trí làm kiêm nhiệm các công việc khác như: văn thư - thủ quỹ, thư viện, thiết bị… Số nhân viên này hiện nay còn rất thiếu nên chắc chắn sẽ không có trường hợp mất việc làm hoặc quá thiệt thòi về thu nhập cũng như khó khăn về ăn ở, đi lại…
Việc sắp xếp, điều chỉnh 9 đơn vị nhà trường trong năm học 2016 - 2017 này có rất nhiều thuận lợi, đội ngũ cán bộ, giáo viên cơ bản ổn định; một số trường hợp đến hoặc sắp đến tuổi nghỉ chế độ, số giáo viên phải luân chuyển cũng chỉ trong địa bàn xã hoặc hợp lý về điều kiện sinh hoạt; học sinh cũng không phải đi quá xa hoặc có đi xa hơn nhưng điều kiện đường sá cũng tốt hơn trước rất nhiều - bà Ánh cho biết thêm.
Nhiệm vụ trước mắt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên và phụ huynh nhận thức rõ việc rà soát, điều chỉnh mạng lưới trường, lớp là chủ trương lớn của tỉnh, huyện; là một yêu cầu tất yếu, khách quan đối với sự phát triển sự nghiệp giáo dục trong giai đoạn tới.
Từ đó, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy,chính quyền các cấp, vai trò nòng cốt của ngành giáo dục, trách nhiệm của từng cán bộ, giáo viên, công chức, viên chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giúp người dân, nhất là phụ huynh học sinh hiểu rõ sắp xếp lại trường lớp là để nâng cao chất lượng dạy và học.
Là một địa phương làm rất tốt công tác luân chuyển, điều động cán bộ nói chung, cán bộ quản lý và giáo viên nói riêng, với kinh nghiệm sẵn có cũng như sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, tin tưởng rằng với cách làm thận trọng, khoa học, đảm bảo tính thực tiễn cao, việc rà soát điều chỉnh mạng lưới trường lớp ở huyện Trấn Yên sẽ được thực hiện một cách thành công.
Lê Phiên
Các tin khác
Ngày 3-3, Bộ GD-ĐT vừa ra thông báo về việc lưu ý một số vấn đề liên quan đến tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Ngày 2/3, tại Hải Phòng, Bộ Y tế tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế và triển khai kế hoạch tinh giản biên chế theo quy định của Luật viên chức 2010 trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào ASEAN.
Từ ngày 7/3 tới, 34 trường trung học (26 trường THCS, 8 trường THPT) tại Vĩnh Phúc sẽ bắt đầu dạy học thí điểm môn Toán song ngữ Việt – Anh.
YBĐT - Tháng Thanh niên 2016, hứa hẹn sẽ tạo nên những điểm nhấn đáng chú ý trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trên địa bàn toàn tỉnh.