Trạm Tấu: Hiệu quả trường học mới tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc
- Cập nhật: Thứ sáu, 11/3/2016 | 9:25:11 AM
YBĐT - Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) là kiểu mô hình nhà trường tiên tiến, xóa bỏ những bất cập của cách dạy truyền thống nhằm tăng cường tương tác giữa giáo viên và học sinh, tạo bầu không khí học tập thân thiện.
Một giờ học theo mô hình VNEN của học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc.
|
Giáo viên phải tự trau dồi, nâng cao trình độ. Học sinh sẽ không học thụ động mà bắt buộc phải có sự trao đổi, tư duy với giáo viên và các bạn cùng lớp, từ đó nâng cao hiệu quả tiếp nhận đối với học sinh. Sau hơn 4 năm triển khai mô hình tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, huyện Trạm Tấu đã cho thấy hiệu quả tích cực.
Tại một giờ học Toán của học sinh lớp 5, thấy có khách, được sự cho phép của cô giáo, Chủ tịch Hội đồng Tự quản đứng lên hô: “Các bạn đứng!”, đồng loạt cả lớp đứng dậy: “Chúng em chào các cô các chú!”. Sau đó, em Sùng Thị May – Trưởng ban Đối ngoại tự tin dõng dạc giới thiệu về lớp học, các thành viên Hội đồng Tự quản, các bạn trong lớp, các nhóm... Đó là điều mà học sinh tiểu học nói chung hiếm khi làm được, chứ chưa nói đến những học sinh vùng cao vốn nhút nhát.
Năm học 2011 - 2012, Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc là một trong những trường tiểu học đầu tiên toàn tỉnh được chọn để triển khai mô hình VNEN. Khóa học sinh đầu tiên theo mô hình này đã tốt nghiệp và đang học lớp 6 học theo mô hình trường học mới tại Trường THCS Lý Tự Trọng.
Đánh giá về chất lượng học sinh theo mô hình VNEN, thầy giáo Đào Ngọc Sơn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Điều dễ dàng nhận thấy là, học sinh của Trường rất tự tin trong giao tiếp. Trong 10 em của xã Hát Lừu đỗ vào Trường Dân tộc nội trú THCS Trạm Tấu thì có 8 em là học sinh của Trường; 100% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học”.
Năm học 2015 - 2016, Trường có 9 lớp với 198 học sinh, trong đó có 8 lớp theo chương trình VNEN với 155 em tham gia. Đây là năm học thứ tư Trường thực hiện chương trình thí điểm dạy học theo mô hình mới nên tư duy và nhận thức của giáo viên đã có nhiều thay đổi.
Đội ngũ giáo viên đã mạnh dạn học hỏi, tự nghiên cứu, sớm tiếp cận với phương pháp dạy học theo mô hình mới; có trình độ chuyên môn và nghề nghiệp vững vàng. Bên cạnh đó, nhà trường nhận được sự đồng tình, ủng hộ, vào cuộc của cha mẹ học sinh, của chính quyền địa phương nên việc tiếp tục triển khai mô hình VNEN được thuận lợi, đạt hiệu quả cao.
Cô Lò Thị Vinh - giáo viên lớp 5, người đã công tác tại vùng cao 23 năm và gần 5 năm giảng dạy mô hình VNEN cho biết: “Lúc đầu cả thầy, trò đều bỡ ngỡ nhưng nay, thầy cô thì nhuần nhuyễn, có nhiều sáng tạo trong giảng dạy theo mô hình mới; học trò thì quen với cách dạy mới, chủ động lĩnh hội kiến thức, tự tin trong giao tiếp. Chất lượng giáo dục cũng từ đó được nâng lên rất nhiều”.
Đã là năm thứ 5 thực hiện giảng dạy theo mô hình VNEN, song ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh để trao đổi thông tin; tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên, và cả phụ huynh học sinh; bám sát kế hoạch của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), Sở (GD-ĐT), Phòng GD-ĐT về triển khai thực hiện dự án; xây dựng kế hoạch giảng dạy, truyền thụ kiến thức và hỗ trợ học sinh có thể lĩnh hội kiến thức một cách hiệu quả nhất, đầy đủ nhất.
Nhà trường xác định phải thực hiện nghiêm túc chương trình, xây dựng thời khóa biểu phù hợp, đủ số tiết số môn và các hoạt động giáo dục, không cắt xén, chú trọng đến các tiết ôn luyện thực hành và tổ chức các hoạt động.
Bên cạnh việc hỗ trợ cán bộ giáo viên về mặt chuyên môn, nhà trường đã được các bậc phụ huynh quan tâm nhiều hơn đến các em, tạo mọi điều kiện thuận lợi để cùng với nhà trường hoàn thành tốt mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Thầy Đào Ngọc Sơn cho biết thêm: “Mô hình này, cùng khối lượng kiến thức theo chuẩn chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng cách triển khai dạy và học hoàn toàn khác biệt. Với cách giảng dạy theo mô hình VNEN thì giáo viên không phải soạn bài, học sinh không phải kiểm tra, không chấm điểm, cũng không cần sổ học bạ… nhưng cuối năm học hoặc cuối cấp học, giáo viên vẫn đủ tiêu chí, cơ sở đánh giá toàn diện năng lực của từng học sinh, tạo sự hứng thú của cả cô lẫn trò trong dạy và học”.
Hiệu quả mô hình trường học mới (VNEN) ở Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc đã cho thấy một hướng đi đúng, một phương pháp hiệu quả cho mục tiêu tiếp tục đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục của huyện Trạm Tấu nói riêng và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giáo dục chung của tỉnh.
Minh Tư
Các tin khác
YBĐT - Mặc dù vẫn còn 7 người nghiện ma túy, trong đó có 4 người đang cai nghiện tại cộng đồng, nhưng xã Chấn Thịnh (Văn Chấn) nhiều năm liền không có tụ điểm buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, tình hình an ninh trật tự bảo đảm, đời sống nhân dân nâng lên…
Bộ Y tế vừa ban hành tài liệu hướng dẫn thực hiện quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện. Đây là tài liệu được áp dụng tại tất cả các bệnh viện trong bối cảnh hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh.
Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp của Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững sáng 10/3.
YBĐT - Trạm Tấu là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước, với trên 95% là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, với sự giúp đỡ của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, quần chúng đã cung cấp cho lực lượng công an hàng trăm nguồn tin có giá trị, vận động nhân dân giao nộp các loại vũ khí tự chế.