Yên Bái chủ động cao nhất phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika
- Cập nhật: Thứ ba, 5/4/2016 | 6:24:51 PM
YênBái - YBĐT – Đây là khẳng định của thạc sỹ, bác sỹ Lê Thị Hồng Vân - Phó giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khi trao đổi với phóng viên Báo Yên Bái trước những diễn biến của vi rút Zika hiện nay.
Các y, bác sỹ tư vấn tại các hộ dân về cách bảo vệ sức khỏe cho gia đình
|
Sáng 5/4, Bộ Y tế đã công bố hai trường hợp người Việt Nam đầu tiên nhiễm vi rút Zika. Kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh đối với hai bệnh nhân cư trú tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và thành phố Hồ Chí Minh đều cho kết quả dương tính với vi rút Zika. Mặc dù Yên Bái chưa phát hiện trường hợp bệnh nhân nào, nhưng trước sự xuất hiện của loại vi rút này tại Việt Nam, công tác phòng chống đang rất cấp thiết.
P.V: Tại cuộc họp báo sáng 5/4, Bộ Y tế công bố tại Việt Nam đã có 2 bệnh nhân nhiễm vi rút Zika. Là một chuyên gia trong lĩnh vực y tế dự phòng, xin bác sỹ cho biết, Yên Bái có thể nằm trong địa phương có nguy cơ cao xuất hiện loại vi rút này?
Bác sỹ Lê Thị Hồng Vân: Yên Bái không phải là tỉnh có nguy cơ cao xuất hiện loại vi rút này, vì theo báo cáo giám sát nhiều năm, Yên Bái không có muỗi Aedes trong các mẫu được giám sát. Từ tháng 10 năm 2015 đến nay, đã giám sát 594 mẫu muỗi tại 130 địa điểm đều không phát hiện muỗi Aedes (là loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và vi rút Zika).
Tuy nhiên, nguy cơ bệnh do vi rút Zika xâm nhập vào địa bàn tỉnh là hoàn toàn có thể, do sự giao lưu của khách du lịch, người lao động xuất khẩu trở về từ các quốc gia có dịch về cư trú trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Phương tiện giao thông có thể mang theo muỗi truyền bệnh từ nơi khác đến.
P.V: Bác sỹ có thể cho biết rõ hơn vi rút Zika là gì? Mức độ nguy hiểm của loại vi rút này và cơ chế lây nhiễm?
Bác sỹ Lê Thị Hồng Vân: Bệnh do vi rút Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền, có thể gây thành dịch. Bệnh chủ yếu lây qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes. Muỗi Aedes đốt người bệnh và truyền vi rút Zika từ người bệnh sang người lành. Cũng có những trường hợp trên thế giới ghi nhận lây truyền qua đường tình dục, nhưng hiếm gặp.
Các triệu chứng chính khi người bị nhiễm vi rút Zika là sốt, phát ban, kèm theo có thể có viêm kết mạc, đau cơ, đau đầu. Hầu hết các trường hợp nhiễm vi rút Zika có biểu hiện triệu chứng nhẹ và vừa hoặc không có biểu hiện triệu chứng, bệnh có thể tự khỏi.
Vấn đề đáng lo lắng là nguy cơ mắc hội chứng đầu nhỏ với thai nhi. Khi người mẹ mang thai trong 3 tháng đầu mà nhiễm vi rút Zika thì có khả năng đứa trẻ sinh ra sẽ bị chứng đầu nhỏ (hay teo não), em bé sẽ phát triển không bình thường (tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp nhiễm vi rút Zika đều gây hội chứng đầu nhỏ). Các trường hợp có thai trong 3 tháng đầu khi có biểu hiện nghi ngờ nhiễm vi rút Zika cần phải được giám sát đầy đủ và có kế hoạch theo dõi thai nhi tại cơ sở y tế.
P.V: Yên Bái đã triển khai công tác phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika như thế nào, thưa bác sỹ?
Bác sỹ Lê Thị Hồng Vân: Ngay sau khi có chỉ đạo của Bộ Y tế, ngành y tế tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế đến tất cả các đơn vị trong ngành với trên 50 đại biểu tham dự (Hội nghị tập huấn tổ chức ngày 15/3/2016).
Ngành y tế Yên Bái đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh do virut Zika trên địa bàn toàn tỉnh (Kế hoạch số 42/KH-SYT ngày 4/3/2016). Theo đó chia ra các tình huống dịch bệnh như: tình huống chưa có ca bệnh, tình huống có ca bệnh rải rác và tình huống dịch lây lan trong cộng đồng để chủ động các phương án đối phó.
Ngành cũng yêu cầu đối với các hoạt động chuyên môn phải chủ động giám sát muỗi Aedes ở một số nơi tập trung đông dân cư, giao thông đi lại thường xuyên; phối hợp với các đơn vị liên quan (Phòng Quản lý xuất nhập cảnh- Công an tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Ngoại vụ) giám sát, cung cấp thông tin cập nhật các trường hợp đi - về từ vùng dịch (đã cập nhật thông tin của trên 200 người từ nước ngoài đến Yên Bái, chưa phát hiện người nào từ vùng có dịch về).
Các cơ sở y tế tăng cường giám sát, phát hiện trường hợp nghi hội chứng đầu nhỏ ở thai nhi; sẵn sàng các điều kiện chuyên môn cho công tác chống dịch; tăng cường tuyên truyền và phát động phong trào diệt muỗi, diệt bọ gậy, vệ sinh môi trường ở tất cả các huyện, thị, thành phố; huy động người dân vào cuộc chủ động phòng bệnh.
P.V: Là một chuyên gia trong lĩnh vực y tế dự phòng, bác sỹ có lời khuyên gì với người dân, đặc biệt với các bà mẹ mang thai?
Bác sỹ Lê Thị Hồng Vân: Để chủ động phòng chống bệnh do virus Zika xâm nhập và lây lan, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: người đi/đến/về từ quốc gia đang có dịch bệnh do virus Zika chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị, không tự ý điều trị tại nhà; đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn bát; thường xuyên loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...;
Mọi người phải ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch; phụ nữ có thai hoặc dự định có thai không nên đến các quốc gia đang có dịch bệnh do virus Zika khi không cần thiết; chủ động các biện pháp phòng chống muỗi đốt.
P.V: Xin cảm ơn bác sỹ!
Ngọc Sơn (thực hiện)
Các tin khác
YBĐT - Năm 2015, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Văn Chấn có 7 mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập ổn định từ 70 đến 500 triệu đồng.
YBĐT - Theo dự kiến, đại hội Hội chữ thập đỏ cấp cơ sở ở 31 xã, thị trấn của huyện Văn Chấn sẽ diễn ra từ ngày 15/4 đến cuối tháng 5/2016, tiến tới Đại hội Hội Chữ thập đỏ huyện Văn Chấn lần thứ VI dự kiến tổ chức vào trung tuần tháng 9/2016.
YBĐT - Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ (KHCN) và chăm sóc sức khỏe cộng đồng (YEN BAI CDSH) là tổ chức KHCN trực thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, làm nhiệm vụ ứng dụng KHCN nhằm cải thiện sức khỏe trẻ em, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người yếu thế…
Với người dân đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi) nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) chưa đủ 20 năm, từ ngày 4/4 sẽ được đóng BHXH một lần để hưởng lương hưu.