Các trường đại học giảm chỉ tiêu tuyển sinh hệ cao đẳng
- Cập nhật: Thứ sáu, 8/4/2016 | 8:28:14 AM
Năm nay, thực hiện quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT), các trường đại học đồng loạt giảm chỉ tiêu tuyển sinh bậc cao đẳng, từ 30% đến 50% so với năm 2015.
Thí sinh nộp hồ sơ vào trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).
|
Thực hiện Thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo hệ cao đẳng tại các cơ sở giáo dục đại học, năm 2016, các trường đại học đều giảm chỉ tiêu tuyển sinh từ 30% đến 50%, tiến tới dừng việc đào tạo hệ này trước năm 2020. Đây là lộ trình hợp lý để các cơ sở giáo dục đại học tập trung nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học và sau đại học, đồng thời tạo nguồn tuyển sinh cho hệ thống các trường cao đẳng.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có gần 140 trường đại học có đào tạo trình độ cao đẳng. Trong năm học 2014-2015, nhiều trường đại học có chỉ tiêu tuyển sinh hệ cao đẳng lớn, lấn át chỉ tiêu tuyển sinh của các trường cao đẳng cùng nhóm ngành nghề. Trong khi đó, những năm gần đây, hầu hết các trường cao đẳng đều không tuyển đủ chỉ tiêu.
Năm nay, thực hiện quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học đã đồng loạt giảm chỉ tiêu tuyển sinh bậc cao đẳng, từ 30% đến 50% so với năm 2015, thậm chí một số trường đã dừng tuyển sinh hệ đào tạo này. Đơn cử như trường Đại học Công nghiệp Hà Nội giảm 1.500 chỉ tiêu, Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) giảm 30% chỉ tiêu, Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị giảm 250 chỉ tiêu, Học viện Ngân hàng giảm 200 chỉ tiêu, Đại học Giao thông vận tải TP HCM cắt giảm 4 ngành đào tạo bậc cao đẳng...
Ông Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết: “Năm ngoái, chỉ tiêu của trường là 2.900, năm nay còn 1.400 và năm sau 1.000 và năm sau nữa sẽ hết luôn, giảm nhanh hơn tiến độ. Bản thân nhà trường trước đây là trường cao đẳng, năm 2005 nâng cấp lên đại học thì lộ trình của trường cũng đã chuyển dịch dần rồi, giảm cao đẳng và tăng dần đại học. Thời điểm này cũng đến lúc các trường đại học phải tuân thủ quy trình, nếu giảm từ từ thì còn mất nhiều thời gian mới chấm dứt được”.
Ông Phạm Kim Thư, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị (Hà Nội) cho biết, việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh hệ cao đẳng vừa là theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng cũng là do những năm gần đây, các trường đều gặp khó khăn trong tuyển sinh bậc đào tạo này.
Nguyên nhân là sinh viên tốt nghiệp bậc cao đẳng gặp khó khăn khi muốn học liên thông lên bậc đại học do phải thi các môn văn hóa cùng với thí sinh dự thi đại học hệ chính quy.
“Thực tế các trường đại học hệ cao đẳng trong các năm vừa qua cũng khó tuyển sinh. Trường không có khối ngành kỹ thuật nghề mà chỉ có kế toán, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, ngoại ngữ, du lịch, quản trị kinh doanh nên khối ngành này hệ cao đẳng các năm vừa rồi đăng ký cũng rất ít. Việc giảm này đối với các khối ngành kinh tế, ngôn ngữ thì không ảnh hưởng gì nhiều”- ông Phạm Kim Thư cho biết.
Theo lãnh đạo các trường, việc trường đại học giảm chỉ tiêu và tiến tới dừng đào tạo hệ cao đẳng là lộ trình hợp lý, nhằm tạo nguồn tuyển cho hệ thống các trường cao đẳng, đảm bảo cơ cấu đào tạo theo trình độ, ngành nghề hợp lý với nhu cầu nhân lực của xã hội.
Về phía các trường đại học cũng sẽ tập trung các nguồn lực cơ sở vật chất, giáo viên vào nhiệm vụ chính là đào tạo trình độ đại học và sau đại học, nâng cao chất lượng đào tạo.
Ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng nói: “Đào tạo bậc cao đẳng thì còn một hệ thống rất nhiều trường cao đẳng chuyên đào tạo bậc này. Nếu như các đại học, học viện vẫn tiếp tục đào tạo cao đẳng với một quy mô lớn thì đương nhiên sẽ thu hút thí sinh, hạn chế đến sự phát triển của các khối các trường cao đẳng.
Trong các bậc đào tạo thì các đại học, học viện nên tập trung vào bậc đào tạo đại học và sau đại học. Còn phân khúc cao đẳng nên để hệ thống các trường cao đẳng tập trung đào tạo thì sẽ tốt hơn”.
Các chuyên gia cũng cho rằng, nếu các trường cao đẳng không đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giảng viên, đổi mới chương trình đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp... thì vẫn gặp khó khăn trong tuyển sinh dù các trường đại học có đào tạo bậc cao đẳng hay không.
(Theo VOV)
Các tin khác
Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT), đề thi THPT quốc gia năm nay gồm 60% kiến thức cơ bản và 40% nâng cao, về cơ bản giữ ổn định như kỳ thi năm 2015.
YBĐT - Đến ngày 7/4, huyện Văn Yên có 21/27 xã, thị trấn tổ chức thành công đại hội phụ nữ cấp cơ sở.
YBĐT - Ngày 6/4, UBND tỉnh Yên Bái có Công văn số 651/UBND-NC về việc Bộ Ngoại giao uỷ quyền cho Sở Ngoại vụ tỉnh Yên Bái tiếp nhận hồ sơ đề nghị chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự.
YBĐT - Ngày 7/4, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) tỉnh phối hợp với Ban Chỉ đạo vận động HMTN huyện Trấn Yên tổ chức Ngày hội toàn dân HMTN, với Thông điệp “Trấn Yên ngàn trái tim hồng” lần thứ 5.