Yên Bái chủ động phòng chống dịch bệnh giao mùa

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/4/2016 | 9:33:57 AM

YBĐT - Hiện nay, thời tiết đang chuyển từ xuân sang hè (từ lạnh sang nóng), mưa nhiều, độ ẩm không khí cao, là điều kiện thuận lợi để nhiều loại virus, vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh phát triển nhanh. Nhiều loại côn trùng trung gian truyền bệnh (muỗi, ruồi, gián…) sinh sản đã làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh.

Khi thời tiết giao mùa, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Khi thời tiết giao mùa, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Thời điểm giao mùa, dịch bệnh truyền nhiễm thường có những diễn biến phức tạp với một số dịch bệnh có nguy cơ bùng phát và lan rộng như: cúm, tay chân miệng, viêm kết mạc do Adeno virus, viêm não virus, bệnh dại, thủy đậu, quai bị, sốt mò…

Thạc sỹ, bác sỹ Lê Thị Hồng Vân - Phó giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Ngoài các bệnh phổ biến theo mùa, thì các dịch bệnh về đường tiêu hóa (tiêu chảy, lỵ…) cũng tăng nguy cơ bùng phát do điều kiện vệ sinh cá nhân, bảo quản thực phẩm, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo. Những căn bệnh này rất dễ lây lan trong cộng đồng thông qua đường hô hấp, ăn uống và tiếp xúc. Vì vậy, chủ động các biện pháp phòng bệnh là điều rất cần thiết như: tiêm phòng vắc - xin, vệ sinh nhà ở, khơi thông cống rãnh, diệt muỗi, diệt bọ gậy, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh…”.

Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong những tháng giao mùa xuân - hè năm 2015, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 18 ổ dịch thủy đậu tại một số trường tiểu học, mầm non của huyện Lục Yên, Yên Bình, Văn Chấn; 4 ổ dịch quai bị tại Văn Yên, Trấn Yên và thành phố Yên Bái. Đặc biệt, trong tháng 4/2015, ghi nhận 1 ổ dịch lỵ trực trùng tại xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải với tổng số 112 ca mắc. Bệnh ho gà cũng xuất hiện trở lại với 4 ca mắc. Phần lớn dịch bệnh bùng phát đều xuất phát từ sự thiếu hiểu biết trong phòng bệnh, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống và phong tục tập quán sinh hoạt của người dân.

Từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 947 ca cúm mùa (kết quả giám sát cho thấy, cúm mùa lưu hành ở Yên Bái gồm: cúm A/H1N1, cúm A/H3N2, cúm B), 239 trường hợp tiêu chảy. Trong tháng 1/2016, ghi nhận 1 ổ dịch tiêu chảy do lỵ trực trùng tại xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải với 148 ca mắc.

Số trường hợp mắc bệnh quai bị, thủy đậu cũng gia tăng trong thời điểm giao mùa; ổ dịch xảy ra rải rác ở một số trường tiểu học, trung học cơ sở tại Yên Bình, Trấn Yên, Trạm Tấu. Dự báo một số bệnh thường gặp vào thời điểm giao mùa như: cúm, tiêu chảy, tay chân miệng, thủy đậu, quai bị, sốt mò…. sẽ có thể gia tăng trong thời gian tới nếu mỗi người dân không tích cực, chủ động các biện pháp phòng tránh.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh giao mùa, Sở Y tế đã triển khai một số hoạt động cụ thể với phương châm chủ động và hiệu quả  từ cơ sở, chủ động phát hiện dịch, khoanh vùng, không để dịch lan rộng và triển khai giám sát dịch ngay từ đầu. Ngành y tế sẽ chủ động tham mưu với UBND tỉnh các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh; kiện toàn và củng cố hoạt động của ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân các cấp, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị thành viên với yêu cầu luôn bám sát đơn vị, địa bàn cơ sở.

Đồng thời, trong thời gian tới, ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện đại chúng, nhằm tuyên truyền, phổ biến về các loại bệnh có thể mắc phải trong thời điểm giao mùa cũng như trong mùa hè để nhân dân biết và phòng tránh; hướng dẫn người dân giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường...; đảm bảo chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi, tuyên truyền lợi ích của tiêm vắc - xin phòng bệnh để người dân chủ động đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Ngành cũng xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh mùa hè, tăng cường trách nhiệm phòng chống dịch bệnh trong toàn hệ thống điều trị và đẩy mạnh công tác dự phòng; chủ động giám sát, phát hiện ca bệnh sớm, kịp thời khoanh vùng xử lý ngay khi dịch còn ở quy mô nhỏ; triển khai rà soát lại toàn bộ cơ số thuốc, hóa chất, vật tư và trang thiết bị chống dịch; củng cố đội cơ động chống dịch phản ứng nhanh đảm bảo sẵn sàng ứng phó và xử lí khi có dịch xảy ra; củng cố Phòng Xét nghiệm An toàn sinh học cấp II tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh; phát triển các kỹ thuật cao để chẩn đoán nhanh, chính xác các bệnh truyền nhiễm gây dịch.

Trần Ngọc

Các tin khác
Trường Tiểu học và THCS xã Chế Cu Nha, Mù Cang Chải được đầu tư xây dựng khang trang.

YBĐT - Là tỉnh miền núi, kinh tế đang phát triển, tuy nhiên thực hiện chủ trương, chính sách của của Đảng, Nhà nước đối với giáo dục và đào tạo (GDĐT), cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học từ vùng thấp đến vùng cao của tỉnh không ngừng được đầu tư, đáp ứng tốt sự nghiệp “trồng người”.

YBĐT - Theo Sở Nội vụ Yên Bái, đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 24.953 cán bộ, công chức, viên chức; trong đó, cán bộ, công chức, viên chức dân tộc thiểu số là 6.845 người, chiếm 27,4%.

Theo kết quả Tổ chức Giáo dục quốc tế Education First công bố cuối năm 2015, Việt Nam đứng thứ 29/70 quốc gia về mức độ thành thạo tiếng Anh.

Khảo sát và hướng dẫn người dân diệt muỗi, loăng quăng đúng cách.

Ngày 12/4, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết virus Zika có ảnh hưởng không lớn đến sức khỏe của người dân bình thường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục