Yên Bái phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc
- Cập nhật: Thứ ba, 19/4/2016 | 9:31:03 AM
YBĐT - Trong những năm qua, Yên Bái đã tiến hành bảo tồn trên 30 di sản văn hóa phi vật thể đồng thời bảo tồn một số làng cổ dân tộc thiểu số.
Thiếu nữ Thái Mường Lò trong trang phục truyền thống.
|
Với khoảng 30 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 54%, cùng những phong tục, tập quán, lễ hội đặc sắc đã tạo nên những nét rất riêng của Yên Bái. Để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa nói chung, giá trị văn hóa phi vật thể nói riêng, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp bảo tồn, khuyến khích các hoạt động sưu tầm, phổ biến rộng rãi trong đời sống tinh thần của nhân dân.
Năm 2015, là một năm đặc biệt với những người yêu văn hóa Thái và người dân Nghĩa Lộ - Mường Lò, bởi xòe Thái trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực gìn giữ xòe Thái nói riêng, các giá trị văn hóa phi vật thể nói chung ở vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ của nhân dân, nghệ nhân và chính quyền địa phương. Từ đó, có thể khẳng định, công tác chỉ đạo của tỉnh về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc những năm qua khá mạnh mẽ.
Để duy trì, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, Yên Bái luôn tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của nhân dân trong bảo tồn, xây dựng, phát triển những giá trị văn hóa mới, đặc biệt là phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các DTTS.
Hàng năm, các cấp, ngành tổ chức nhiều loại hình hoạt động văn hóa (liên hoan, giao lưu văn nghệ, hội diễn nghệ thuật quần chúng), nhằm khơi dậy, thu hút các nghệ nhân, diễn viên và các đội văn nghệ ở cơ sở tham gia như: Hội thi Nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục dân tộc; Liên hoan Hát ru dân tộc Tày; Liên hoan Dân ca các dân tộc Yên Bái...
Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn chỉ đạo các cơ quan chức năng và cơ sở quan tâm xây dựng, gìn giữ văn hóa dân tộc gắn với sưu tầm, tìm hiểu, phục dựng các lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của địa phương. Đồng thời, mở rộng giao lưu với các địa phương bạn, nhằm tiếp thu có chọn lọc những nét tinh hoa văn hóa truyền thống các dân tộc, kết hợp với đấu tranh chống các hủ tục, mê tín, dị đoan.
Lồng ghép việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với Phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; vận động các nghệ nhân truyền dạy dân vũ dân gian, dân ca cho thế hệ trẻ; tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc với Ngày hội Văn hóa thể thao dân tộc... tạo điều kiện để các dân tộc giao lưu, học hỏi, thắt chặt tình đoàn kết giữa các khu dân cư.
Hội "Hạn Khuống" của đồng bào Thái vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ đã được nghiên cứu bảo tồn và phát huy trong thời gian tới.
Hơn nữa, đây là dịp để mỗi dân tộc ở từng vùng miền khác nhau có điều kiện được phô diễn những giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc và góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Trong những năm qua, Yên Bái đã tiến hành bảo tồn trên 30 di sản văn hóa phi vật thể như: Lễ "Tăm khảu mảu" của người Tày; “Lễ cơm mới của người Khơ Mú”; “Tết Xíp xí của người Thái đen ở Mường Lò; “Lễ cúng họ Zù Su của người Mông”... Bảo tồn một số làng cổ dân tộc thiểu số như: "làng cổ Pang Cáng, dân tộc Mông ở Suối Giàng"; làng cổ "Viềng Công, dân tộc Thái ở xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn"…
Bên cạnh đó, xây dựng một số làng văn hoá dân tộc phục vụ du lịch như làng có nghề làm giấy dó của dân tộc Dao (Văn Yên), làng có nghề đan lát, nghề rèn, chạm khắc, nghề xe lanh, dệt vải của người Mông ở Mù Cang Chải… Trong đó, nghề truyền thống được khôi phục, bảo tồn và phát huy phát triển nhất hiện nay là nghề dệt thổ cẩm của người Thái vùng Mường Lò với việc phục hồi hơn 500 khung cửi rải rác khắp các thôn người Thái ở huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ.
Ngoài ra, tỉnh đã làm tốt việc bảo tồn tiếng dân tộc và chữ Thái cổ ở Nghĩa Lộ và vùng Mường Lò. Các trò chơi, trò biểu diễn dân gian trong các lễ hội, các làn điệu dân ca được khôi phục, cải biên, đặt lời mới đã đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân.
Công tác bảo tồn góp phần phát huy những tinh hoa văn hóa vùng DTTS; giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc vùng đồng bào DTTS tới bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần tăng cường giao lưu, hội nhập, phát triển, khích lệ đồng bào giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay. Đặc biệt, công tác bảo tồn văn hóa DTTS còn góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Việc khai thác các giá trị văn hóa phi vật thể, vật thể điển hình của các DTTS phục vụ du lịch, đã và đang đem lại nguồn thu cải thiện đời sống của đồng bào.
Nhằm thực hiện hiệu quả việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh đến năm 2020, tỉnh đặt trọng tâm vào việc tiếp tục triển khai kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trong giai đoạn III (2015 - 2017); tiếp tục triển khai các dự án bảo tồn văn hóa phi vật thể của các DTTS. Lập danh sách các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một và tiến hành đưa vào danh mục bảo tồn văn hóa cấp quốc gia từ 4 - 5 di sản, trong đó, tập trung vào các DTTS như: Mông, Dao, Tày, Thái...
Minh Tư
Các tin khác
Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nhật Bản đã mở 3 đường dây nóng (+81) 80 3590 9136, (+81) 80 3984 6668 và (+81) 80 3904 0198 để tiếp nhận những thông tin liên quan đến tình hình công dân Việt Nam nhằm kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ khẩn cấp.
Chiều và đêm nay (17/4), bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ.
Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Văn bản số 1610/BGDĐT-KTKĐCLGD về việc miễn kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Theo đó, có 137 học sinh tham gia kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế năm 2016 không phải thi THPT quốc gia năm 2016.
Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.