Mái trường “chắp cánh” ước mơ

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/4/2016 | 3:08:43 PM

YBĐT- 34 năm kể từ ngày thành lập, quãng thời gian chưa thật dài với một mái trường nhưng cũng đủ để Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) THPT tỉnh Yên Bái tạo cho mình một thành tích đáng nể.

Cô và trò lớp 12 Trường PTDTNT THPT tỉnh trong giờ ôn tập môn Toán.
Cô và trò lớp 12 Trường PTDTNT THPT tỉnh trong giờ ôn tập môn Toán.

Đối diện với con đường Yên Ninh tấp nập người qua lại, phía sau cánh cổng lớn là không gian tĩnh lặng. Không tìm hiểu, ít ai biết trong đó luôn là nơi học tập, sinh sống của trên 400 học sinh người dân tộc thiểu số, với ngần ấy ước mơ, khát khao vươn để trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Thăm Trường PTDTNT THPT tỉnh Yên Bái những ngày cô và trò đang tập trung toàn lực để chuẩn bị kết thúc năm học 2015 - 2016 và thi tốt nghiệp THPT quốc gia với kết quả cao nhất.

Cô Nguyễn Thị Hương - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường PTDTNT THPT tỉnh Yên Bái được thành lập từ tháng 10/1982, tiền thân là Trường Thanh niên Dân tộc vừa học vừa làm Bảo Hà. Năm học này, Trường có 12 lớp với 421 học sinh. Tỉ lệ duy trì số lượng  đạt 99,3%”.

34 năm kể từ ngày thành lập, quãng thời gian chưa thật dài với một mái trường nhưng cũng đủ để Trường PTDTNT THPT tỉnh tạo cho mình một thành tích đáng nể.

Đào tạo trên 3.200 học sinh người dân tộc thiểu số; tỉ lệ học sinh thi đỗ và học tập trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hàng năm từ 70 đến 80%. Học sinh nhà trường giành 39 giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, 120 giải học sinh giỏi cấp tỉnh, 15 giải các môn văn hóa trong các hội thi văn hóa - thể thao các trường THPT dân tộc nội trú toàn quốc...

Đặc biệt, từ mái trường này, hơn 2.000 học sinh dân tộc thiểu số đã trưởng thành là những bác sĩ, kỹ sư, giáo viên... trong đó, nhiều người trở thành sĩ quan chỉ huy trong lực lượng vũ trang, đại biểu Quốc hội, cán bộ quản lý trường học, là cán bộ chủ chốt ở các địa phương, đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn…

Với những thành tích đạt được, nhiều năm liền Trường là đơn vị dẫn đầu khối THPT của tỉnh, được Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, các ban, ngành, đoàn thể tặng nhiều cờ thi đua, bằng khen, giấy khen.

Đặc biệt, năm 1997 và 2005, trường được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và Huân chương Lao động hạng Nhì; năm 2010 và năm 2015 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Trường được công nhận đạt tiêu chuẩn “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” và đạt chuẩn quốc gia...

Thành tích ấy, theo cô Hương, cùng sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Sở Giáo dục và Đào tạo, các ban ngành, đoàn thể, địa phương thì quan trọng hơn cả là do đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường qua các thời kỳ luôn đoàn kết, có tinh thần trách nhiệm đối với công việc được giao. Là sự đồng thuận của cha mẹ học sinh trong công tác xã hội hóa giáo dục, sự nỗ lực của các em học sinh trong thực hiện nề nếp theo quy định của nhà trường…

Học sinh Trường PTDTNT THPT tỉnh tăng cường ôn tập để đạt kết quả cao nhất.

Trên đường lên thăm lớp, dù gặp chúng tôi là khách lạ nhưng các em học sinh đều lễ phép chào. Điều đó cho thấy dưới mái trường này các em không chỉ được học văn hóa, nuôi dưỡng, mà còn được thầy cô quan tâm rèn luyện đạo đức - tiền đề quan trọng của người công dân tốt.

Khuôn mặt tươi, ánh mắt sáng ngời, em Tào Thị Hồng - dân tộc Mông, học sinh lớp 12 C tâm sự: “Ở đây chúng em được các thầy cô chăm sóc, nuôi dạy chu đáo. Em cố gắng học thật tốt để không phụ lòng thầy cô! Năm nay em phấn đấu sẽ thi vào Trường Đại học Y Thái Nguyên để trở thành bác sỹ chữa bệnh cho mọi người”.

Tranh thủ giờ ra chơi giữa tiết học, chúng tôi đã trao đổi với cô Nguyễn Thị Thanh Lang - giáo viên môn Toán, được cô cho biết: “Thực hiện kế hoạch của nhà trường, hiện toàn bộ giáo viên đang ôn tập, hệ thống lại kiến thức và kỹ năng cơ bản theo chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình giáo dục THPT. Trong đó, việc giúp học sinh lớp 12 làm quen với đề thi theo tinh thần chỉ đạo của cấp trên được trú trọng. Bên cạnh đó, giáo viên cũng thông tin và chuẩn bị tâm lý cho học sinh khi bước vào kỳ thi”.

Tìm hiểu được biết thêm, ngay từ đầu kỳ 1, sau khi học sinh đã ổn định nề nếp học tập, Trường đã thống kê kết quả khảo sát, đánh giá thực trạng học sinh, đặc biệt thông tin về kỳ thi năm nay. Đối với các bộ môn cơ bản như Toán, Lý, Hóa... nhà trường bố trí phụ đạo dạy đủ, đúng chương trình đã được quy định…

Có lẽ vì vậy mà em Lý Nguyên Trang - học sinh lớp 12 D khi trao đổi với chúng tôi đã rất tự tin cho biết: “Cùng với kiến thức chung cho kỳ thi tốt nghiệp, học sinh chúng em được các cô giáo thông tin về những nội dung mới của kỳ thi năm nay, đồng thời tư vấn việc chọn trường. Em tin tưởng vào  kết quả cao nhất kỳ thi năm nay!”.

Đưa chúng tôi đi thăm cơ sở vật chất của trường, cô Hương cho biết, để bảo đảm chất lượng dạy và học, chúng tôi yêu cầu giáo viên chủ nhiệm tổ chức lớp thực hiện đúng yêu cầu của từng môn học; chủ động liên hệ với giáo viên bộ môn, thường xuyên theo dõi tình hình học tập, sinh hoạt của lớp.

Bên cạnh đó, chuẩn bị cho kỳ thi, giáo viên thường xuyên động viên, nhắc nhở học sinh sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, bảo đảm sức khỏe để ôn tập hiệu quả; chú ý tới những học sinh yếu, vận động học sinh khá, giỏi hỗ trợ những học sinh này nắm được kiến thức cơ bản theo yêu cầu của kỳ thi… Điểm thuận lợi là kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay được tổ chức tại tỉnh, những đổi mới đó là cơ sở để tin tưởng vào kết quả cao nhất cho kỳ thi năm nay.

Với đặc thù của trường dân tộc nội trú, học sinh đều là người dân tộc thiểu số từ nhiều địa phương và vùng miền đặc biệt khó khăn đến học tập trung, cách sinh hoạt tập thể, sinh hoạt cộng đồng còn nhiều bỡ ngỡ. Hơn thế, phụ huynh đều ở vùng khó khăn, chưa có điều kiện quan tâm việc học tập của con em. Trong khi đó, dù đã được đầu tư cơ bản nhưng cơ sở vật chất nhà trường chưa đáp ứng đầy đủ với yêu cầu nhiệm vụ được giao. Nơi ở cho học sinh còn chật chội, phòng học chức năng, thí nghiệm thực hành đã được đầu tư nhưng đã lâu nên xuống cấp cần được bổ sung.

Bên cạnh đó, với 49 cán bộ, giáo viên nhân viên, trong đó có 3 giáo viên tăng cường, đến nay đội ngũ cơ bản đủ, bảo đảm về số lượng và cơ cấu môn học theo quy định của Bộ. Tuy nhiên, với định biên 2,4 giáo viên/ lớp đối với trường nội trú phải giảng dạy hầu như 2 buổi/ ngày điều này là một khó khăn đối với nhà trường.

Nhưng với tinh thần trách nhiệm, Trường đã tăng cường công tác kiểm tra các hoạt động giáo dục của giáo viên, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh, làm tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh ở nội trú. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh, với các lực lượng xã hội trong quản lý, giáo dục rèn luyện học sinh, rèn luyện các em trở thành người công dân có ích cho xã hội.

Chia tay với Trường PTDTNT THPT tỉnh, được biết thông tin vui tới đây nhà trường sẽ tiếp nhận cơ sở vật chất từ Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành cũ. Như vậy, điều kiện dạy và học của nhà trường sẽ tốt hơn và những ước mơ của các em càng có cơ sở thành hiện thực, để từ mái trường này các em sẽ là những nhân tố, những hạt mầm xây dựng quê hương vùng cao, vùng khó khăn trở lên giàu đẹp.

Nguyễn Đình

Các tin khác
Các em học sinh tham gia dán tờ rơi tuyên truyền phòng chống dịch bệnh do vi rút zika, sốt xuất tại Huế.

Với việc Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa và Thành phố Hồ Chí Minh ngày 22/4 công bố hết dịch bệnh do virus Zika quy mô xã, phường, đến nay, Việt Nam không còn địa phương nào ghi nhận sự xuất hiện dịch bệnh do loại virus này gây ra.

Cán bộ người dân tộc thiểu số huyện Văn Chấn trao đổi về công tác dân tộc bên lề Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX.
(Ảnh: Vũ Đồng)

YBĐT - Trong 2 năm (2014 - 2015), tỉnh Yên Bái mở 8 lớp, đào tạo 534 người, có 292 người là dân tộc thiểu số (DTTS) (chiếm gần 55%); bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động cho 4.881 lượt người, có 1.464 người là CBCCVC người DTTS (chiếm gần 30%).

Lãnh đạo Trạm Y tế xã Hòa Cuông (Trấn Yên) triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè.

YBĐT - Thời điểm này, hầu hết các xã, thị trấn ở Trấn Yên đã triển khai phòng, chống dịch bệnh mùa hè xuống từng khu dân cư, như: phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh…

Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước giúp các đối tượng giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Ảnh minh họa

YBĐT - Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Mù Cang Chải đang quản lý và chi trả cho 1.004 đối tượng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục