Sớm hình thành chuỗi an toàn thực phẩm
- Cập nhật: Thứ hai, 30/5/2016 | 2:08:50 PM
YBĐT - Chưa bao giờ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) lại thu hút sự quan tâm của dư luận như hiện nay. Các cấp, các ngành đã và đang vào cuộc tích cực, thậm chí đã nâng mức xử phạt... nhưng dường như vẫn chưa thể giải quyết tận gốc vấn đề nếu như chúng ta không hình thành chuỗi ATTP.
Nông dân thị xã Nghĩa Lộ sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP.
|
>> Xem Video: Nói không với "thực phẩm bẩn"
Vấn đề VSATTP, tình trạng thực phẩm bẩn, sử dụng chất cấm tràn lan gây bức xúc trong xã hội. Từ năm 2015 trở lại đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 19 vụ ngộ độc thực phẩm với 432 người mắc, 8 người tử vong.
Riêng 4 tháng đầu năm 2016 cũng đã xảy ra 7 vụ với 194 người mắc và làm tử vong 4 người. Đặc biệt, theo số liệu của ngành y tế, mỗi năm, Việt Nam có 75 ngàn người chết vì ung thư và có trên 150 ngàn người mắc mới.
Trong khi đó, theo các nhà khoa học, chế độ ăn uống không hợp lý, mất vệ sinh chiếm từ 30 - 35% nguyên nhân gây ung thư. Thực phẩm có thể mua bất cứ ở đâu nhưng phần lớn là không kiểm soát được VSATTP, cũng như không thể phân biệt được đâu là thực phẩm sạch, an toàn đâu là thực phẩm bẩn.
Trước "vấn nạn" thực phẩm bẩn, nhiều gia đình ở thành phố đã tận dụng những khoảng đất trống, thậm chí mua hộp xốp về trồng rau quả tự cung, tự cấp, ở nông thôn có đất đai rộng hơn nhiều gia đình thực hiện "chiến dịch vườn - ao - chuồng" phục vụ nhu cầu hàng ngày.
Nhưng đâu phải gia đình nào cũng có "điều kiện" nên phần lớn vẫn phải mua thực phẩm ở các chợ, người bán hàng rong dẫu vẫn biết rằng, "tai họa từ miệng mà ra, bệnh tật từ miệng mà vào". Vốn dĩ, thực phẩm không bẩn nhưng chính sự tham lam, ích kỷ và nhẫn tâm của con người đã vấy bẩn lên chúng.
Để loại trừ thực phẩm bẩn, trước tiên, mỗi người dân nên biết cách tự bảo vệ mình và bảo vệ người xung quanh bằng cách lên tiếng, nhắc nhở, cảnh báo cộng đồng. Hãy mạnh dạn phát hiện, tố cáo và thẳng tay trừng trị các trường hợp vi phạm để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ tương lai và giống nòi của dân tộc.
Một vấn đề nữa là hiện nay việc sản xuất và tiêu thụ của chúng ta còn rất manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm. Có một thực tế là không phải người chăn nuôi nào, hộ trồng rau nào cũng nhẫn tâm đầu độc bà con, cộng đồng mình nhưng vì chưa có một sự liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng.
Anh Quốc - một chủ trang trại chăn nuôi khá quy mô và thực hiện theo đúng quy trình an toàn, gà nuôi sau 6 tháng mới bán, đối với lợn cũng không dưới 5 tháng/lứa cho rằng, với bất cứ vật nuôi nào thì cũng phải sau 5 tháng mới "tiêu" hết dư lượng kháng sinh, còn đối với thức ăn thì phải chọn lựa những hãng cám không có chất tạo nạc...
Nhờ vậy, sản phẩm của gia đình anh luôn có giá bán cao. Cái khó của người sản xuất hiện nay là mình có sản xuất sạch thì cũng chẳng biết tiêu thụ ở đâu, tất cả được bán ở chợ. Sản phẩm mà đã ra chợ rồi thì sạch với bẩn cũng như nhau hết.
Cũng giống như các hộ chăn nuôi, người trồng rau ở Tuy Lộc, Tân Thịnh, Văn Phú (thành phố Yên Bái) hay các địa phương khác cũng vậy. Sản xuất rau xanh an toàn nhưng không hình thành được chuỗi sản xuất mà đều mang ra chợ bán lẫn với rau nhập từ các địa phương khác nhân dân hoang mang, giảm dần nhiệt huyết. Phần lớn thực phẩm bán ở chợ đều không kiểm soát được xuất xứ, chất lượng sản phẩm.
Trước thực trạng sản xuất hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, ngành nông nghiệp, các huyện, thị và người sản xuất cần hình thành khâu khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ với những sản phẩm có thương hiệu, xuất xứ rõ ràng.
Hình thành các cửa hàng chuyên bán thực phẩm sạch, "thực phẩm chuỗi", người tiêu dùng sẽ yên tâm sử dụng. Mọi sản phẩm, hàng hóa tại đây đều đạt tiêu chuẩn an toàn nhờ được kiểm soát từ khâu con giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi, giết mổ... Sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng là sản phẩm sạch và an toàn. Quản lý chuỗi thực phẩm an toàn có tính đột phá, mang lại hiệu quả bền vững.
Việc hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm được kiểm soát từ khâu cung ứng ban đầu là vật tư nông nghiệp đến quá trình sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, đóng gói, chế biến... đến tay người tiêu dùng. Biết là sẽ có nhiều khó khăn nhưng không phải là không làm được nếu có sự vào cuộc của "4 nhà" và đó cũng là con đường duy nhất để loại bỏ thực phẩm bẩn!
Ngọc Trúc
Các tin khác
YBĐT - Sáng 30 - 5, Trường Mầm non Hồng Ngọc, thành phố Yên Bái tổ chức lễ tổng kết năm học, vui Tết thiếu nhi 1/6, chia tay bé 5 tuổi vào lớp 1.
YBĐT - Chiều 29/5, Tỉnh đoàn Yên Bái, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh và Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức Lễ trưởng thành Học kỳ trong quân đội năm 2016 cho 106 chiến sỹ “nhí” sau 7 ngày đêm trải qua các nội dung trong chương trình Học kỳ trong quân đội năm 2016.
YBĐT- Với các phong trào, hoạt động cụ thể của các cấp, ngành, sự quan tâm của phụ huynh, hy vọng mùa hè này, các em sẽ có những sân chơi thật sự ý nghĩa, khắc ghi dấu ấn tuổi thơ qua những trò chơi, hoạt động bổ ích, lý thú.