Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - đáp ứng nhu cầu phát triển

Bài 3: Cần giải pháp đồng bộ

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/6/2016 | 3:03:13 PM

YBĐT - Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự nghiệp CNH - HĐH. Với 522.000 lao động hiện nay, qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm 30%. Để có lực lượng lao động có trình độ và chuyên nghiệp, bài toán đào tạo nghề cần có những giải pháp đồng bộ vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài.

Lao động xã Phúc Sơn (Văn Chấn) tham gia lớp học nghề trồng nấm tại địa phương.
Lao động xã Phúc Sơn (Văn Chấn) tham gia lớp học nghề trồng nấm tại địa phương.

>> Bài 1: Những kết quả đào tạo nghề

>> Bài 2: Cơ sở nhiều - chất lượng chưa tương xứng

Giải quyết bài toán nguồn nhân lực, giải pháp trước tiên cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm thay đổi tư duy nhận thức của xã hội về nghề. “Khi mọi người hiểu, không chỉ học đại học, học nghề cũng là con đường tốt cho tương lai. Đây chính là yếu tố để nâng cao chất lượng đầu vào! Vì có người giỏi mới tạo ra thợ giỏi”. Một chuyên gia đào tạo nghề bày tỏ quan điểm.

Để làm được việc đó, việc phân luồng đối với học sinh khi đang ngồi trên ghế nhà trường cần phải mạnh và hợp lý hơn. Làm sao để với sự định hướng của cha mẹ và thầy cô giáo, mỗi học sinh THCS, THPT biết được năng lực, khả năng của mình, có điều kiện có thể tiếp tục học để thi và học đại học, còn nếu không  vào học văn hóa và học nghề ngay tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề hay các trường trung cấp, cao đẳng. Như vậy, sau khi học xong văn hóa, các em đã có một nghề trong tay, là hành trang bước vào đời. Ông Trần Xuân Hưng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã phát biểu tại một hội nghị ngành giáo dục.

Mục tiêu đào tạo nghề của Yên Bái đến năm 2020 rất rõ: nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 60%, mỗi năm nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 1 - 1,5% trở lên. Trong đó, bình quân giai đoạn 2016 - 2020, mỗi năm phấn đấu đào tạo nghề cho 15.000 người (trong đó, tỷ lệ lao động đào tạo trung cấp nghề, cao đẳng nghề chiếm 26,7%, so với tổng số lao động được đào tạo nghề).

Để thực hiện mục tiêu đó, ông Ngô Thanh Giang - Giám đốc Sở LĐTB&XH đưa ra các giải pháp: “Cùng xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngành LĐTB&XH sẽ tham mưu để nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục dạy nghề, tăng cường gắn kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề”.

Những giải pháp mà lãnh đạo ngành LĐTB&XH đưa ra cho công tác dạy nghề cho thấy: trước tiên cần phải xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh theo hướng, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật của tỉnh và nhu cầu thị trường lao động về số lượng, chất lượng, cơ cấu vùng, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo, chất lượng đào tạo, chất lượng đào tạo một số nghề đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực Asean và thế giới.

Để thực hiện quy hoạch đó, ngay trong năm nay, cần tổ chức điều tra khảo sát, đánh giá chất lượng lao động, tăng cường công tác thông tin, dự báo thị trường lao động qua đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp trên địa bàn.

Trong đó, việc khảo sát cần chú ý tới chất lượng đào tạo, quy mô từng nghề để từ đó có định hướng trong công tác đào tạo. Đồng thời, hàng năm phải rà soát, cập nhật, bổ sung nhu cầu sử dụng và đào tạo lao động của các doanh nghiệp, dự báo nhu cầu sử dụng lao động để tổ chức đào tạo nghề gắn với nhu cầu, địa chỉ sử dụng, hạn chế tình trạng lao động có tay nghề nhưng không có việc làm…

Do đó ông Giang cũng bày tỏ quan điểm, với tình hình phát triển của nền kinh tế như hiện nay, khi nhu cầu của thị trường lao động đang phát triển, việc tỉnh đầu tư xây dựng Sàn giao dịch việc làm, làm cầu nối thông tin giữa người lao động và doanh nghiệp, kết nối với hệ thống cơ sở giữ liệu quốc gia về thông tin thị trường lao động là hết sức cần thiết.

Bên cạnh những giải pháp mà lãnh đạo ngành nêu, để có nguồn nhân lực chất lượng, việc nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục dạy nghề là yếu tố quyết định. Để nâng cao chất lượng đào tạo, thiết nghĩ, cùng đầu tư cơ sở vật chất, thay đổi phương pháp dạy học, đội ngũ giáo viên dạy nghề cần phải được tiếp tục quan tâm, trong đó, muốn có “thợ giỏi phải có thầy giỏi”.

Thầy giỏi là những người có kỹ năng nghề và năng lực sư phạm. Như một chuyên gia dạy nghề trao đổi: “Thầy dạy nghề giỏi ngoài lý thuyết phải là người có thể xử lý được tất cả những vấn đề mà học sinh đang cần”. Ông ví dụ, “Nếu học về sửa chữa ô tô, thầy phải xử lý được tất cả những vấn đề của xe khi hỏng hóc, đó là điều học sinh cần, chứ không phải chỉ là lý thuyết”. Điều này có nghĩa, “thầy giỏi” đồng thời cũng phải là “thợ giỏi”!  Và để có được đội ngũ giáo viên như vậy, cần phải tính toán để phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp đảm bảo phù hợp về số lượng và cơ cấu ngành nghề.

Trong đó, cần chuyển đổi số giáo viên văn hóa đang thừa hiện nay sang giáo viên dạy nghề qua việc cử đi đào tạo, bồi dưỡng. Để nâng cao chất lượng người dạy, nhất là tại trường cao đẳng và trung cấp, bên cạnh đào tạo, bồi dưỡng (trong nước và ngoài nước) đối với giáo viên các nghề, cần chú trọng đảm bảo chuẩn hóa về tiếng Anh đối với nghề trọng điểm quốc tế, khu vực Asean.

Một điều đáng mừng là để bổ sung nguồn nhân lực, tỉnh đã có cơ chế ưu đãi để tuyển dụng qua Nghị quyết một số chính sách phát triển nguồn nhân lực tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020. Nếu biết tận dụng chính sách này, các trường, đặc biệt là Trường Cao đẳng Nghề, sẽ có những “thầy tốt” mà không mất nhiều thời gian đào tạo.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đào tạo, các cơ sở dạy nghề cần tăng cường cho giáo viên tham dự kỳ thi đánh giá trình độ kỹ năng nghề quốc gia để đạt chuẩn; thường xuyên tổ chức các hội giảng giáo viên, hội thi tay nghề học sinh, sinh viên; hội thi thiết bị dạy nghề tự làm ở cơ sở. Phải cho học sinh tiếp cận với thực tế, đào tạo theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Cần thực hiện kiểm định chất lượng dạy nghề đối với tất cả các trường và các trung tâm dạy nghề trên địa bàn và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát, đặc biệt là đầu ra sau đào tạo.

Để lao động có nghề gắn với việc làm, việc tăng cường gắn kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, tăng cường dạy nghề theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Do đó, việc dạy nghề phải đổi mới hoạt động theo hướng “cầu” của thị trường lao động. Các cơ sở dạy nghề phải tăng cường tổ chức các lớp theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp, các địa phương gắn với xuất khẩu lao động đồng thời nâng cao tính tự chủ.

Để việc phối hợp có hiệu quả, UBND tỉnh cần bố trí kinh phí để tổ chức đào tạo lao động theo địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp trên địa bàn (từ nguồn kinh phí ngân sách tỉnh, đóng góp của doanh nghiệp, người học). Đồng thời, các cơ sở dạy nghề cần tăng cường liên kết với trường nghề ngoài tỉnh để đào tạo những ngành nghề mà doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu mà các cơ sở dạy nghề trong tỉnh chưa đáp ứng được, đồng thời thực hiện liên kết giữa các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp…

Song song với nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn là vấn đề hết sức quan trọng. Do đó, cùng đầu tư về con người, phương tiện giảng dạy, các trung tâm dạy nghề cần tổ chức những lớp học nghề thiết thực, phù hợp với trình độ, nhận thức của lao động, theo hướng cung cấp kiến thức khoa học kỹ thuật trong  sản xuất, mở các lớp nghề truyền thống để tạo việc làm, tăng thu nhập.

Công tác đào tạo cần tăng cường tổ chức các lớp ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức các lớp dạy nghề theo địa chỉ sử dụng, đào tạo nghề cho các vùng chuyên canh, các làng nghề truyền thống… gắn với hỗ trợ lao động nông thôn sau khi học nghề như vay vốn phát triển sản xuất.

Nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề, một vấn đề không thể thiếu là việc xã hội hóa dạy nghề. Việc huy động các doanh nghiệp tham gia dạy nghề cần được khuyến khích qua việc tỉnh có chính sách phát triển, xã hội hóa dạy nghề; khuyến khích các doanh nghiệp tự tổ chức đào tạo nghề cho người lao động tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp; phát triển các loại hình dạy nghề của cơ sở ngoài công lập. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp đào tạo nghề cho nhiều lao động của tỉnh để tuyển dụng vào làm việc…

Yên Bái đang trong giai đoạn hội nhập và phát triển mạnh mẽ. Tin tưởng với kết quả đã đạt được và những giải pháp căn cơ, bài bản, thời gian tới Yên Bái sẽ trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực trong khu vực. Qua nguồn nhân lực chất lượng sẽ góp phần đưa kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh phát triển trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII đã đề ra.

13 nghề trọng điểm của tỉnh Yên Bái là: công nghệ ô tô, điện công nghiệp, gia công và thiết kế sản phẩm mộc, chế tạo thiết bị cơ khí, vận hành thi công máy nền, kỹ thuật máy nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, công nghệ chế biến chè, hàn, kỹ thuật xây dựng, chạm khắc đá, dịch vụ chăm sóc gia đình, chăm sóc sắc đẹp.

Đình Tứ - Phong Sơn  

Các tin khác
Một lớp dạy bơi cho trẻ em của Câu lạc bộ Hào Gia (thành phố Yên Bái).

YBĐT - Hàng năm, cứ đến hè, tình trạng trẻ em, học sinh bị đuối nước liên tiếp xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Với đặc thù là tỉnh có nhiều sông, suối, ao, hồ, Yên Bái cũng là một trong những địa bàn phức tạp và “nóng” về vấn đề này.

Học sinh THPT ở thị xã Nghĩa Lộ tích cực ôn luyện cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.

YBĐT -Theo thống kê, tổng số thí sinh của 4 đơn vị của thị xã gồm: THPT Nghĩa Lộ, THPT Nguyễn Trãi, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT Miền Tây và Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp dạy nghề là 553 thí sinh. 

 

YBĐT - Thị xã Nghĩa Lộ triển khai các hoạt động có sự tham gia của trẻ em như: diễn đàn trẻ em, các cuộc thi về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; viết vẽ, sáng tác thông điệp và tìm hiểu về phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em.

Thí sinh có thể gọi đến đường dây nóng của Bộ GD-ĐT để phản ánh tiêu cực trong thi cử.

Thí sinh có thể gọi đến đường dây nóng của Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) để phản ánh tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia theo số 04.36231285; 01658528475.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục