Cảm ơn những người tôi đã gặp
- Cập nhật: Thứ ba, 21/6/2016 | 9:14:35 AM
YBĐT - Đó là một cô gái có đôi mắt sáng trong, như đã mở ra cửa sổ tâm hồn thánh thiện, yêu thương cho người ta dễ dàng nhận thấy. Đó cũng là một cô gái vóc dáng nhỏ bé, nhỏ bé thôi nhưng những điều làm được có lẽ chẳng nhỏ bé chút nào. Hoàng Anh - tên cô gái có đôi mắt sáng trong.
Phóng viên Báo Yên Bái tác nghiệp ở vùng cao Trạm Tấu.
|
Như con chim hoàng anh nhỏ bé giữa bầu trời mênh mông nhưng lại điểm xuyết sắc màu tươi sáng vào khoảng không xanh thắm, cô gái ấy ham hoạt động thiện nguyện, là trưởng nhóm thiện nguyện mang tên "Kết nối trẻ" đã kết nối, sẻ chia yêu thương, giúp đỡ vật chất, động viên tinh thần cho rất nhiều cảnh đời khốn khó. Phải, là những cảnh đời khốn khó mà đã khiến chính Hoàng Anh không ít lần không cầm được nước mắt.
Nhưng trước câu hỏi của tôi rằng, có lúc nào cảm thấy cuộc sống ảm đảm, bi quan khi gặp những cảnh đời đó không, em cười: "Em luôn lạc quan và phải lạc quan, bởi mình là người đến giúp còn không lạc quan thì làm sao người trong cuộc như họ có thể vượt qua được". Cảm ơn em gái bé nhỏ! Cảm ơn nụ cười thánh thiện rất tự nhiên và câu trả lời đầy lạc quan ấy! Em không biết rằng, tôi đã nhận được bài học rất cụ thể về sự lạc quan cuộc sống như thế nào!
Đó cũng là một người thầy giáo chăm chỉ làm từ thiện vì những đứa học trò vùng cao. Anh là Vũ Mạnh Cường - giáo viên Trường THCS Đại Lịch (Văn Chấn). Tôi gặp anh trong một ngày nắng gắt giữa hè với những giọt mồ hôi nhễ nhại khi đang tham gia khởi công, xây dựng một công trình đưa nước sạch về trường học, thấy rõ sự nhiệt thành ở anh trong công việc "vác tù và…" này. Rất nhiều thành quả từ hoạt động thiện nguyện của anh và nhóm thiện nguyện mang tên "Hoa ban trắng" đã giúp sẻ chia khó khăn của thầy và trò những nhà trường được thụ hưởng.
Từ những thứ nhỏ như đôi dép, bộ quần áo đến những điểm đọc sách miễn phí, những công trình nước sạch và cả những lớp học, nhà ở bán trú đã được hoàn thành. Anh và nhóm thiện nguyện của mình còn dạy cho học sinh nuôi gà, trồng lan, làm những chiếc móc khóa bằng quả thông… để có sản phẩm bán cho những nhà hảo tâm, cũng là để những đứa học trò không chỉ biết nhận không mà còn cảm nhận được nhiều hơn giá trị của những sự giúp đỡ. Bởi với anh, từ thiện đúng cách sẽ không chỉ là cho. Tôi nhận được nhiều hơn một bài học về yêu thương, chia sẻ…
Đó còn là một doanh nhân trẻ bước đầu có những thành công nhất định trên thương trường: Trần Văn Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hoàng Phát (Nghĩa Lộ), 1 trong 100 chủ nhân của giải thưởng "Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc" toàn quốc năm 2015. Con người ấy với ý chí và nghị lực đã đi qua những thăng trầm, thành bại trong bước đường khởi nghiệp để đến được ngày hôm nay. Kinh qua cả kinh doanh thương mại và kinh doanh sản xuất nhưng điều anh luôn muốn lựa chọn là kinh doanh sản xuất, bởi từ đó có thể giúp tạo ra việc làm cho nhiều người.
Đó chẳng phải là ý thức trách nhiệm xã hội của một doanh nhân đó sao! Người ta nỗ lực lập thân, khởi nghiệp, làm giàu chính đáng cho bản thân đã là đáng quý lắm rồi, đó là còn chưa nói đến những con người làm giàu bằng mọi cách. Cái tư duy chọn con đường làm giàu cho mình và vì người khác của người doanh nhân ấy thật đáng trân quý biết bao!
Đó là một thầy giáo tên Kiên ở Mù Cang Chải nhưng tôi biết đến anh với tư cách là một nhiếp ảnh gia với những bức hình về đất và người Mù Cang Chải dung dị mà đầy thơ và mộng. Anh là thầy giáo, lẽ dĩ nhiên là kẻ tay ngang với nhiếp ảnh, nhưng anh là kẻ tay ngang đầy đam mê. Ai đó nghĩ Mù Cang Chải bấy lâu nay bao nhiêu tay máy đã từng chụp hết cả rồi, thì anh, với đam mê ấy, đã khắc họa nên một Mù Cang Chải rất đẹp, rất lạ và rất riêng. Chỉ độ hai năm làm tay ngang cầm máy, rõ ràng chưa phải là dài nhưng anh đã kịp găm lại cho mình vài thành công trong nghệ thuật nhiếp ảnh. Anh và những khuôn hình của anh là cái thứ ngôn ngữ sống động nói với tôi rằng: Cứ đam mê đi, bạn sẽ thành công, bằng cách riêng của bạn!
Là Hoàng Anh, là Cường, là Tuấn, là Kiên… xin cảm ơn những người tôi đã gặp, để được nghe họ trải lòng, được cảm nhận, được khắc họa họ trên trang viết, để rồi đến lượt mình, tôi được nhận về những bài học, hiểu thêm những giá trị sống thực tế sinh động hơn bất kỳ lý thuyết nào. Và, xin được cảm ơn nghề báo đã cho tôi cơ duyên gặp gỡ những con người như thế!
Thu Hạnh
Các tin khác
YBĐT - Hội Khuyến học tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh Yên Bái ban hành Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 17 tháng 5 năm 2016 về triển khai nhân rộng và đánh giá, công nhận các mô hình học tập giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh, với một số nội dung như sau:
YBĐT - Vừa qua, tại Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai nhân rộng các mô hình học tập trên địa bàn tỉnh và tập huấn đánh giá, công nhận các mô hình học tập.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý ủy quyền Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch nước xem xét tặng quà cho đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2016).
Các tác phẩm đoạt giải Báo chí Quốc gia lần thứ 10 thể hiện tinh thần lao động, sáng tạo, tinh thần cống hiến của các nhà báo