Văn Chấn giảm tình trạng sinh con thứ 3 và tảo hôn

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/11/2016 | 8:22:04 AM

YBĐT - Từ năm 2009 - 2013, trung bình mỗi năm Văn Chấn có 211 cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên. Từ năm 2012 đến nay, trong số 31 cặp vợ chồng kết hôn của xã Suối Bu thì đã có tới 8 trường hợp tảo hôn, 21 cặp sinh con thứ 3.

Cán bộ Ủy ban MTTQ huyện Văn Chấn và Bí thư Chi bộ thôn Suối Lóp vận động các cặp vợ chồng trẻ không sinh con thứ 3.
Cán bộ Ủy ban MTTQ huyện Văn Chấn và Bí thư Chi bộ thôn Suối Lóp vận động các cặp vợ chồng trẻ không sinh con thứ 3.

Huyện Văn Chấn có 15 vạn dân với 18 dân tộc khác nhau, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 65,7%.  Tình trạng sinh con thứ 3 trong đồng bào dân tộc thiểu sô cao là do trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng, các dân tộc, một số hủ tục vẫn còn tồn tại, trong đó có quan niệm đẻ nhiều con là có phúc, có đông người làm và quan niệm “trời sinh voi, trời sinh cỏ”...

Mặt khác, năng lực, trách nhiệm của tuyên truyền viên dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) của các xã, thị trấn còn hạn chế; chưa có chế tài xử lý vi phạm với các cặp vợ chồng sinh con thứ 3. Từ nhận thức, quan niệm không đúng đó dẫn đến tình trạng sinh con thứ 3 trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn cao.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Văn Chấn, từ năm 2009 - 2013, trung bình mỗi năm có 211 cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên. Năm 2015, tuy đã giảm nhưng vẫn còn tới 150 cặp và đến tháng 10/2016 còn 110 cặp sinh con thứ 3 trở lên. Xã Suối Bu có 426 hộ dân với gần 2.000 nhân khẩu chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Từ năm 2012 đến nay, trong số 31 cặp vợ chồng kết hôn thì đã có tới 8 trường hợp tảo hôn, 21 cặp sinh con thứ 3.

Nói về nguyên nhân trên, ông Hảng A Sùng - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã Suối Bu cho biết: “Do ảnh hưởng của tập quán kết hôn sớm đã ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của người dân, đặc biệt là người Mông. Mặt khác, do người dân chưa hiểu biết về pháp luật, đặc biệt là Luật Hôn nhân và Gia đình dẫn đến tình trạng tảo hôn, sinh con thứ 3 vẫn còn”.

Trước tình trạng sinh con thứ 3 diễn ra theo chiều hướng ngày càng tăng, Huyện ủy Văn Chấn đã chỉ đạo quyết liệt đối với các cơ quan, ban ngành đoàn thể, tuyên truyền, vận động đồng bào hạn chế và giảm dần tình trạng sinh con thứ 3.

Trong đó, vai trò của MTTQ và các đoàn thể được đặc biệt coi trọng, sự vào cuộc mạnh mẽ của các đoàn thể đang góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân.

Ông Hà Hữu Thế - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Văn Chấn cho biết: “Từ năm 2014, thực hiện kế hoạch của Ủy ban MTTQ tỉnh về tuyên truyền, vận động đồng bào không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống, không sinh con thứ 3, Ủy ban MTTQ huyện đã tham mưu cho Huyện ủy xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, thông qua vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để vận động đồng bào thực hiện”.

Có thể kể đến như thôn Suối Lóp, xã Suối Giàng có 60 hộ dân, vài năm gần đây không còn trường hợp tảo hôn, sinh con thứ 3 cũng chỉ có một trường hợp.

Ông Hảng A Gia - Bí thư Chi bộ thôn là người có uy tín trong cộng đồng cho biết: “Vận động người dân không sinh con thứ 3 rất khó, nhưng mình biết cách nói, nói đúng, nói có lý thì ai cũng nghe thôi. Nhận thức của nhiều thanh niên trong thôn bây giờ đã đã thay đổi, nhưng lứa tuổi trên 35 rất khó vận động, bởi phong tục, cách nghĩ đã ăn sâu rất khó thay đổi”.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình trạng tảo hôn, sinh con thứ 3 ở Văn Chấn đã có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, việc phát huy tốt vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng trong công tác tuyên truyền, vận động là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thay đổi nhận thức của người dân và giảm tình trạng sinh con thứ 3 trên địa bàn huyện.

Anh Dũng

Các tin khác
Các em học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành nghiên cứu tài liệu tại Thư viện nhà trường.

YBĐT - Năm 2016, với một học sinh đạt thủ khoa Học viện Cảnh sát nhân dân, Yên Bái đã năm thứ 5 liên tiếp có học sinh đỗ thủ khoa đại học. Cùng với giáo dục đại trà, những năm gần đây, giáo dục mũi nhọn trên địa bàn tỉnh Yên Bái cũng từng bước hình thành và phát triển ổn định.

Từ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị - nhất là tại cơ sở, con em đồng bào vùng cao Trạm Tấu đã phấn khởi tới trường. (Ảnh: Thầy và trò  Trường PTDTBT TH&THCS Trạm Tấu trong giờ học).

YBĐT - Nếu như trước kia, ở vùng cao Trạm Tấu, có thời kỳ chỉ huy động 45% - 50% học sinh trong độ tuổi ra lớp, có trường tỷ lệ duy trì sĩ số chỉ 30% - 40%, thậm chí có lúc - nhất là sau tết Mông, tết Nguyên đán có nơi chỉ 10% - 20% học sinh đến lớp, tới mức giáo viên chỉ còn "đứng khóc" thì nay tỷ lệ duy trì sĩ số tại những nơi khó khăn nhất như các xã Tà Xi Láng, Làng Nhì cũng đã thường xuyên đạt trên 90%, có nơi đạt 98% - 99,8%.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng Chính phủ) dự Lễ khai giảng năm học 2013 - 2014 tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh.

YBĐT - Sau khi triển khai thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đầu năm học 2016 - 2017, đến nay, toàn tỉnh có 434 cơ sở giáo dục và dạy nghề. Tỷ lệ học sinh hoàn thành khóa học tiếp tục tăng; tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng đạt trên 65%với mức tăng khá cao năm học trước.

Các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm đang được các bác sỹ cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Văn Yên.

YBĐT - 7 người trong gia đình ông Ma A Kính bị ngộ độc do ăn nấm tự hái về và chế biến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục