Hiệu quả Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học ở Văn Chấn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/11/2016 | 1:51:52 PM

YBĐT - Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) là một chương trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học thông qua việc hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi sang mô hình dạy và học cả ngày, ưu tiên cho nhóm học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Giờ học của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Cát Thịnh.
Giờ học của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Cát Thịnh.

Thời gian qua, Chương trình SEQAP được triển khai ở Văn Chấn đạt nhiều kết quả.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Cát Thịnh (Văn Chấn) tham gia Chương trình SEQAP từ năm 2011. Nhà trường tổ chức học 2 buổi/ngày ưu tiên cho các lớp 1 và các lớp có học sinh bán trú.

Năm học 2016-2017, số lớp học 2 buổi trên ngày của nhà trường là 17 lớp với 466 học sinh, gồm 13 lớp ở trung tâm và các lớp 1 ở khu lẻ. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch dạy học cả ngày trên cơ sở kế hoạch chỉ đạo của Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học và của Phòng GD&ĐT huyện, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của đơn vị. Nội dung dạy học được phân phối đảm bảo tính hợp lý, linh hoạt và hiệu quả với quỹ thời gian tăng thêm.

Hoạt động tăng thêm chủ yếu môn Tiếng Việt, Toán và hoạt động ngoài giờ lên lớp, rèn luyện kỹ năng sống, phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, dạy bù những kiến thức mà học sinh còn trống, các bài tập ở buổi chính mà học sinh chưa hoàn thành, các hoạt động năng khiếu.

Nhà trường đã sử dụng triệt để các tài liệu, sách giáo khoa, sách tham khảo… của Chương trình SEQAP cung cấp vào việc xây dựng nội dung dạy học cả ngày và tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường có hiệu quả.

Cô Phạm Thị Lâm - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Qua thực hiện dạy học cả ngày theo Chương trình SEQAP, chất lượng giáo dục của nhà trường được tăng lên. Học sinh được củng cố về kiến thức và kỹ năng thông qua các tiết tăng cường Toán, tăng cường Tiếng Việt đảm bảo theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn học. Nhà trường cũng tổ chức được nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp đã làm tăng thêm hiệu quả chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh và tổ chức được nhiều mô hình, câu lạc bộ giúp các em thể hiện khả năng của mình đồng thời cuốn hút các em say mê học tập".

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Cát Thịnh là một trong 4 trường thuộc xã khó khăn của huyện Văn Chấn tham gia Chương trình SEQAP và mang lại hiệu quả. Chương trình SEQAP được thực hiện ở Văn Chấn từ năm 2010. Kết thúc năm học 2015-2016, có 7 trường với 23 điểm trường tham gia Chương trình.

Để đầu tư cho mục tiêu dạy học cả ngày, các địa phương đã quan tâm chỉ đạo tốt công tác xã hội hóa giáo dục, huy động sự tham gia tích cực, hiệu quả từ cộng đồng, đặc biệt là các bậc cha mẹ học sinh đã quan tâm đầu tư thêm cơ sở vật chất như trang trí lớp học, xây dựng bếp ăn, khu bán trú cho học sinh, đóng góp thêm củi, rau xanh và lao động xây dựng bồn hoa, cây cảnh tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.

Chương trình đảm bảo chất lượng trường học thực sự đã mang đến cho giáo dục Văn Chấn cơ hội để cải thiện cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động dạy và học. Việc hỗ trợ của Chương trình có tác động tích cực đến nhận thức của cộng đồng về việc quan tâm, đầu tư cho giáo dục.

Không chỉ các địa phương có các trường tham gia Chương trình SEQAP nhận được sự quan tâm của cộng đồng mà cả các địa phương khác cũng đã nhận được sự hỗ trợ để đầu tư xây dựng bếp; tổ chức ăn trưa tại trường cho học sinh; xây dựng khuôn viên xanh, sạch, đẹp, an toàn.

Từ năm 2010 đến hết năm học 2015-2016, trên địa bàn huyện có 21.689 học sinh được thụ hưởng Chương trình SEQAP, trong đó có 16.608 học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) (chiếm tỷ lệ 76,57%); 13.690 học sinh được học cả ngày (chiếm tỷ lệ 64,09 %), trong đó 10.351 học sinh là DTTS (chiếm tỷ lệ 74,47%). Trường Tiểu học Phúc Sơn có tỷ lệ học sinh DTTS cao nhất (99%); Trường Tiểu học Thạch Lương (97,6%). Tỷ lệ học sinh DTTS được học cả ngày của Trường Tiểu học Sơn Lương cao nhất (100%).

Theo đánh giá của Phòng GD&ĐT huyện, Chương trình SEQAP đã có những tác động tích cực, giúp nâng cao chất lượng học tập, khả năng nhận thức và phát triển kỹ năng sống cho học sinh, đặc biệt là học sinh DTTS. Đồng thời có thể khẳng định, dạy học cả ngày là giải pháp hữu hiệu, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học đối với học sinh nghèo tại địa bàn miền núi đặc biệt khó khăn.

Huyện Văn Chấn sẽ tiếp tục duy trì và phát triển nhân rộng quy mô các lớp dạy học cả ngày cho những năm học tiếp theo nhằm tiếp tục góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng việc xây dựng trường chuẩn quốc gia tại địa phương.

Hạnh Quyên

Các tin khác
HĐND xã Mỏ Vàng (Văn Yên) chú trọng giám sát việc huy động học sinh ra lớp. (Trong ảnh: Một giờ học của thầy và trò Trường Tiểu học xã Mỏ Vàng).

YBĐT - Thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân (HĐND), ngay sau thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên đã được củng cố, kiện toàn, hoạt động đi vào nề nếp và hiệu quả.

YBĐT - Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã tập trung cho công tác tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) với nhiều hình thức.

Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ - thôn Đồng Chèm, xã Đông Cuông mỗi năm cho thu nhập trên 150 triệu đồng.

YBĐT - Xác định phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Hội, Hội Phụ nữ xã Đông Cuông, huyện Văn Yên đã có nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế gia đình.

YBDDT- Thuyên tắc ối là một cấp cứu sản khoa hiếm gặp do dịch ối, những tế bào thai nhi: tóc, phân su... đi vào hệ tuần hoàn người mẹ gây phản ứng dị ứng, khiến người mẹ suy hô hấp và suy tuần hoàn cấp tính. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, thuyên tắc ối xảy ra với tỉ lệ từ 1/8.000 đến 1/80.000 ca sinh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục