Bạo lực học đường: Nhìn lại mối quan hệ giáo dục ở ba môi trường

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/12/2016 | 2:16:37 PM

YênBái - YBĐT - Thời gian gần đây, bạo lực học đường (BLHĐ) gia tăng đáng lo ngại. Hậu quả của nó vô cùng nặng nề, nguy hại. Từ những vụ việc BLHĐ trong thời gian qua, chúng ta cần nhìn lại mối quan hệ giáo dục ở ba môi trường: nhà trường - gia đình - xã hội.

Hoạt động tập thể góp phần giáo dục tinh thần đoàn kết trong các nhà trường.
Hoạt động tập thể góp phần giáo dục tinh thần đoàn kết trong các nhà trường.

Hậu quả và nguyên nhân bạo lực học đường

Chắc hẳn vụ việc nam sinh Trường THCS Âu Lâu - thành phố Yên Bái sau khi tan học bị phụ huynh của bạn đón đường và đánh gần khu vực cổng trường, gây chấn thương và hoảng loạn tinh thần đã khiến em tự tử mới đây vẫn còn là hồi chuông cảnh tỉnh của hậu quả BLHĐ. Hay mới đây là vụ việc nữ sinh ở huyện Yên Bình bị đánh và bắt quỳ, quay clip đưa lên mạng xã hội cũng cho thấy tính phức tạp của BLHĐ thời gian qua ở tỉnh Yên Bái.

Từ những vụ việc BLHĐ trong thời gian qua trên khắp cả nước nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng, có thể thấy những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến thể xác, tinh thần, học tập cũng như tương lai của học sinh, thậm chí cả tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời. Với những ảnh hưởng về mặt sức khỏe cùng với tâm lý lo lắng, căng thẳng, sợ hãi, học sinh không thể học tập với kết quả tốt nhất, thậm chí, có thể dẫn đến hành động cực đoan như nam sinh ở Trường THCS Âu Lâu, thành phố Yên Bái.

Theo một nghiên cứu ở Mỹ, những đứa trẻ có hành vi bạo lực, lạm dụng quyền hành từ khi còn nhỏ, khi lớn lên có thể mắc phải những hành vi tội ác nhiều hơn những đứa trẻ khác; trẻ em liên lụy vào hành vi bạo lực dù ở vai trò này hay vai trò kia cũng đều có nguy cơ lạm dụng rượu, thuốc lá, và các loại ma túy. Trên thực tế, dù không tham gia hành vi bạo lực nhưng các em chứng kiến cũng bị ảnh hưởng, sợ hãi. Nếu thấy những kẻ gây ra bạo lực không hề bị trừng trị thì những em chứng kiến cũng có thể hùa theo số đông, ủng hộ hành vi này và có nhiều khả năng trở thành kẻ có hành vi bạo lực trong tương lai, hoặc điều này nếu kéo dài và lặp đi lặp lại sẽ tạo nên một nhóm người vô cảm trước những bất công hay nỗi đau của người khác. Xa hơn nữa, BLHĐ sẽ hình thành một thế hệ người trẻ ưa bạo lực dẫn tới một xã hội khủng hoảng nếu không được ngăn chặn kịp thời.

Ở Yên Bái, tuy chưa xảy ra nhiều những vụ việc BLHĐ, song một số vụ việc gần đây cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về BLHĐ tiềm ẩn trong trường học. Theo nhiều nghiên cứu, nguyên nhân đầu tiên của tình trạng BLHĐ có thể nói là do sự chuyển biến về tâm lý của bản thân đối tượng từ 12-17 tuổi, đây là giai đoạn hình thành nhân cách ở con người, cùng với đó là tâm lý không ổn định và chưa biết cách tiết chế cái tôi cá nhân khiến các em thấy bức bối và muốn hóa giải. Trong giai đoạn này chỉ cần những tác động xấu từ ngoại cảnh cũng khiến các em học theo. Trong khi đó, tại gia đình một số bậc cha mẹ do quá mải mê kiếm tiền mà thiếu đi sự quan tâm dẫn đến trẻ không được chia sẻ.

Mặt khác, cách ứng xử không đẹp của các thành viên trong gia đình mà con trẻ chứng kiến, lâu dần hình thành thói quen xấu. Hoặc vô tình người lớn kể những câu chuyện đã chứng kiến hay qua các phương tiện thông tin đại chúng về các hành vi bạo lực trong gia đình như vợ chồng đánh chửi nhau, con cái ngược đãi cha mẹ... hoặc những hành vi băng hoại đạo đức khác sẽ khiến các em dần dần bị tiêm nhiễm phần nào.

Bên cạnh việc dạy văn hoá, nhà trường cần phối hợp với gia đình trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Cùng với đó, cách giáo dục chưa đúng đắn từ cha mẹ như nặng lời quát tháo hay đánh con; thời đại công nghệ thông tin và hội nhập, văn hoá thiếu lành mạnh du nhập tràn lan; rất nhiều các trò chơi trên mạng Internet, phim ảnh có hành vi bạo lực mà ở độ tuổi các em có xu hướng bắt trước và thử nghiệm... đều ảnh hưởng rất lớn tới các em.

Mặt khác, sự giáo dục trong nhà trường còn nặng về kiến thức văn hóa, đôi khi lãng quên đi nhiệm vụ giáo dục con người: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Các em bị áp lực nhiều từ các môn học dẫn đến đầu óc thiếu đi sự thư giãn cần có. Bố mẹ lại luôn kỳ vọng quá nhiều ở con mình dẫn đến áp lực bài vở còn đè nặng lên con. Học sinh đến trường tiếp thu kiến thức nặng nề, dễ sinh cáu gắt mỗi khi có những áp lực khác, dẫn đến những hành động khó kiểm soát. Có những em chưa tìm được chỗ tin cậy để gửi gắm tâm sự nên đã “tự xử theo “luật rừng”...

Để rồi không ít sự việc khi đã xảy ra, nhà trường và gia đình mới biết và can thiệp thì đã muộn. Đặc biệt, phụ huynh học sinh chưa thực hiện tốt mối liên hệ nhà trường - gia đình trong việc giáo dục đạo đức, còn có tư tưởng phó mặc “trăm sự nhờ thầy” - theo đúng nghĩa đen. Hoặc đánh chửi những học trò khác chỉ vì tội đã trêu con mình mà chưa cần hỏi nguyên nhân và sự can thiệp của nhà trường, của hội cha mẹ học sinh.
 
Cần củng cố mối quan hệ giáo dục ba môi trường

Từ những nguyên nhân dẫn đến BLHĐ, chúng ta cần nhìn lại mối quan hệ: giáo dục nhà trường  - gia đình - xã hội. Bởi giáo dục là một hoạt động mang tính xã hội cao. Muốn thực hiện được mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh, cần phải coi trọng cả giáo dục từ nhà trường, giáo dục của gia đình và giáo dục trong xã hội. Chỉ riêng nhà trường, chỉ riêng ngành giáo dục thì không thể làm tốt công tác giáo dục toàn diện được. Ngay cả trong Luật Giáo dục năm 2005 tại Chương VI nêu rõ trách nhiệm của từng môi trường trong việc giáo dục học sinh: Điều 93 về trách nhiệm của nhà trường: “Nhà trường có trách nhiệm chủ động phối hợp giữa gia đình và xã hội để thực hiện mục tiêu, nguyên lý giáo dục”; Điều 94 về trách nhiệm của gia đình: “Mọi người trong gia đình có trách nhiệm xây dựng gia đình văn hóa, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ của con em; người lớn tuổi có trách nhiệm giáo dục, làm gương cho con em, cùng nhà trường nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục”; Điều 97 về trách nhiệm của xã hội: “Giúp nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục và nghiên cứu khoa học; tạo điều kiện cho nhà giáo và người học tham gia, thực tập, nghiên cứu khoa học. Góp phần xây dựng phong trào học tập và môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, ngăn chặn những hoạt động có ảnh hưởng xấu đến thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Tạo điều kiện để người học được vui chơi, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao lành mạnh. Hỗ trợ về tài lực, vật lực cho sự nghiệp phát triển giáo dục theo khả năng của mình”.

Mặt khác, công tác xã hội hóa giáo dục lâu nay được nhắc tới như một sự chung tay tạo cơ sở vật chất trường học hơn là đẩy mạnh sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh. Mặc dù hiện nay, phụ huynh học sinh rất quan tâm đến việc học của con, nhưng gần như chỉ dừng ở mức độ quan tâm học lực, kết quả học tập mảng văn hóa chứ ít quan tâm mảng hạnh kiểm, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ.  Khi nói đến chất lượng giáo dục, thông thường phụ huynh chỉ quan tâm đến chất lượng học văn hóa, phần giáo dục đạo đức, lối sống bị xem nhẹ hơn. Có thể thấy, mối quan hệ giữa gia đình - nhà trường - xã hội lâu nay vẫn còn khá lỏng lẻo.

Tình trạng BLHĐ đang diễn ra khá phức tạp nhưng chắc chắn sẽ đẩy lùi được nếu công tác giáo dục ở 3 môi trường gia đình, nhà trường và xã hội được quan tâm đúng mực và mối liên hệ cả 3 môi trường được khăng khít hơn. Trước hết, cha mẹ, thầy cô phải là người gương mẫu, nêu gương sáng mọi nơi mọi lúc. Thầy cô ngoài việc truyền thụ kiến thức cơ bản của bài học, cần minh họa bằng những tấm gương cụ thể ngay trong trường, lớp, địa phương.

Cùng với hoạt động ngoài giờ lên lớp tạo sự đoàn kết trong các em học sinh thì cần có những cuộc nói chuyện chuyên đề về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, định hướng được những hành vi chuẩn, xử lý các tình huống gặp phải trong cuộc sống một cách tự lập, có tình người, tránh bạo lực. Cả cha mẹ và thầy cô nên đối xử với các em như những người bạn, xử lý tế nhị, nhân hậu khi con trẻ mắc lỗi, để chúng thấy được lòng nhân hậu ấy là liều thuốc quý cho tâm hồn. Việc giáo dục cần sự phối hợp chặt chẽ của hội phụ huynh học sinh khi các em ở nhà, hết sức tránh những va chạm không cần thiết gây rạn nứt tình cảm của cha mẹ, của người lớn quanh môi trường giáo dục.

Các địa phương nên quan tâm đến môi trường giáo dục quanh nhà trường. Người lớn cần ứng xử sao cho có văn hóa để các em trông vào mà noi gương. Đặc biệt, cần nhân rộng hơn nữa mô hình địa phương an toàn cho trẻ, gia đình an toàn cho trẻ, đẩy mạnh Phong trào Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực. Mỗi bậc cha mẹ, mỗi cấp, mỗi ngành hãy chung tay góp sức cùng ngành giáo dục xây dựng môi trường lành mạnh, không bạo lực để vun đắp những thế hệ tương lai phát triển toàn diện.

Theo số liệu được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cũng theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau...

                                                                                     Minh Tư

Các tin khác
Nhờ được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tốt, người dân huyện Trạm Tấu nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ.

YBĐT - Thời gian qua, huyện vùng cao Trạm Tấu luôn quan tâm đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho nhân dân trên địa bàn, đặc biệt hướng tuyên truyền đến các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc Mông. Đồng thời, huyện đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ trong quá trình triển khai nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong cách sống và làm việc theo pháp luật.

Quyền lợi của người lao động được bảo đảm đầy đủ khi các đơn vị  sử dụng lao động không để nợ đọng tiền BHXH.

YBĐT - Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Yên Bái hiện đang quản lý thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại 560 đơn vị với 64.000 lao động tham gia, trong đó đồng tham gia BHXH, BHYT là 9.000 người. Năm 2016, BHXH thành phố Yên Bái được giao thu 128,227 tỷ đồng, đến nay thu được 120 tỷ đồng, đạt 93% kế hoạch giao.

YBĐT - Sáng 16/12, tại Trung tâm Văn hóa huyện Lục Yên, UBND huyện tổ chức Lễ trao tặng huân, huy chương của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào cho cán bộ, chuyên gia và thân nhân các liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng các bộ tộc Lào thuộc huyện Lục Yên giai đoạn 1945 – 1975.

Ngập sâu khiến một số tuyến đường tại Quảng Ngãi bị cấm lưu thông.

Ngày 15-12, mưa lũ tiếp tục gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung. Theo Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai, đợt mưa lũ từ ngày 11-12 đến nay đã làm 3 người chết, 6 người bị thương, hư hỏng 49 ngôi nhà, ngập lụt 1.029 ngôi nhà; ngập úng 1.691ha lúa, 294ha hoa màu và 355ha mía. Tại tỉnh Khánh Hòa ước thiệt hại khoảng 50,6 tỷ đồng, tỉnh Phú Yên 33,2 tỷ đồng...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục