Yên Bái: Chung tay vì thực phẩm an toàn
- Cập nhật: Thứ sáu, 23/12/2016 | 7:55:19 AM
YBĐT - Làm thế nào để những mặt hàng phục vụ nhu cầu phổ biến trong ngày tết như rượu, mứt, bánh kẹo, giò chả, rau, thịt… bảo đảm sạch, an toàn đến được với người tiêu dùng, để người dân không còn canh cánh những nỗi lo vẫn luôn được đặt ra.
Mô hình rau an toàn ở thôn Đồng Đình, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái.
(Ảnh: P.V)
|
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), toàn tỉnh hiện có: 415 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; 2.618 cơ sở kinh doanh thực phẩm; 1.361 cơ sở dịch vụ ăn uống... hầu hết các cơ sở là hộ gia đình, có quy mô nhỏ lẻ, tự phát, tình hình hoạt động còn nhiều bất cập, khó kiểm soát như: việc sản xuất, nuôi trồng và giết mổ manh mún; việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, chất tăng trọng, tăng trưởng chưa được kiểm soát chặt chẽ; các loại hình dịch vụ ăn uống tự phát, không đăng ký kinh doanh, dịch vụ thức ăn trước các cổng trường học, dịch vụ phục vụ đám cưới, đám giỗ lưu động… ngày càng phát triển về quy mô, gia tăng về số lượng.
Vì thiếu hiểu biết, chạy theo lợi nhuận, một số cơ sở đã sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không an toàn dẫn tới gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là ở các chợ tự phát, chợ “cóc” phát sinh ngày càng nhiều; hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn bày bán trên thị trường… dẫn đến nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm cao.
Ông Lương Quốc Dũng - Chi cục Trưởng Chi cục ATVSTP cảnh báo: “Khi nhu cầu tiêu dùng lớn, nếu không kiểm soát tốt sẽ là cơ hội để các sản phẩm thực phẩm trôi nổi, hàng kém chất lượng bung ra thị trường”...
Báo cáo của Chi cục ATVSTP cũng cho thấy, riêng năm 2016, toàn tỉnh đã xảy ra 18 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 573 người mắc, trong đó có 6 người tử vong. So với năm 2015, tình hình ngộ độc thực phẩm đã tăng cả về số lượng người mắc và số trường hợp tử vong (năm 2015 có 12 vụ ngộ độc, 82 người mắc và 1 người tử vong). Nhìn một cách tổng thể, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua đường ăn uống vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
Chính vì vậy, liên tục trong thời gian qua, cụ thể là 9 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng đã thành lập 301 đoàn thanh tra, kiểm tra, tiến hành đồng loạt công tác kiểm tra ATVSTP 3598 cơ sở liên quan đến thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh và đã phát hiện nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng về ATVSTP. Qua đó, cơ quan chức năng đã ra quyết định đóng cửa 3 cơ sở, cảnh cáo 78 cơ sở và phạt tiền 55 cơ sở vi phạm...
Mặc dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến tết Nguyên đán Đinh Dậu song hiện nay, trên thị trường các mặt hàng phục vụ tết đã rất phong phú, đa dạng. Các cơ sở sản xuất bánh, mứt, kẹo cũng đang khẩn trương bước vào vụ sản xuất để kịp cung cấp hàng cho dịp tết. Tại một số khu chợ - những nơi tập trung nhiều mặt hàng thực phẩm cho thấy, rất nhiều loại bánh kẹo, ô mai, thực phẩm khô được đóng trong các bao nilon hoặc bao tải trong tình trạng "ba không": không nguồn gốc, địa chỉ sản xuất; không nhãn mác; không hạn sử dụng. Những sản phẩm này được bày bán theo cân, theo lạng.
Bên cạnh đó, các sản phẩm giò, chả... cũng chủ yếu vẫn được sản xuất theo kiểu thủ công truyền thống nhỏ lẻ, điều kiện sản xuất, trang thiết bị không đảm bảo nên chất lượng rất khó kiểm soát. Nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm vẫn nằm ngoài tầm quản lý của cơ quan chức năng khiến cho thị trường vẫn phát hiện các loại thực phẩm không "sạch"...
Ngoài ra, nhu cầu thực phẩm tăng cao trong dịp cuối năm cũng chính là điều kiện thuận lợi để cho các loại thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng tràn vào thị trường. Đáng lo ngại là hầu hết thực phẩm không nguồn gốc đều sử dụng phụ gia, đặc biệt là phẩm màu độc hại, quá liều lượng cho phép...
Để có nguồn thực phẩm an toàn, bảo đảm chất lượng phục vụ người dân trong dịp cuối năm, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngành liên quan đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập các đoàn thanh tra liên ngành, tập trung kiểm tra quyết liệt các mặt hàng thực phẩm tết tại 9/9 huyện, thị, thành phố, trong đó chú ý đến các tiêu chuẩn chất lượng như nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, điều kiện sản xuất...
Bên cạnh việc các cơ quan chức năng ráo riết vào cuộc thì ý thức tự giác và đạo đức của nhà sản xuất, kinh doanh là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định đến chất lượng thực phẩm.
Lãnh đạo, cán bộ Chi cục ATVSTP triển khai nhiệm vụ bảo đảm ATVSTP cuối năm và dịp tết Nguyên đán Đinh Dậu.
Ông Lương Quốc Dũng - Chi cục Trưởng Chi cục ATVSTP lý giải: "Trong điều kiện hiện nay, với sự biến động không ngừng của thị trường thì dù có thanh tra, kiểm tra đến đâu nhưng không tích cực tuyên truyền và tự nâng cao đạo đức kinh doanh của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cũng không thể làm tốt công tác đảm bảo ATVSTP”.
Ngoài ra, vẫn còn thực trạng khá phổ biến hiện nay là nhiều cơ sở sản xuất chấp hành đầy đủ việc đăng ký, công bố tiêu chuẩn sản phẩm nhưng đến khi sản xuất thì lại "công bố một đằng, làm một nẻo". Chính vì vậy, bên cạnh việc làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng ATVSTP, ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác giám sát nhằm đánh giá tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường, khi phát hiện các sai phạm cần xử lý nghiêm để tránh tình trạng tái diễn.
Trong "cuộc chiến" chống thực phẩm bẩn, thái độ của người tiêu dùng cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Nếu mọi người cùng đồng lòng "tẩy chay” các loại thực phẩm kém chất lượng, lựa chọn thực phẩm tại các cơ sở có uy tín, thực phẩm đã được kiểm định, có nguồn gốc rõ ràng thì sức khỏe của người dân chắc chắn sẽ được đảm bảo, an toàn hơn.
Thiên Cầm
Các tin khác
YBĐT - Các ngành thành viên đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch... đều đã phát huy được vai trò chủ đạo, tổ chức quán triệt các văn bản của trung ương và địa phương trong công tác này.
YBĐT -Trên địa bàn không còn hiện tượng để người chết trong nhà quá 24 giờ, không giết mổ nhiều trâu, bò, lợn làm đám tang; không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, lễ cưới hỏi tổ chức trang trọng, tiết kiệm.
YBĐT - Trong năm, các già làng, người có uy tín ở huyện Mù Cang Chải đã tham gia hòa giải thành 167/175 vụ việc tại cơ sở; phối hợp cùng các ngành chức năng của huyện giải quyết kịp thời 13 vụ việc…
Đây là thông tin được Bộ Công an cho biết tại buổi họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác Công an năm 2016 và phương hướng trọng tâm công tác Công an năm 2017, diễn ra chiều 21- 12 tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.