Mô hình trường học VNEN ở Mù Cang Chải: Cần tiếp tục được quan tâm, hỗ trợ

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/1/2017 | 8:40:42 AM

YBĐT - Mô hình trường học mới (VNEN) được triển khai trên địa bàn huyện Mù Cang Chải bắt đầu từ năm học 2015-2016 tại bốn trường: Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học (TH) Chế Cu Nha, Trường PTDTBT Trung học cơ sở (THCS) Chế Cu Nha, Trường THCS Võ Thị Sáu và Trường PTDTBT THCS Nậm Khắt. Tổng số có 20 lớp tham gia mô hình với trên 600 học sinh, trong đó TH có 14 lớp từ lớp 2 đến lớp 5, THCS 6 lớp.

Học theo mô hình VNEN ở Trường PTDTBT TH&THCS Chế Chu Nha.
Học theo mô hình VNEN ở Trường PTDTBT TH&THCS Chế Chu Nha.

Đến nay, mô hình tiếp tục được duy trì thực hiện ở Trường PTDTBT TH&THCS Chế Cu Nha (là đơn vị được sáp nhập từ Trường PTDTBT TH Chế Cu Nha với Trường PTDTBT THCS Chế Cu Nha) với tổng số 16 lớp học, 550 học sinh tham gia, trong đó tiểu học 11 lớp và THCS 5 lớp.

Để triển khai thực hiện dạy học theo mô hình VNEN được hiệu quả, các đơn vị trường tham gia thực hiện đã tổ chức tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh trong đơn vị về tính ưu việt của phương pháp dạy và học theo mô hình này. Đồng thời, tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề để trao đổi, rút kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy. Giáo viên đứng lớp đã được tập huấn các lớp bồi dưỡng chuyên môn theo các nội dung của chương trình trường học mới...

Theo đánh giá qua rà soát triển khai thực hiện mô hình trên địa bàn của huyện, ở cấp tiểu học, mô hình VNEN đang dần khẳng định ưu thế hơn so với mô hình dạy học truyền thống. Thay vì tiếp thu kiến thức một cách khô khan, thụ động, học sinh được đặt vào những tình huống thực tế, được trực tiếp trải nghiệm, quan sát, bày tỏ quan điểm, suy nghĩ cá nhân, đồng thời tương trợ nhau để tìm cách giải quyết vấn đề, điều này được thể hiện rõ hơn ở khối lớp 3, 4, 5.

Học sinh được rèn luyện kỹ năng học, làm việc theo nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng điều hành quản lý nhóm và khả năng tìm tòi, sáng tạo trong giờ học; đồng thời được rèn luyện khả năng, năng lực, kỹ năng tự tin trình bày trước đông người và giao tiếp trong cuộc sống. Ngoài ra, học sinh được nghe nhiều ý kiến của các bạn trong nhóm, được tranh luận, giải đáp, bày tỏ những suy nghĩ của bản thân với các thành viên của nhóm, tạo ra sự tăng cường trao đổi, học hỏi giữa học sinh với nhau.

Việc thành lập hội đồng tự quản của lớp đã phát huy được mục đích nhằm để học sinh trong lớp cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ những bạn học yếu, cùng nhau vươn lên trong học tập và xây dựng mối đoàn kết trong lớp học, xây dựng môi trường thân thiện giữa học sinh với học sinh, giữa học sinh với thầy cô. Không gian của phòng học thân thiện, đẹp và hỗ trợ cho nhu cầu học tập và mỗi hoạt động của học sinh. Đối với cấp THCS, nhiều ưu điểm trong phát huy năng lực, kỹ năng, khả năng của học sinh cũng được thể hiện.

Cô Nguyễn Mai Hương - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH&THCS Chế Cu Nha cho biết: “Học theo mô hình VNEN, học sinh ở cấp THCS cũng chủ động hơn trong học tập, có tinh thần hợp tác, chia sẻ trong nhóm, đồng thời được rèn luyện tư duy, đặc biệt là phát triển ngôn ngữ. Qua đó, phát triển được các kỹ năng cơ bản, đặc biệt là các kỹ giao tiếp ứng xử trong cuộc sống, điều này càng có ý nghĩa hơn với các em học sinh là người dân tộc thiểu số”.

Về phía phụ huynh học sinh, một số phụ huynh đồng tình với việc dạy học theo phướng pháp này khi thấy con em mình tiến bộ trong kỹ năng sử dụng tiếng Việt cũng như kỹ năng giao tiếp và kết quả học tập.

Tuy nhiên, qua rà soát việc triển khai thực hiện mô hình VNEN của huyện cũng cho thấy những hạn chế, bất cập trong thực tế giảng dạy. Ở cấp TH, số học sinh trên lớp quá đông gây khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động học tập và bao quát lớp của giáo viên. Ở khối lớp 2, học sinh còn nhỏ, lại hạn chế tiếng Việt cũng làm ảnh hưởng tới hiệu quả dạy và học. Hội đồng tự quản của khối lớp 2 gặp khó khăn trong việc điều hành, tổ chức các bạn, các nhóm, giáo viên phải thường xuyên thay đổi tổ chức lớp học...

Đối với khối THCS, bước đầu có hiệu quả song còn gặp khó khăn về kinh phí mua sách, thiết bị dạy học, giảng dạy liên môn, bàn ghế, phòng học. Diện tích lớp học chưa đảm bảo cho việc bố trí các nhóm học tập. Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH&THCS Chế Cu Nha -  Nguyễn Mai Hương cho biết: “Nhà trường có hơn 90% học sinh thuộc diện gia đình khó khăn.

Trong khi đó, ở cấp THCS, học theo mô hình VNEN thì các em học sinh phải tự mua sách giáo khoa, giá thành một bộ sách khá cao nên để có được một bộ sách cho các em là điều không dễ với nhiều phụ huynh. Mặt khác, thiết bị và phương tiện giảng dạy chưa đáp ứng nhu cầu dạy học. Đồ dùng dạy học phần lớn là do giáo viên tự làm, không có sự hỗ trợ về tài chính cho giáo viên trong việc làm đồ dùng. Cơ sở vật chất của nhà trường cũng như thiết bị giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu môn học, đặc biệt là với các môn khoa học tự nhiên có nhiều thí nghiệm”.

Thực tế cũng cho thấy, ở địa bàn như huyện Mù Cang Chải, trình độ dân trí không đồng đều, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên phụ huynh học sinh, cộng đồng chưa có sự phối kết hợp với nhà trường để hỗ trợ các con giải quyết các bài tập ứng dụng trong cuộc sống. Cũng có một số phụ huynh chưa thực sự hiểu, chưa tin tưởng vào dạy học theo mô hình trường học mới. Về phía giáo viên, tuy đã được tập huấn để giảng dạy theo phương pháp này nhưng thời gian tập huấn ngắn nên chưa quen phương pháp. Giáo viên cũng mới chỉ được tập huấn một đến hai chuyên ngành nên khó khăn khi giảng dạy liên môn...

Từ thực tế này, để mô hình VNEN được thực hiện hiệu quả, cần có sự hỗ trợ về sách giáo khoa cho học sinh; hỗ trợ kinh phí để cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn; đầu tư trang thiết bị dạy học... Đó cũng là những mong muốn của Trường PTDTBT TH&THCS Chế Chu Nha - trường duy nhất hiện còn thực hiện mô hình này trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, để tiếp tục triển khai việc giảng dạy được hiệu quả.

Thu Hạnh

Các tin khác

YBĐT - Xuân Đinh Dậu đang về trên quê hương Lục Yên, kết thúc một năm vượt khó giành nhiều thắng lợi trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là nhiệm vụ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Câu chuyện “thời sự” nhất lúc này chính là tổ chức cho bà con vui xuân, đón tết vui tươi, an toàn và tiết kiệm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị số 11.

YBĐT - Năm 2016, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Văn Yên đã thụ lý 815 việc, tăng 15% so với năm 2015.

YBĐT - Đại tá Trần Kim Hải – Phó Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái chia sẻ: "Lực lượng Công an Yên Bái đang ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi cơ quan đơn vị, từng cán bộ, chiến sỹ đã thể hiện việc “làm theo” của mình bằng những việc làm cụ thể. “Danh thiếp an ninh” của Công an phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái là một trong những thí dụ như vậy.

Anh Trần Cao Khải giới thiệu về bộ sưu tập lan của mình.

YBĐT - Trên nhiều con đường ở thành phố Yên Bái, rất dễ bắt gặp những nhánh hoa lan rừng nhỏ bé đang khoe sắc. Hiện nay, bên cạnh những loại hoa phổ biến như: hồng, cúc, ly… thì lan rừng cũng đang trở thành một trong những loài hoa được trồng và phát triển ở thành phố, mang lại một nguồn thu nhập đáng kể.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục