“173” - cầu nối tín dụng cho phụ nữ Yên Bái
- Cập nhật: Thứ ba, 7/3/2017 | 8:08:27 AM
YBĐT - Sau 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 173 giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có hàng ngàn phụ nữ được vay vốn phát triển kinh tế gia đình.
Từ nguồn vốn vay, nhiều hội viên phụ nữ đầu tư phát triển chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
|
Sự phối hợp này góp phần thu hút thêm nhiều phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội, đặc biệt góp phần thực hiện hiệu quả Phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, giúp chị em thoát nghèo và làm giàu từ nguồn vốn này.
Để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, tạo điều kiện giúp chị em phụ nữ có thêm nguồn vốn vay phát triển kinh tế gia đình và làm giàu. Năm 2014, Hội LHPN tỉnh và Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã ký kết Chương trình phối hợp số 173 về việc tổ chức thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.
Thông qua đó, các cấp Hội đã phối hợp với Ngân hàng tổ chức tuyên truyền tốt các chủ trương, chính sách, cơ chế tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
Nhờ vậy, đến hết năm 2016, có huyện Yên Bình, Văn Yên và Lục Yên triển khai cho vay nguồn vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại 60 tổ vay vốn với 1.550 thành viên vay với số tiền trên 84 tỷ đồng, tăng gần 22 tỷ đồng so với trước khi ký kết Chương trình phối hợp và đặc biệt không có nợ quá hạn.
Song song với đó, các cấp Hội đã mở 862 lớp tập huấn nghiệp vụ Hội, lồng gắn hướng dẫn cách ghi chép sổ sách, quản lý nguồn vốn vay, cách tổ chức kiểm tra giám sát cho trên 18.000 cán bộ Hội và tổ trưởng tổ vay vốn; mở trên 5.000 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về kiến thức chăn nuôi, trồng trọt cho 243.000 thành viên vay vốn...
Từ nguồn vốn vay đã giúp chị em phụ nữ chủ động tham gia phát triển kinh tế, nhiều chị em có cuộc sống khó khăn đến nay kinh tế ổn định, cuộc sống nâng lên, trở thành hộ khá, hộ giàu tại địa phương.
Chị Triệu Thị Luận ở thôn 3, xã Ngọc Chấn, huyện Yên Bình là một minh chứng rõ nhất. Thông qua Chương trình, chị đã được vay 150 triệu đồng về mở xưởng sản xuất ván bóc và băm dăm. Nhờ mạnh dạn làm ăn và từ nguồn vốn vay, đến nay, mỗi năm sau trừ chi phí, gia đình chị có thu nhập 300 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, từ xưởng sản xuất đã thu hút và tạo công ăn việc làm cho 20 lao động là người địa phương với mức thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng. Hay như chị Lý Thị Duyên ở thôn 2, xã Ngọc Chấn vay 100 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi 70 lợn thịt, 200 con gà và làm vườn ươm cây giống. Từ một gia đình nghèo, sau 2 năm vay vốn phát triển kinh tế, giờ đây, gia đình đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu với mức thu nhập 270 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 10 lao động với mức thu nhập từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Bà Vũ Thị Hiền Hạnh - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh phấn khởi cho biết: “Chương trình phối hợp thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã tháo gỡ một số vướng mắc về vốn. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ nhóm phụ nữ là hộ nông dân, hộ kinh doanh và cá nhân trên địa bàn nông thôn tiếp cận nguồn vốn tín dụng để sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu cho mình và cho xã hội. Đặc biệt, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn”.
Rõ ràng, nguồn vốn vay này đã góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu trong nông nghiệp, nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Phát huy kết quả đã đạt được, những năm tiếp theo, Hội LHPN tỉnh và Ngân hàng NN&PTNT tiếp tục ký kết và triển khai thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP; phấn đấu tăng trưởng dư nợ hàng năm trên 10%, tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,3%, 100% phụ nữ vay vốn sử dụng đúng mục đích, phát huy tốt hiệu quả vốn vay, phát triển kinh tế gia đình và làm giàu.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Đoàn xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên hiện có gần 400 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong độ tuổi từ 18 đến 33, trong đó ĐVTN tham gia sinh hoạt ở các tổ chức cơ sở Đoàn của địa phương trên 260 người trong 13 chi đoàn.
YBĐT - Trung bình mỗi năm tại Việt Nam ghi nhận khoảng 1.000 ca mắc bệnh viêm não vi rút, trong đó, viêm não Nhật Bản (VNNB) chiếm khoảng 10%, gần 60% ca mắc được ghi nhận tại các tỉnh phía Bắc. Yên Bái trong năm 2015 - 2016 đã ghi nhận 18 ca viêm não vi rút (năm 2015 có 2 ca chết do viêm não vi rút, 13 ca dương tính với VNNB).
YBĐT - Đến nay, toàn tỉnh có gần 49.000 gia đình học tập, 145 dòng họ học tập, 714 cộng đồng/ thôn học tập, 214 đơn vị học tập, 1 cộng đồng học tập cấp xã.
Hiện nay, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đang triển khai thực hiện cấp gạo cho 47 địa phương để kịp thời hỗ trợ học sinh trong học kỳ II năm học 2016-2017, dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 30/4.