Phát triển nông nghiệp quy mô lớn ở Lục Yên: Từ thiếu hụt lao động đến tích tụ đất đai
- Cập nhật: Thứ sáu, 10/3/2017 | 8:22:45 AM
YBĐT - Những năm gần đây, phong trào xuất khẩu lao động hay đi lao động tại các khu công nghiệp trong nước ở huyện Lục Yên diễn ra rất sôi động. Không thể phủ nhận hiệu quả của việc đi lao động ngoại tỉnh đã giúp đồng lương ổn định và cao gấp nhiều lần so với thu nhập ở nông thôn. Tuy nhiên, việc lao động đi ồ ạt để lại phía sau hàng loại vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là vấn đề ruộng đất bị bỏ hoang phí hoặc canh tác không hiệu quả...
Mô hình kinh tế tổng hợp của ông Nguyễn Cao Nguyên, thôn 8 xã Minh Xuân cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
|
Thách thức do thiếu hụt lao động nông thôn
Lục Yên là huyện có tỷ lệ người đi lao động ngoại tỉnh khá lớn, trong đó, Mường Lai là một trong những xã có người đi lao động ngoại tỉnh nhiều nhất, với trên 1.400 lao động, chiếm 40% số người trong độ tuổi lao động của toàn xã. Làm công nhân tại các khu công nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho gia đình người lao động, nhưng cũng khiến người ở lại nông thôn gặp nhiều khó khăn.
Việc thiếu lao động khiến người già, trẻ em phải làm việc nặng nhọc khi mùa vụ đến; học hành của con cái thiếu sự quản lý của cha mẹ. Gánh nặng công việc đồng áng đè nặng lên vai phụ nữ khi chồng vắng nhà. Nhiều trẻ em phải sống với ông bà, điều này rất đáng lo ngại, vì các em dễ vướng phải tệ nạn xã hội. Sau kỳ nghỉ tết là người dân Mường Lai lại khoác ba lô đổ về các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh hoặc vào miền Nam... Còn lại, ở nhà là trẻ nhỏ và người già.
Đường vào thôn Bản Cạu, xã Mường Lai đã được bê tông hóa, nhiều ngôi nhà mới được xây lên từ những người đi lao động ngoại tỉnh. Ông Lương Đức Duyên - Trưởng thôn Bản Cạu cho biết: "Cả thôn có 80 hộ dân, 351 nhân khẩu thì có 40 người đi lao động ngoại tỉnh hoặc xuất khẩu lao động. Có những hộ cả hai vợ chồng đều đi làm ăn xa để lại con cái cho ông bà, người thân chăm sóc”.
Hai vợ chồng người cháu của ông Duyên là Lương Đình Huân có 2 đứa con, đứa lớn đang học lớp 7, đứa nhỏ lớp 2 đều gửi con lại cho ông bà để đi làm công nhân ở một khu công nghiệp trong miền Nam đã vài năm nay, mỗi năm chỉ thăm nhà vài ngày rồi lại đi biền biệt.
Theo lời ông Duyên, tuy con cái gửi cho ông bà được chăm sóc tốt, nhưng dù sao trẻ nhỏ đang tuổi lớn thiếu thốn sự yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ của bố mẹ là một sự thiệt thòi rất lớn. Ngoài ra, đất rừng trồng cây, song không có người chăm sóc nên hiệu quả không cao, rất lãng phí.
Thôn Nà Bái của xã Mường Lai có 74 hộ dân, là thôn trung tâm xã nhưng Nà Bái vẫn còn tới 20 hộ nghèo và cũng là thôn có số lượng người đi lao động khá lớn. Anh Nông Văn Vinh - Trưởng thôn Nà Bái cho biết: "Cả thôn có tới 22 người đi lao động ở ngoại tỉnh. Họ đi vì thiếu việc làm, thiếu đất sản xuất và vì thu nhập khi làm việc tại các khu công nghiệp, lương mỗi tháng từ 4 triệu đồng đến 7 triệu đồng, cao hơn nhiều so với thu nhập ở nông thôn. Nếu như không phải chăm sóc bố, mẹ già thì tôi cũng muốn đi làm công nhân ở các khu công nghiệp như mọi người”.
Biến khó khăn thành cơ hội
Sức hấp dẫn từ các nhà máy, xí nghiệp với việc làm và thu nhập ổn định đã khiến nhiều nông dân bỏ ruộng vườn để lại cha mẹ già và con nhỏ để đi làm. Bỏ qua những vấn đề xã hội phát sinh thì đó là một lựa chọn đúng, hợp với quy luật phát triển (tăng cơ cấu công nghiệp, giảm cơ cấu nông nghiệp). Vấn đề ở đây là không nên để hoang phí đất đai khi mà tại những làng quê vẫn còn nhiều người gắn bó. Trong khi đó, rất nhiều ruộng đất mầu mỡ bỏ hoang hoặc gieo trồng mà không thâm canh. Trong bối cảnh ấy, đã xuất hiện những nông dân tiên phong tích tụ đất đai phát triển trang trại kinh tế tổng hợp.
Tại xã Minh Xuân, huyện Lục Yên một số diện tích ruộng nước canh tác hiệu quả thấp, đất vườn tạp không phát huy hiệu quả, sau nhiều trăn trở, ông Nguyễn Cao Nguyên, thôn 8 quyết định cải tạo 1 mẫu ruộng cùng đất vườn tạp của mình sang nuôi cá, gà, vịt và trồng cây ăn quả. Mỗi năm, ông Nguyên xuất 2 - 3 lứa vịt, gà khoảng 4.000 con thu về gần 100 triệu đồng, cùng với 30 gốc bưởi ông thu về thêm 40 triệu đồng/năm. Ông Nguyên cho biết: "Hiện nay, Lục Yên đang phát triển mạnh cây ăn quả, đặc biệt là cây cam. Tuy nhiên, tôi nhận thấy cây bưởi cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao, dễ bán, lại hợp đất”.
Hiện nay, ông Nguyên đang tiếp tục mua thêm 1 ha đất vườn tạp mà người dân quanh thôn canh tác không hiệu quả, dự kiến trong năm 2017, ông sẽ trồng thêm 400 gốc bưởi. Nếu thuận lợi trong vài năm tới, trang trại của ông có thể cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, thôn 5, xã Khánh Hòa là điển hình về phát triển kinh tế hộ. Nhìn vào vườn cam cả chục héc - ta của ông, tính sơ sơ cũng đem về ngót cả tỷ đồng mỗi năm.
Mặc dù là người giàu có, nhưng ông Sơn chưa bao giờ cho mình được nghỉ ngơi. Ông luôn tự mình thồ cam bằng xe máy từ vườn về nhà để vợ ông đóng thùng gửi đi khắp các tỉnh theo đơn đặt hàng. Qua những giai đoạn khó khăn, cuối cùng thì những trái cam vàng cũng trả công xứng đáng cho người nông dân tích cực lao động này. Vụ cam 2016, ông Sơn thu về 1,5 tỷ đồng.
Cam sành đặc sản Lục Yên đã mang lại thu nhập cao cho nhiều nông dân trong huyện.
Trao đổi về vấn đề tích tụ đất nông nghiệp, ông Nguyễn Chương Phát - Bí thư Huyện ủy Lục Yên cho biết: "Những năm gần đây, huyện đặc biệt quan tâm đến cải tạo đất vườn tạp xây dựng những mô hình kinh tế trang trại đem lại thu nhập cao. Huyện ủy giao cho các hội đoàn thể như: Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên xây dựng các mô hình điểm, vận động hội viên tham gia”.
Bằng việc tập trung đầu tư cho các loại cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa chủ lực như: lúa, lạc, cam, chè, tre măng và trồng rừng sản xuất... lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện Lục Yên có bước phát triển khá toàn diện và chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị canh tác. Từ việc sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, Lục Yên đã hình thành các vùng sản xuất hàng hoá chuyên canh tập trung, điển hình như vùng trọng điểm sản xuất lúa có diện tích 1.000 ha; vùng ngô trên 5.200 ha; vùng sản xuất lạc 1.000 ha; vùng trồng chè 400 ha; vùng trồng cam, quýt trên 300 ha; vùng măng mai 500 ha…
Cùng với đó, ngành chăn nuôi đang có xu hướng phát triển mạnh theo hướng công nghiệp với nhiều trang trại chăn nuôi số lượng lớn. Tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh qua chính sách phát triển chăn nuôi quy mô tập trung, huyện khuyến khích người dân xây dựng được 133 trang trại chăn nuôi tập trung. Trong đó, số hộ chăn nuôi lợn trên 50 con là 57 hộ, chăn nuôi gia cầm trên 1.000 con là 41 hộ, 35 hộ nuôi ba ba trên 200 con. Huyện tiếp tục duy trì 310 ha mặt nước ao, hồ phục vụ chăn nuôi thủy sản với sản lượng năm 2016 đạt 1.610 tấn.
Chủ trương khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và hình thành khu vực chuyên canh theo hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa gắn với thị trường đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.
Làn sóng lao động nông thôn đổ về thành thị ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế, xã hội khu vực nông thôn, nhưng từ đây cũng mở ra cơ hội để những người ở lại tích tụ đất đai mở rộng sản xuất. Tích tụ ruộng đất, mở rộng hạn điền là giải pháp quan trọng để tái cơ cấu nông nghiệp, là bước đi cần thiết, đáp ứng đòi hỏi của tính hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Anh Dũng
Các tin khác
Chiều 8/3, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho hay, bệnh ho gà trong hai tháng gần đây có sự gia tăng do thời điểm mùa Đông Xuân lạnh và ẩm nên số lượng ca mắc ho gà xuất hiện nhiều.
YBĐT - Phát huy nội lực của địa phương, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới… là những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng ủy, chính quyền xã Minh Quán, huyện Trấn Yên đang tập trung triển khai xuống cơ sở, giúp nhân dân giảm nghèo.
YBĐT - Giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là một trong những phong trào thiết thực và ý nghĩa đang được Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Văn Chấn quan tâm đẩy mạnh.
YBĐT - Là một huyện miền núi, các ngành kinh tế đang được hình thành và phát triển nên mức độ ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất đai ở Mù Cang Chải chưa thật sự nghiêm trọng. Tuy nhiên, ở môi trường khu vực nông thôn, tập quán đốt nương làm rẫy của bà con vẫn diễn ra thường xuyên đã ảnh hưởng xấu đến môi trường.